Giang mai (Syphilis) là một bệnh lây qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây ra. Bệnh giang mai gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh và có thể để lại nhiều biến chứng rất nghiêm trọng nếu như không được điều trị kịp thời.
>> Điểm danh 7 bệnh lây qua đường tình dục chớ chủ quan!
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai
Các triệu chứng của bệnh có thể được chia thành các giai đoạn sau:
- Giai đoạn tiền phát.
- Giai đoạn thứ phát.
- Giai đoạn tiềm ẩn.
- Giai đoạn cuối.
Giai đoạn tiền phát:
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh giang mai: người bệnh có thể xuất hiện những vết lở loét đơn lẻ hoặc cũng có thể xuất hiện thành từng cụm ở nơi vi khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể.
Các vết lở loét này có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu, kích thước khoảng từ 0.3-3 cm, bờ nhẵn, không ngứa, không đau, không mủ, kèm theo nổi hạch hai bên vùng bẹn, cứng và cũng không đau, thường có màu đỏ.
Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 3-6 tuần và thường tự khỏi ngay cả khi không được điều trị nên nhiều người lầm tưởng rằng đã khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng thực ra lúc này vi khuẩn đã đi vào máu và bệnh sẽ tiếp tục phát triển với nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn.
Giai đoạn thứ phát:
Trong giai đoạn thứ phát, người mắc bệnh giang mai có thể bị phát ban ở da hoặc xuất hiện các vết lở loét ở miệng, âm đạo, hay hậu môn (còn được gọi là tổn thương màng nhầy).
Giai đoạn này thường bắt đầu bằng việc xuất hiện phát ban ở một vùng hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể. Phát ban có thể xảy ra khi các vết lở loét ở giai đoạn sơ cấp đã khỏi hoặc vài tuần sau khi các vết lở loét lành lại.
Các phát ban này nhìn như những đốm thô ráp, màu đỏ hoặc đỏ nâu thường xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.Thông thường thì người mắc bệnh sẽ không có cảm giác ngứa ngáy hoặc có khi các nốt ban xuất hiện không rõ ràng làm người bệnh không chú ý đến.
Một số dấu hiệu bệnh giang mai có thể xảy ra ở giai đoạn này như:
- Sốt.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Đau họng.
- Rụng tóc từng mảng.
- Đau đầu.
- Giảm cân.
- Đau nhức cơ bắp.
- Cảm giác mệt mỏi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai – Giai đoạn thứ phát
Các triệu chứng của giai đoạn này thông thường sẽ tự biến mất, tuy nhiên đừng lầm tưởng rằng là bạn đã hoàn toàn khỏi bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn mới là giai đoạn tiềm ẩn và sau đó có thể sẽ chuyển sang giai đoạn cuối của bệnh giang mai.
Giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn cuối:
Giai đoạn tiềm ẩn của bệnh giang mai bắt đầu khi các triệu chứng của các giai đoạn trước biến mất. Nếu không được điều trị người bệnh có thể vẫn mắc bệnh giang mai trong nhiều năm liền nhưng không biểu hiện bệnh.
Phần lớn những bệnh nhân mặc dù không được điều trị thì vẫn không tiến triển đến giai đoạn muộn. Tuy nhiên nếu điều này xảy ra nó có thể sẽ rất nghiêm trọng và xảy ra sau từ 10-30 năm kể từ khi bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng ở giai đoạn cuối của giang mai:
- Gặp khó khăn trong việc phối hợp chuyển động của các cơ bắp.
- Không thể di chuyển một số bộ phận của cơ thể.
- Mắc chứng tê liệt.
- Mù lòa.
- Mất trí nhớ.
- Các cơ quan nội tạng của cơ thể người bệnh có thể bị tổn thương và dẫn đến tử vong.
2. Mắc bệnh giang mai – Nguyên nhân do đâu?
Một loại xoắn khuẩn có tên Treponema pallidum là nguyên nhân gây ra bệnh giang mai. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua việc tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, hậu môn, quan hệ tình dục đường miệng hoặc thông qua việc chia sẻ đồ chơi tình dục với đối tác tình dục nhiễm bệnh.
Bạn cũng có thể mắc bệnh giang mai nếu sử dụng chung kim chích ma túy với người nhiễm bệnh.
Tuy nhiên bệnh không thể lây lan do dùng chung nhà vệ sinh, quần áo, dao kéo… vì các vi khuẩn này không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người.
Việc bị lây nhiễm giang mai qua đường truyền máu là rất hiếm gặp vì máu luôn được kiểm tra trùng giang mai trước khi truyền cho người bệnh.
Nếu bạn mắc bệnh giang mai khi mang thai thì có nhiều nguy cơ sinh non hoặc em bé sinh ra bị thiếu cân, trường hợp nghiêm trọng hơn là thai có thể bị chết lưu. Vì vậy trong thời giang mang thai sản phụ cần phải đi xét nghiệm giang mai định kỳ và có hướng điều trị kịp thời để bảo vệ mẹ và bé.
3. Bệnh giang mai có chữa khỏi được không?
Cách chẩn đoán chính xác bệnh giang mai là xét nghiệm máu. Đôi khi việc lấy mẫu chất lỏng tiết ra từ vết loét và xét nghiệm cũng có thể giúp chẩn đoán bệnh giang mai.
Bệnh giang mai nếu phát hiện sớm đặc biệt là ở giai đoạn tiền phát thì có thể được điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh Penicillin tiêm cơ bắp.
Khi đang điều trị, cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi các vết lở loét hoàn toàn được chữa lành.
Bệnh giang mai có chữa khỏi được không? – Có đấy, nếu phát hiện sớm
4. Liệu người bệnh có khả năng mắc bệnh giang mai lần nữa sau khi đã điều trị?
Câu trả lời là có. Ngay cả khi người bệnh đã được điều trị khỏi hoàn toàn thì vẫn có thể bị tái nhiễm. Các vết lỡ loét của giang mai có thể bị ẩn trong âm đạo, hậu môn, hoặc nằm dưới bao quy đầu của dương vật hoặc trong miệng vì vậy đôi khi bạn có thể khó nhận biết được bạn tình mình có đang mắc bệnh hay không trừ khi người đó đã được chẩn đoán là mắc bệnh giang mai.
Bạn có thể có nguy cơ cao nhiễm trùng giang mai lần nữa nếu quan hệ với bạn tình mắc bệnh giang mai mà không được điều trị. Vì vậy cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh giang mai là quan hệ tình dục an toàn 1 vợ 1 chồng, sử dụng bao cao su đúng cách để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh giang mai.
- Syphilis. Đọc thêm tại: <http://www.niaid.nih.gov/topics/syphilis/Pages/default.aspx>. [Ngày 09 tháng 01 năm 2015]
- Syphilis- CDC Fact sheet. Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis.htm>. [Ngày 09 tháng 01 năm 2015]
- Syphilis. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/Syphilis/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 09 tháng 01 năm 2015]
- Bệnh giang mai là gì?. Đọc thêm tại: <http://phongkhamphukhoa.org/benh-giang-mai/benh-giang-mai-la-gi.html>. [Ngày 09 tháng 01 năm 2015]