Nhiều mẹ lo lắng về vấn đề cân nặng của mẹ khi mang thai 3 tháng đầu, nhưng việc giảm hay tăng cân khi mang thai lúc này không quan trọng miễn là mẹ có một chế độ ăn uống đủ dưỡng chất cho bé yêu trong bụng là được mẹ nhé!
Có sao không nếu mẹ không tăng cân khi mang thai 3 tháng đầu?
Cân nặng không tăng, có nên lo lắng?
Một vài mẹ sẽ thấy mình khó tăng cân, hoặc thậm chí còn bị giảm cân trong vài tuần đầu tiên (chủ yếu do ốm nghén) trong khi một số mẹ khác đang bị thừa cân khi mang thai thì sẽ không cần tăng chút nào trong thời gian này.
May thay tự nhiên có cách riêng để bảo vệ bé phòng khi mẹ biếng ăn. Bé lúc này còn nhỏ xíu nên cần rất ít dinh dưỡng, do đó vấn đề cân nặng của mẹ khi mang thai 3 tháng đầu không tăng cũng không ảnh hưởng xấu đến bé đâu.
Tuy vậy, khi bước vào 3 tháng kế tiếp lại là chuyện khác mẹ nhé. Thời điểm này bé sẽ bắt đầu phát triển nhanh và ngày càng cần nhiều dinh dưỡng hơn, do đó mẹ sẽ phải bắt kịp nhịp độ này bằng việc tăng cân vừa đủ và đều đặn.
Cần kiểm soát cân nặng tốt hơn khi mang thai tháng thứ 4
Mẹ không cần quá lo lắng, nhưng cũng bắt đầu ăn nhiều lên dần dần (nhất là khi bắt đầu bớt nghén). Và từ tháng thứ 4 trở đi mẹ hãy theo dõi và điều chỉnh cân nặng của mình cho hợp lý.
Nếu vẫn tiếp tục khó tăng cân, mẹ hãy cố ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng và năng lượng, mỗi ngày cố tập ăn nhiều hơn bằng cách không bỏ bữa và ăn nhẹ hoặc ăn vặt thêm. Chia nhỏ bữa ăn thành 6 bữa/ngày; đừng ăn salad, canh hay uống nước trước mỗi bữa để tránh lửng bụng rồi chán ăn.
Mẹ cũng đừng ngại ăn những món có chứa chất béo có lợi như các loại hạt, bơ và dầu olive, nhưng hãy tránh xa các loại thức ăn nhanh vốn chứa nhiều năng lượng nhưng có rất ít dinh dưỡng nhé, vì chúng sẽ làm cho chính mẹ tăng cân thay vì có ích cho bé yêu đấy.
Dưới đây là vì gợi ý giúp mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn:
>> 9 Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bà bầu
>> Bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách
>> Bổ sung acid folic cho bà bầu thế nào mới đúng?
>> Những thực phẩm giàu protein cần được bổ sung khi mang thai
Chuyện gì xảy ra nếu mẹ tăng cân quá nhiều khi mang thai 3 tháng đầu?
Ngược lại với trường hợp trên, có những mẹ tuy mới mang thai 3 tháng đầu nhưng lại tăng cân quá nhiều, thậm chí có mẹ mới có thai được 12 tuần nhưng đã tăng gần 7kg! Liệu điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé không nhỉ?
Cân nặng của mẹ khi mang thai 3 tháng đầu tăng quá nhiều, liệu có bình thường
Nếu tăng cân khi mang thai hơi nhiều trong thời điểm này thì mẹ cũng đừng quá lo nhé, nhiều mẹ khác cũng gặp trường hợp này, thậm chí còn tăng hơn nữa khi chỉ mới mang thai được 3 tháng. Nguyên nhân có thể là do các mẹ “ăn cho 2 người” quá “nghiêm túc” mà quên mất là “người” kia chỉ mới bé tẹo. Đôi khi cũng vì cảm giác buồn nôn thường được giải tỏa bằng những món giàu năng lượng như kem, hamburger, hay bánh mì…
Nhưng dù gì, tình trạng tăng cân khi mang thai nhiều như thế này này cũng không quá nghiêm trọng. Dĩ nhiên mẹ không thể ăn ít lại cho 6 tháng kế tiếp vì đó chính là giai đoạn quan trọng để bé phát triển, nhưng mẹ có thể theo dõi kỹ cân nặng của mình và ăn uống lành mạnh để có thể tăng cân theo đúng lộ trình từ đây đến khi sinh. Hãy tham khảo với bác sĩ để có được lộ trình hợp lý nhất cho thời gian còn lại mẹ nhé!
>> Bí kíp tăng cân “thông minh” khi mang thai
Thông tin thú vị dành cho mẹ
Mẹ thường xuyên thấy đói? Càng gần tam cá nguyệt thứ hai, mẹ càng thấy bắt đầu thèm ăn trở lại. Nếu mẹ thường xuyên vét sạch tủ lạnh như thuở dậy thì, thì rất có thể một bé trai đang lớn lên trong bụng mẹ đấy.
Các nghiên cứu cho thấy các mẹ mang thai bé trai thường ăn nhiều hơn các mẹ mang thai bé gái – một phần giải thích nguyên nhân vì sao các bé trai thường nặng hơn các bé gái khi mới sinh.