Nuôi con

Bé không chịu bú mẹ phải làm sao?

Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thế nhưng có nhiều bé không chịu bú mẹ hoặc bú sữa mẹ rất ít. Trong những trường hợp này mẹ nên làm gì?

Nếu việc bé không chịu bú mẹ khiến tâm trạng mẹ trở nên bất ổn thì các mẹ cũng đừng nản lòng mà cho bé cai sữa sớm, sẽ rất thiệt thòi cho bé đấy mẹ ạ. Thông thường bé sẽ chỉ “đình công” trong 1-2 ngày, đôi khi lâu hơn một chút thôi. Đây chỉ là cách bé muốn “thông báo” cho mẹ biết có gì đó đang không ổn.

Những biểu hiện khi bé không chịu bú mẹ

  • Bé ngậm vú đang bú nhưng sau đó nhả vú ra và khóc hoặc bị ho sặc.
  • Bé ngậm vú nhưng không chịu bú hoặc bú rất yếu.
  • Đôi khi bé khóc và chống lại cố gắng cho bú của mẹ.
  • Có một số trẻ chỉ bú một bên vú và từ chối bú ở vú bên kia.

Nguyên nhân khiến bé không chịu bú mẹ

Bé không chịu bú mẹ có thể do một trong những nguyên nhân sau:

  • Mẹ ít sữa hoặc ngực mẹ tiết sữa chậm.
  • Mẹ bất ngờ thay đổi thời gian hoặc thói quen cho bú.
  • Bé không ngậm ti mẹ đúng cách và sẽ bực bội đẩy ti mẹ ra.
  • Bé đau miệng vì mọc răng, nhiệt miệng hoặc bị tưa lưỡi.
  • Bé bị nhiễm trùng tai gây khó chịu hoặc đau khi bú.
  • Bé bị cảm lạnh hoặc nghẹt mũi gây khó thở khi bú.
  • Bé đang mọc răng
  • Mẹ thay đổi xà bông, dầu gội… khiến mình có mùi khác với ngày thường.
  • Sữa mẹ thay đổi mùi vị do uống vitamin, thuốc hoặc thay đổi hormone (trong kỳ kinh hoặc đang mang thai…)
  • Mẹ bị viêm tuyến vú, khiến sữa mẹ bị mặn.
  • Tia sữa của mẹ quá mạnh làm bé ngạt, sặc
  • Bé không quen bú mẹ do trước đó hay bú bình

be-khong-chiu-bu-me-phai-lam-sao-hinh-anh1

Bé không chịu bú mẹ có thể do bé ngậm ti không đúng cách và điều này làm bé bực bội, khó chịu

Xử lý thế nào khi bé không chịu bú mẹ?

Mẹ nên kiên nhẫn và bình tĩnh trong trường hợp bé không chịu bú mẹ, dù có thể mẹ đang cảm thấy thất vọng hay buồn, bực. Đừng ép bé bú, vì sẽ làm tình hình xấu đi. Hãy tìm ra nguyên nhân và xử lý dựa trên những nguyên nhân ấy.

Tia sữa của mẹ quá mạnh làm bé ngạt, sặc. Mẹ dùng hai ngón tay trỏ và giữa đặt trên và dưới núm vú, kẹp nhẹ lại để giảm bớt lượng sữa chảy ra. Nếu sữa mẹ qúa nhiều, có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho bú hết sữa cuối trước rồi cho uống phần sữa trong ly sau nếu bé còn uống được.

Bé bị bệnh. Trong trường hợp này, mẹ cần xác định rõ bé bệnh gì để có cách xử trí phù hợp.

  • Đẹn lưỡi (tưa, nấm): Trường hợp này mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được chữa trị bằng gel miconazole hay thuốc nystatin chống nấm. Ngoài ra mẹ cũng phải dùng thuốc điều trị viêm nấm để phòng ngừa việc tái lây nhiễm lại cho bé.
  • Bé mọc răng: Dùng các loại thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen cho trẻ nhỏ nếu bé lớn hơn 3 tháng, (mẹ nhớ tham khảo liều lượng với bác sĩ hoặc dược sĩ) và kiên nhẫn tiếp tục cho bú. Mẹ có thể cho bé nhai hoặc ngậm cái gì đó lạnh, hoặc nếu bé lớn hơn 6 tháng, mẹ có thể cho bé ăn đồ ăn lạnh như yogurt hoặc trái cây nghiền để lạnh.
  • Bé bị ngạt tắc mũi: Mẹ làm thông mũi bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ 15 phút trước khi cho bú. Mẹ cũng có thể cho bé xông, hoặc hít thở hơi nước ấm trong phòng tắm.
  • Bé bị viêm tai: Nếu bé dưới 3 tháng tuổi, hoặc triệu chứng viêm tai không thuyên giảm sau 24 tiếng, hay tai chảy nước, hay bị cả 2 tai, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ. Nếu nhiễm virus, bác sĩ có thể cho bé uống kháng sinh và paracetamol hoặc ibuprofen cho trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi. Mẹ nên cho bé bú nhiều trong thời gian này để tránh mất nước cho bé. Triệu chứng sẽ thuyên giảm sau 3-4 ngày.

Khi trẻ bị bệnh, nếu trẻ không thể bú được thì mẹ nên vắt sữa ra ly, chén và cho trẻ ăn bằng muỗng.

Những thay đổi trong sinh hoạt của mẹ làm trẻ khó chịu. Cần cố gắng làm giảm sự ngăn cách mẹ con, giảm thiểu những thay đổi nếu có thể. Mẹ nên ngưng sử dụng loại xà phòng, nước hoa hoặc thức ăn mới lạ làm bé khó chịu.

Với bé vốn quen bú bình mà không chịu bú mẹ: Mẹ có thể chườm đá vào ti, hoặc kích thích để đầu ti nhô ra, giúp bé ngậm vào dễ dàng hơn. Một cách khác, mẹ có thể dùng núm vú hỗ trợ cho bú để cho bé bắt đầu bú. Sau khi bé đã bú tốt và sữa đã chảy, mẹ nhanh chóng lấy ra để bé bú lại bình thường tiếp.

be-khong-chiu-bu-me-phai-lam-sao-hinh-anh2

Nếu bé không chịu bú mẹ  thì có thể dùng núm vú hỗ trợ để bé bắt đầu bú

Lưu ý: Các mẹ nên tránh sử dụng bình và đầu vú cao su vì có thể làm bé bỏ bú mẹ sau này.

Khuyến khích bé bú mẹ bằng cách nào?

Dưới đây là một số cách khuyến khích bé bú mẹ trở lại:

  • Luôn gần gũi, tiếp da với bé: Để da bạn và bé tiếp xúc trực tiếp với nhau bằng cách thử cho bé bú mà không mặc áo.
  • Cho bé bú bất cứ lúc nào bé muốn. Mẹ có thể thử cho bé bú khi bé đang ngủ, vì nhiều bé tuy không chịu bú mẹ khi thức, lại chịu bú khi đang ngủ.
  • Cho bé bú đúng cách
  • Đổi tư thế cho bú để bé cảm thấy thoải mái hơn.
  • Mẹ có thể vừa cho bé bú vừa di chuyển hoặc đung đưa nhẹ nhàng. Một số bé thích như vậy hơn là nằm yên một chỗ.
  • Cho bé uống sữa mẹ bằng ly hoặc muỗng: khi phải vắt sữa ra ly hoặc những trường hợp cần thiết phải vắt sữa ra ly hoặc những trường hợp cần thiết phải cho uống sữa ngoài (sữa bột, sữa hộp) thì nên cho bé uống bằng ly hoặc bằng muỗng.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Dr.Miriam stoppard – Md MRCP – Cẩm nang mang thai và sinh con – năm 2013 – Nhà xuất bản Trẻ – Trang 327
  2. Nuôi con bằng sữa mẹ. Tài liệu tham khảo < http://www.marrybaby.vn/nuoi-day-con/cho-be-bu-lam-gi-khi-be-khong-chiu-bu> .[15 tháng 8 năm 2014]
  3. Làm gì khi trẻ không chịu bú mẹ. Tài liệu tham khảo < http://www.thuocbietduoc.com.vn/hoi-dap-8-0-3833/lam-gi-khi-tre-khong-chiu-bu-me.aspx > .[15 tháng 8 năm 2014]
  4. Mẹo xử trí cho mẹ khi bé không chịu bú. Tài liệu tham khảo < http://yduoclh.com/meo-xu-tri-cho-me-khi-be-khong-chiu-bu-1888 > .[15 tháng 8 năm 2014]
  5. When your baby won’t breastfeed. Tham khảo tại: http://www.babycentre.co.uk/a8490/when-your-baby-wont-breastfeed [26/10/2015]
  6. Breast refusal. Tham khảo tại: https://www.breastfeeding.asn.au/bf-info/breast-refusal. [26/10/2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com