Khi mang thai, bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B cho phụ nữ ở giai đoạn gần cuối thai kỳ. Đây là cách an toàn nhất để bảo vệ bé yêu tránh bị nhiễm vi khuẩn Strep nhóm B mẹ ạ. Và nếu kết quả dương tính mẹ nên làm gì? Tất cả sẽ được giải đáp ở bài viết này, mẹ xem ngay nhé!
Tìm hiểu về vi khuẩn Strep nhóm B
Vi khuẩn Strep nhóm B (GBS) – liên cầu khuẩn nhóm B – là một loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong âm đạo của những phụ nữ khỏe mạnh (và nhóm này không liên quan đến nhóm vi khuẩn strep nhóm A – loại gây ra viêm nhiễm ở cổ họng).
Tại sao phải làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B khi mang thai?
Khoảng 10 – 35% tất cả các phụ nữ có sức khỏe tốt khi mang thai đều có vi khuẩn này và nó không gây hại gì cả. Nhưng đối với trẻ sơ sinh, trong quá trình được sinh ra qua ngã âm đạo bé có thể mang theo một lượng vi khuẩn này, GBS có thể gây ra nhiễm trùng trầm trọng cho bé (dù nguy cơ rất thấp chỉ có 1/200 bé được sinh ra từ mẹ dương tính với GBS bị ảnh hưởng).
Nếu khi mang thai bạn mang mầm bệnh GBS, bạn sẽ chẳng có triệu chứng bệnh gì hết, đây là một điểm cộng. Nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ không hay biết rằng mình có phải là người mang mầm bệnh GBS không, và đây lại là một điểm trừ vì nó có nguy cơ sẽ truyền cho bé khi bạn sinh thường. Và đây cũng là lí do vì sao phụ nữ mang thai thường được làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B vào khoảng giữa tuần thứ 35 đến 37 (những xét nghiệm tiến hành trước tuần thứ 35 sẽ không cho kết quả dự đoán chính xác rằng liệu bạn có mang vi khuẩn GBS đến lúc sinh không).
Nếu trong quá trình chuyển dạ bạn đến bệnh viện sớm để làm một xét nghiệm GBS nhanh (nhằm sàng lọc các thai phụ có GBS), xét nghiệm sẽ được thực hiện và có ngay kết quả trong vòng 1 giờ đồng hồ, thì xét nghiệm giữa tuần thứ 35 đến 37 không cần thiết nữa (tuy nhiên bạn nên kiểm tra xem bệnh viện có thực hiện xét nghiệm kiểu này không).
Vậy xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B được tiến hành như thế nào?
Xét nghiệm được tiến hành như quá trình làm xét nghiệm Pap smear (một phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung), bằng cách lấy mẫu xét nghiệm bằng gạc chuyên dụng ở âm đạo và trực tràng.
Nếu kết quả là dương tính (nghĩa là bạn có mang mầm vi khuẩn GBS trong người), bạn sẽ được truyền kháng sinh tĩnh mạch (IV antibiotics) trong quá trình vượt cạn – và phương pháp điều trị này giảm hoàn toàn các rủi ro cho bé.
Nếu kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B dương tính, bạn sẽ được truyền kháng sinh tĩnh mạch khi vượt cạn
Vi khuẩn GBS cũng có thể được phát hiện trong nước tiểu của bạn, khi bạn tiến hành kiểm tra thai kỳ theo định kỳ và có kiểm tra nước tiểu. Nếu kết quả dương tính, bạn cũng sẽ được điều trị tức thời bằng cách uống thuốc kháng sinh.
Nếu bác sĩ không đề nghị bạn làm kiểm tra GBS khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu được thực hiện. Dù không được xét nghiệm nhưng trong quá trình sinh nở, nếu có bất kỳ nguy cơ nào liên quan đến vi khuẩn GBS, bạn cũng sẽ được bác sĩ cho điều trị bằng truyền kháng sinh tĩnh mạch nhằm đảm bảo bé không bị nhiễm vi khuẩn GBS.
Nếu trong những lần sinh trước bé của bạn bị nhiễm GBS thì trong lần mang thai này, bác sĩ sẽ không cần tiến hành xét nghiệm ở giữa tuần 35 và 37 mà điều trị trực tiếp ngay lúc bạn sinh bé luôn.
Kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B sẽ cho biết bạn có an toàn hay không, và nếu cần thiết, bạn sẽ được điều trị bằng kháng sinh, việc này sẽ giúp bé tránh khỏi nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn GBS.