Một chế độ dinh dưỡng cho bé từ 6 tháng tuổi đến 8 tháng tuổi phù hợp sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé, đồng thời giúp bé tránh được tình trạng béo phì hay còi xương nữa.
Chế độ dinh dưỡng cho bé từ 6–8 tháng tuổi
Lúc này, khá nhiều bé đã sẵn sàng chuyển sang ăn thức ăn đặc rồi mẹ ạ. Bé bắt đầu bú ít sữa mẹ hoặc sữa công thức hơn bởi ăn dặm đã bắt đầu trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng cho bé rồi. Tuy nhiên, mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 3 – 5 lần/ngày nhé. Ở giai đoạn chăm sóc trẻ sơ sinh này, sữa bò hoàn toàn không được khuyến khích cho bé dưới 1 tuổi đâu.
Mẹ lưu ý rằng nếu cho bé ăn thức ăn đặc quá sớm khi cơ thể bé vẫn chưa sẵn sàng có thể khiến bé bị nghẹn và nghẹt thở đấy nhé. Mẹ có thể tham khảo một số dấu hiệu cho thấy bé yêu đã sẵn sàng ăn thức ăn đặc như:
- Cân nặng bé tăng gấp đôi
- Bé có thể tự kiểm soát đầu và cổ tốt
- Bé có thể tự ngồi dậy (khi được sự giúp sức từ bố mẹ)
- Bé biết biểu lộ rằng mình đã no bằng cách quay đầu đi hoặc không há miệng khi được cho bú
- Bé bắt đầu thể hiện sự thích thú, quan tâm về thức ăn khi thấy người khác đang ăn.
Nên bắt đầu cho bé ăn dặm với bột ngũ cốc
Để xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé 6-8 tháng tuổi, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm với bột ngũ cốc từ gạo có tăng cường chất sắt pha loãng với sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức). Mẹ cũng có thể pha bột đặc hơn để bé học cách kiểm soát thức ăn trong miệng.
Ban đầu, mẹ sẽ cho bé ăn dặm 2 lần/ngày với 1 – 2 muỗng canh bột ngũ cốc mỗi khẩu phần (đây là liều lượng bột khô, trước khi pha với sữa mẹ nhé). Dần dần, mẹ có thể tăng liều lượng lên 3 – 4 muỗng canh mỗi khẩu phần. Không nên cho bé ăn bột bằng bình trừ khi có khuyến cáo từ bác sĩ chăm sóc trẻ sơ sinh (để tránh tình trạng trào ngược).
Ngũ cốc – nguồn dinh dưỡng cho bé từ 6 tháng tuổi đến 8 tháng tuổi khi bắt đầu thời kỳ ăn dặm
Khi bé đã được cho ăn ngũ cốc từ gạo đều đặn mỗi ngày rồi, mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn các loại ngũ cốc tăng cường chất sắt khác. Tuy nhiên, chỉ nên cho bé ăn 1 loại mới mỗi tuần để dễ dàng kiểm soát xem cơ thể bé có không dung nạp hoặc bị dị ứng thực phẩm nào không mẹ nhé!
Mẹ cố gắng không đặt bé nằm trên giường cùng với bình sữa bởi có thể dẫn đến tình trạng sâu răng do bú bình. Nếu bé vòi vĩnh bình sữa, mẹ hãy thay sữa bằng nước lọc. Tuy nhiên, mẹ cũng cần hỏi qua ý kiến bác sĩ về dinh dưỡng cho bé bởi trong một số trường hợp, uống quá nhiều nước có thể dẫn đến co giật ở bé.