Nuôi con

Bạn sẽ làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi?

Bạn sẽ làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi? Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm lý của trẻ có nhiều thay đổi, đôi khi trẻ còn biểu hiện sự chống đối bằng cách bỏ nhà đi lang thang. Hầu hết những trẻ bỏ nhà đi bụi sẽ tự trở về nhà theo cách riêng của chúng, nhiều trường hợp thường được tìm thấy trong vòng 48 giờ sau khi bỏ nhà đi.

Choáng váng khi con bỏ nhà đi bụi

Gia đình nhà chị Hiền, anh Long có hai con, bé trai năm nay học lớp 10 và bé gái mới học lớp 7. Anh chị làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng nên công việc khá bận rộn và không có nhiều thời gian quan tâm đến các con.

Dạo gần đây Hưng – cậu con trai lớn của anh chị thường xuyên xin tiền để đóng học, khi thì học tiếng anh, khi thì họp lớp, khi thì học thêm toán,…

Sau đó, qua một người bạn của Hưng, anh chị vô tình phát hiện từ trước đến giờ con mình xin tiền để nướng hết vào mấy trò chơi game online trên mạng chứ không phải học hành gì cả. Anh Long không kìm chế được tức giận nên đã cho Hưng một trận đòn.

Ngày hôm sau, anh chị tá hỏa khi cậu con trai biến mất và để lại bức thư, thông báo rằng mình quyết định… bỏ nhà đi bụi!

Bạn sẽ làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi?

Phải làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi?

1. Dấu hiệu trẻ muốn bỏ nhà đi bụi

Ở độ tuổi nổi loạn hoặc tâm sinh lý còn chưa ổn định, trẻ có thể thường bỏ nhà đi lang thang bởi nhiều lý do khác nhau. Tình trạng này khiến cha mẹ cảm thấy rất lo lắng và bất lực.

Dưới đây là một số dấu hiệu trẻ bỏ nhà đi bụi mà cha mẹ cần chú ý như:

  • Thay đổi thói quen ăn uống hoặc ngủ nghỉ
  • Tính khí thay đổi thất thường
  • Gặp vấn đề với việc điểm danh và hành vi ở trường
  • Bắt đầu mang theo nhiều tiền bên mình và thậm chí có thể nhờ người bạn nào đó giữ giùm một ít
  • Cho đi quần áo và những vật dụng có giá trị khác của mình
  • Thường hỏi những câu đại loại như: “Bố/mẹ nghĩ sẽ có ai nhớ con không khi con không còn ở nhà nữa?”.

2. Nguyên nhân khiến trẻ bỏ nhà đi bụi

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bỏ nhà đi bụi, ví dụ như bất đồng sâu sắc về một vấn đề nào đó với cha mẹ, và việc bỏ nhà ra đi là một cách giải quyết “được lên dây cót” sau một cuộc tranh cãi.

Trẻ có thể có những cảm xúc rất mãnh liệt về điều gì đó, và giống như tất cả những người trải qua cảm xúc mạnh mẽ, trẻ có thể gặp khó khăn khi giao tiếp hay đàm phán những gì trẻ muốn.

Ngoài ra, trẻ tin rằng việc bỏ nhà đi bụi sẽ làm cho cha mẹ nhận ra rằng cha mẹ đã mắc phải một sai lầm. Cũng có thể trẻ sợ sẽ gặp thêm rắc rối nếu còn ở nhà cùng cha mẹ, hoặc trẻ nghĩ rằng nhà của mình có quá nhiều quy tắc và giới hạn – trẻ muốn tìm kiếm sự tự do trong cuộc sống của mình.

Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ bỏ nhà đi bụi như:

  • Có quá nhiều giới hạn và sự nghiêm khắc ở nhà và cha mẹ không biết làm thế nào để hỗ trợ tính độc lập đang trỗi dậy trong trẻ.
  • Nhà không còn là nơi an toàn hoặc có điều gì đó nghiêm trọng đang xảy ra trong cuộc sống của trẻ (cha mẹ liên tục cãi nhau, tình trạng bạo lực gia đình, trẻ đang bị lạm dụng về thể chất hoặc tình dục, trẻ bị bỏ rơi).
  • Một số trẻ thực sự cảm thấy mình thừa thãi và không được yêu thương khi ở nhà.

Bạn sẽ làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi hình ảnh 2

Sự nghiêm khắc quá mức có thể là nguyên nhân khiến trẻ bỏ nhà đi bụi

Cũng có thể trẻ bỏ nhà đi bụi vì không thích việc ở chung nhà với cha kế, mẹ kế hay các anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha hoặc các con riêng của cha hay mẹ. Hoặc trẻ đang cố gắng để thoát khỏi một tình huống khó khăn nào đó (ví dụ việc trẻ bị bắt nạt ở trường học), đối phó với áp lực từ các bạn bè đồng trang lứa.

Đặc biệt, việc trẻ bỏ nhà đi bụi có thể là do trẻ đang chán nản, đang gặp vấn đề ma túy hoặc vấn đề về sức khỏe tinh thần và cần sự giúp đỡ.

3. Làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi?

Hãy cố gắng giữ bình tĩnh

Khi trẻ bỏ nhà đi bụi, dù biết rằng bạn đang rất rất lo lắng nhưng điều quan trọng lúc này hãy hết sức bình tĩnh vì có như thế bạn mới thông suốt để nghĩ ra cách giải quyết thay vì khóc hoặc lo lắng cuống lên.

Hãy  thử suy luận cách mà trẻ bỏ nhà ra đi và những nơi trẻ có khả năng đến nhất như:

  • Trẻ đã lên kế hoạch bỏ nhà đi bụi hay trẻ bốc đồng và bỏ đi?
  • Trẻ có bỏ nhà đi cùng bạn bè hay không?
  • Trẻ có lấy tiền, quần áo hay những vật có giá trị hay không?
  • Trẻ có để lại mảnh giấy nào hay nói bất kỳ thông tin nào với ai hay không?

Tiếp theo, lên kế hoạch tìm kiếm trẻ

Cha mẹ có thể làm một loạt các hành động như liên hệ với cha mẹ của bạn bè của trẻ để khai thác những thông tin mà họ biết được. Đừng cảm thấy lo lắng và xấu hổ về việc này, hầu hết các gia đình đều ít nhiều trải qua những giai đoạn thăng trầm như vậy.

Bạn cũng có thể gọi điện thoại cho cha mẹ và bạn của con để xem họ có biết trẻ đã đi đâu hay không. Nếu trẻ có để lại sổ tay ghi các số điện thoại và địa chỉ liên lạc, nếu nghĩ rằng những người này có thể biết trẻ đang ở đâu, bạn hãy thử liên lạc với bất kỳ ai trong danh bạ đó nhé.

Ngoài ra, cha mẹ hãy thử liên lạc với họ hàng, thầy/cô giáo, người dạy kèm, các câu lạc bộ mà trẻ sinh hoạt, người quản lý trường học, bảo vệ trường học để biết lần cuối cùng họ gặp trẻ là khi nào.

Thử tìm trẻ ở các điểm giao dịch rút tiền tự động (ATM) của Ngân hàng mà gia đình đang sử dụng dịch vụ cũng như kiểm tra các điểm giao dịch thẻ tín dụng (Credit-card) vì những nơi này có nhiều khả năng cung cấp manh mối vị trí của trẻ khi con bỏ nhà đi bụi đấy.

Truy tìm danh sách các số điện thoại liên lạc gần nhất và xem trong danh mục các số điện thoại liên lạc của gia đình có số điện thoại nào được gọi lặp đi lặp lại nhiều lần hay không.

Nếu trẻ có truy cập Internet, cha mẹ hãy kiểm tra thư điện tử (email). Đa số các trình duyệt web (web browser) đều có mục “Lịch sử”, thông qua cách này, bạn có thể kiểm tra các trang web mà trẻ đã truy cập trước khi bỏ nhà đi bụi.

Bạn sẽ làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi hình ảnh 3

Khi trẻ bỏ nhà đi bụi, cha mẹ cần bình tĩnh để tìm hướng giải quyết

Nếu cha mẹ biết con ở đâu, hãy cho con biết rằng bạn đang lo lắng và muốn nói chuyện với trẻ để tìm cách giúp mọi việc tốt hơn cho cả cha mẹ và trẻ (nhưng thảo luận không có nghĩa cha mẹ phải nhượng bộ tất cả mọi vấn đề đâu nhé). Đừng để lại tin nhắn mang tính chất đe dọa và hãy có một thái độ “mở cửa” để trẻ trở về nhà.

Thực tế việc biết cha mẹ đang tìm kiếm mình sẽ giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ vẫn quan tâm đến mình, miễn là cha mẹ không tức giận, bình phẩm hay phê phán khi trẻ trở về.

Cha mẹ có thể nhờ một người thứ ba để giúp cả hai nói lên những suy nghĩ trong đầu và hãy chuẩn bị để thực hiện một số thay đổi. Nếu mọi việc không được làm rõ hay thay đổi thì rất có khả năng trẻ sẽ bỏ nhà đi bụi lần nữa.

Hãy nhờ đến cảnh sát trong trường hợp trẻ bỏ nhà đi bụi và cha mẹ không thể tìm thấy hoặc không biết trẻ đã đi đâu cũng như không biết trẻ có được an toàn hay không, cha mẹ không nên lãng phí thời gian nữa và hãy điện thoại cho cảnh sát để báo cáo về việc trẻ bị mất tích ngay lập tức.

4. Cách phòng ngừa việc trẻ bỏ nhà đi bụi

Nếu dạo gần đây giữa cha mẹ và con có một sự bất đồng nào đó, cha mẹ hãy cố gắng vun đắp mối quan hệ với con trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và trẻ bỏ nhà đi bụi. Cha mẹ cũng cần làm cho con hiểu rằng đằng sau tất cả những “nốt thăng trầm” trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thì tình cảm cha mẹ dành cho con vẫn là trên hết.

Để ngăn ngừa trẻ bỏ nhà đi bụi, cha mẹ cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Cố gắng lắng nghe quan điểm của con trước khi đưa ra ý kiến của mình.
  • Nói chuyện với con về nhiều thứ khác nữa chứ không nên chỉ nhắm đến những rắc rối hay va vấp của trẻ.
  • Cố gắng tìm ra một vài điểm dung hòa khi cha mẹ sắp “thắng” con cái trong những vấn đề nào đó. Việc cha mẹ ‘chiến thắng” sẽ làm cho con trẻ cảm thấy hoàn toàn bất lực, thường chỉ dẫn đến những phản ứng thái quá và tiêu cực mà thôi.
  • Nếu trẻ dọa bỏ nhà đi bụi, trẻ thật sự nghiêm túc về việc này. Cha mẹ không nên thách trẻ bỏ nhà đi, ví dụ như nói: “Con có giỏi thì bỏ nhà đi đi, rồi con cũng sẽ trở về nhà sớm thôi!” hoặc cấm trẻ bỏ nhà đi bụi, ví dụ: “Con không được phép bỏ nhà đi bụi!”. Điều cha mẹ cần làm là lắng nghe cảm xúc, vấn đề của trẻ và những thứ có thể thay đổi.

Bạn sẽ làm gì khi trẻ bỏ nhà đi bụi hình ảnh 4

Hãy xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đừng để khi trẻ bỏ nhà đi bụi mới kịp nhận ra

cha-me-nen-lam-gi-khi-tre-bo-nha-di-bui-hinh-anh4

  • Cha mẹ và trẻ có thể cần thời gian để mọi việc dịu xuống. Cha mẹ có thể sắp xếp để trẻ sống cùng với một người họ hàng thân thiết hoặc bạn bè của cha mẹ mà cha mẹ có thể tin tưởng được. Việc này cho cha mẹ có cơ hội để suy nghĩ về những việc đang xảy ra và cố gắng tạo nên những thay đổi tích cực.
  • Cố gắng nhìn nhận những vấn đề theo nhiều cách khác nhau, ví dụ: “Mình có thể làm gì để tất cả mọi người trong nhà cảm thấy tốt hơn?” hơn là “Tại sao con luôn gây ra rắc rối vậy hả?”
  • Cha mẹ nên biết các bạn của trẻ, những người mà trẻ hay nói chuyện nhất và những người luôn làm trẻ cảm thấy tin tưởng và được hỗ trợ. Khi trẻ bỏ nhà đi, những người bạn này của trẻ có thể biết trẻ có khả năng đi đâu nhiều nhất.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. When teenagers run away. Đọc thêm tại: <http://www.community.nsw.gov.au/docswr/_assets/main/documents/parrun.pdf>. [Ngày 01/7/2015]
  2. Running away. Đọc thêm tại: <http://girlshealth.gov/feelings/runaway/index.html>. [Ngày 01/7/2015]
  3. Run away. Truy cập tại <http://www.parentlink.act.gov.au/parenting-resources/parenting-guides/young-people/runaways>. [Ngày 01/7/2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com