Phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng to lớn, rộng khắp đến cuộc sống tất cả mọi người. Đặc biệt đối với trẻ vị thành niên, sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông được thể hiện trong cách ăn mặc, trò chuyện, hành xử và suy nghĩ của trẻ.
Có thể bạn sẽ rất bất ngờ nhưng phương tiện truyền thông có ảnh hưởng mạnh đến mọi người, sức ảnh hưởng mạnh mẽ này có thể định hướng cho con người ta cách nhận thức thế giới và vị trí của mình trong thế giới này.
1. Định nghĩa và phân loại các phương tiện truyền thông
Đa số phương tiện truyền thông nói đến các thiết bị thông tin liên lạc, được sử dụng để giao tiếp và tương tác với nhiều người sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cho dù là phương tiện truyền thông ở hình thức nào thì một điều chắc chắn rằng, đó là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta.
Có 3 loại phương tiện truyền thông: truyền thông in ấn, truyền thông điện tử và truyền thông thế hệ mới. Trong đó:
- Truyền thông in ấn gồm: báo; tạp chí; tài liệu quảng cáo; tạp chí hoặc bản tin xuất bản định kỳ của 1 tổ chức; tờ rơi quảng cáo (phát tại nhà); tờ truyền đơn hoặc tờ rơi; bảng quảng cáo lớn (pano quảng cáo); thông cáo báo chí; sách.
- Truyền thông điện tử: ti vi; radio.
- Truyền thông thế hệ mới: điện thoại di động, máy vi tính, mạng internet.
2. Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông lên thanh thiếu niên
Mỗi thanh thiếu niên sẽ có những hoạt động mà mình thích làm vào thời gian rảnh. Trong thời đại ngày nay, có quá nhiều hoạt động giải trí để trẻ lựa chọn. Trẻ có thể đọc sách, chơi game, xem ti vi, đi bộ, chạy bộ hoặc lướt internet.
Ở giai đoạn đang phát triển, trẻ có xu hướng nhanh chán sau một thời gian làm một việc gì đó. Đó là lý do vì sao thanh thiếu niên có xu hướng luôn tìm kiếm những thứ mới mẻ. Và các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng internet và ti vi là môi trường hấp dẫn với muôn vàn điều cần khám phá. Một số thanh thiếu niên dành hơn 10 tiếng mỗi ngày, hơn 70 – 80 tiếng một tuần cho việc giải trí bằng các phương tiện truyền thông. Điều này nghe có vẻ lạ nhưng nó thực sự tồn tại.
Sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông lên thanh thiếu niên có cả mặt tích cực và tiêu cực:
Tác động tích cực của các phương tiện truyền thông:
- Phương tiện truyền thông giúp thanh thiếu niên tiếp cận dễ dàng với kỹ thuật công nghệ như máy vi tính, mạng internet hoặc máy nghe nhạc.
- Phương tiện truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về thế giới xung quanh, kiến thức tổng quát và hiểu thêm về các môn học nhờ lượng thông tin lớn mà nó cung cấp. Nếu được quản lý tốt, phương tiện truyền thông có thể được sử dụng một cách hiệu quả để hình thành nhận thức cho thanh thiếu niên về các vấn đề như các bệnh lây qua đường tình dục, mang thai, ma túy, rượu bia và thuốc lá.
- Ti vi có thể là một công cụ học tập nếu được sử dụng một cách sáng suốt và có sự giám sát của cha mẹ. Những chương trình giáo dục được chiếu liên tục trên ti vi và trẻ có thể học được nhiều thứ từ đó.
- Các trang mạng xã hội là nơi thanh thiếu niên tiếp xúc với bạn bè và kết nối với những người khác, tuy nhiên cũng nên giới hạn thời gian sử dụng ở trẻ.
- Sách báo là phương tiện tốt để trẻ biết rõ về những sự việc đang diễn ra trên thế giới và giúp phát triển thói quen đọc sách – thói quen đang bị mai một dần ở giới trẻ.
Tác động tiêu cực của các phương tiện truyền thông:
- Các nghiên cứu cho thấy một vài nhóm thanh thiếu niên có khuynh hướng hành xử bạo lực, hung hăng vì bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông.
- Xem ti vi quá nhiều khiến trẻ lơ là học hành và bài vở, sa sút trong việc học.
- Trẻ xem ti vi nhiều có nguy cơ bị béo phì, trong đó, sự kém hoạt động là nguyên nhân chính.
- Thanh thiếu niên có những hiểu biết sai lầm về tình dục (phương tiện truyền thông mô tả về tình dục là một hành vi tự nhiên và bình thường mà mọi người có thể “hưởng thụ”, không cần quan tâm tới điều gì khác), khiến trẻ thực hành theo những gì mình thấy và có thể dẫn đến việc mang thai hoặc mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Quảng cáo và phim ảnh đem lại ý nghĩ những thói quen xấu là “tuyệt, hay”, nhiều thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc ở tuổi 14 – 15, thậm chí sử dụng ma túy và rượu ở độ tuổi nhỏ. Sự ảnh hưởng nặng nề bắt nguồn từ các video ca nhạc, phim ảnh (những phim chỉ dành cho người lớn), quảng cáo và chương trình ti vi.
Sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đến trẻ có thể tiêu cực
- Trẻ thường xem những đoạn quảng cáo, nơi gieo vào tâm trí trẻ những thứ mà trẻ nghĩ rằng mình phải mua và sử dụng, mặc dù không thực sự cần thiết. Nó tạo ra một hình ảnh mà trẻ tìm đến như là mục đích cuối cùng để tìm thấy sự hài lòng lâu dài. Điều này thường dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như là ăn vô độ hoặc chán ăn. Ví dụ, trẻ thấy trên TV có quảng cáo một chiếc áo bó và trẻ rất thích, trẻ nghĩ rằng bây giờ mình chưa mặc vừa thì cứ để đó, khi nào trẻ ốm lại một chút sẽ mặc vừa thôi. Và thế là trẻ lao vào việc giảm cân, bỏ ăn để có thể có được thân hình như người mẫu trong quảng cáo và mặc vừa chiếc áo, mặc dù việc giảm cân này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Các tạp chí thời trang cũng góp phần gây ảnh hưởng tiêu cực khi đưa những hình mẫu được gọi là cơ thể “hoàn hảo” để thanh thiếu niên tôn thờ và bắt chước theo, trong khi đó là những việc tác động đến sức khỏe.
- Mạng internet không có sự kết nối an toàn để ngăn việc xem phim khiêu dâm, do đó thanh thiếu niên nếu vô tình truy cập vào những trang web phim này, trong nhiều trường hợp sẽ phát triển thói quen truy cập lại trang web đó. Điều này có thể khiến thanh thiếu niên có những hoạt động tình dục sớm, hoặc có thể có những suy nghĩ và hành động không lành mạnh (như hiếp dâm, quan hệ tình dục bừa bãi…) khi xem và bị ảnh hưởng bởi những đoạn phim đó.
Kiểm soát ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông lên thanh thiếu niên
Phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tất cả mọi người, đặc biệt là với thanh thiếu niên. Với những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực, cha mẹ có thể giúp trẻ sử dụng các phương tiện truyền thông hiệu quả bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó, làm cho trẻ nhận thức về những ảnh hưởng của nó là một điều quan trọng.
Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đóng một vai trò lớn trong việc hình thành hành vi ở thanh thiếu niên. Khi trẻ nhận thức được những ảnh hưởng này, trẻ sẽ có thể kiểm soát chúng tốt hơn. Cha mẹ có thể giúp thanh thiếu niên bằng các cách sau:
- Trò chuyện với con về thông điệp mà các phương tiện truyền thông mang lại. Ví dụ, nói với con về tình dục, bạo lực, tội phạm. Hỏi con về những tình huống và con sẽ xử lý như thế nào nếu con gặp trong thực tế.
- Để ý thể loại nhạc, chương trình ti vi, trò chơi trên máy vi tính và những người nổi tiếng mà con mình thích. Một khi đã biết sở thích của con, cha mẹ có thể biết được trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những thông điệp và hình ảnh gì.
- Thiết lập giới hạn về thời gian dùng các phương tiện truyền thông (như ti vi, máy vi tính, trò chơi điện tử…): giới hạn hoặc cắt giảm thời gian dành cho các việc như xem ti vi, chơi điện tử của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động khác như: đọc sách, tập thể dục, tham gia hoạt động ngoài trời hoặc nói chuyện với mọi người.
- Không đặt ti vi và máy vi tính trong phòng ngủ của trẻ. Trẻ có thể xem những chương trình yêu thích của trẻ ở khu vực sinh hoạt chung của ngôi nhà. Việc này có thể giúp bạn trò chuyện với trẻ khi bạn đi ngang qua, cũng có thể biết trẻ đang xem những gì và giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ.
- Xem xét các hướng dẫn an toàn internet đối với thanh thiếu niên và dán chúng gần máy tính.
- Cài chương trình lọc web: cha mẹ có thể cài đặt các chương trình quét và chặn các địa chỉ truy cập chứa các nội dung như: tình dục, khiêu dâm, bạo lực. Cha mẹ có thể cấm một số trò chơi, ứng dụng hay chương trình giải trí và cần giải thích lý do làm việc này cho con. Nếu có thể, cha mẹ hãy bàn luận về vấn đề này với trẻ.
- Khuyến khích con tham gia các hoạt động khác mà không sử dụng các phương tiện truyền thông, như giao tiếp với người khác, tham gia các hội nhóm cộng đồng, các câu lạc bộ thể thao hoặc các chương trình tư vấn…
- The Influence of Media on Teenagers. Đọc thêm tại: <http://www.nokesoft.com/fdv/Radovi_PDF_2011/The%20Influence%20of%20Media%20on%20Teenagers.pdf>. [Ngày 9 tháng 8 năm 2015].
- Different Types of Mass Media. Đọc thêm tại: <http://www.buzzle.com/articles/different-types-of-mass-media.html>. [Ngày 9 tháng 8 năm 2015].
- Media’s Effects on Teenagers. Đọc thêm tại: <http://www.buzzle.com/articles/media-effects-on-teenagers.html>. [Ngày 9 tháng 8 năm 2015].
- Media infulence on teenagers. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/media_influences_teenagers.html>. [Ngày 9 tháng 8 năm 2015].
- Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 182; 190.