Nhiều mẹ nghe nói bổ sung axit folic khi mang thai rất tốt, nhưng tác dụng là gì và bổ sung axit folic khi mang thai như thế nào là mối quan tâm của nhiều chị em phụ nữ. Hãy cùng mekhonghoanhao đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này nhé!
Điều kiện tiên quyết để em bé trong bụng khỏe mạnh, đó là bố mẹ cũng phải thật khỏe. Vậy làm thế nào để mẹ thật khỏe mạnh khi mang thai nhỉ? Ấy là phải bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thật đầy đủ cho cơ thể.
Trong phạm vi bài viết hôm nay, chúng ta sẽ bàn đến một trong những chất quan trọng nhất có thể ngừa một số dị tật bẩm sinh khá nghiêm trọng ở bé, đó là axit folic.
Mẹ cần bổ sung axit folic khi mang thai
Axit folic là gì?
Axit folic (hay folate) là tên gọi khác của vitamin B9, đây là một vitamin quan trọng trong nhóm vitamin B.
Các vitamin nhóm B rất quan trọng vì chúng giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn (tinh bột) thành nhiên liệu (glucose), được sử dụng để sản xuất năng lượng cần thiết cho cơ thể. Các vitamin nhóm B cũng giúp cơ thể chuyển hóa các chất béo và protein. Chúng rất cần thiết để có làn da, tóc, mắt và gan khỏe mạnh, đồng thời giúp cho chức năng của hệ thần kinh hoạt động tốt.
Tầm quan trọng của việc bổ sung axit folic trước và trong thai kỳ
Khi nào bạn có ý định mang thai hoặc đang mang thai thì nhớ bổ sung axit folic nhé, bởi vitamin này sẽ giúp các chị em giảm nguy cơ thai nhi bị khuyết tật ống thần kinh đấy.
Bạn biết không, nghiên cứu cho thấy rằng nếu phụ nữ chúng ta bổ sung axit folic với một lượng khoảng 400mcg (0,4mg) mỗi ngày trong vòng ba tháng trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ thai nhi bị khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh (dị tật bẩm sinh liên quan đến việc phát triển không đầy đủ của não bộ và tủy sống) đến 70% cơ đấy.
Nhưng ống thần kinh là gì nhỉ? Hệ thần kinh của chúng ta bao gồm bộ óc nằm trong hộp xương sọ và cột tủy sống nằm trong cột xương sống. Khoảng 3-4 tuần trong bụng mẹ, bào thai bắt đầu hình thành hệ thần kinh dưới dạng một cái ống gọi là ống thần kinh. Bình thường, chỉ sau vài ngày kể từ khi bắt đầu hình thành, ống thần kinh sẽ đóng lại một cách hoàn chỉnh và tiếp tục phát triển thành hộp xương sọ và cột tủy sống.
Dưới đây là một số tình trạng khuyết tật ống thần kinh phổ biến ở thai nhi:
- Tật nứt đốt sống (Spina Bifida): Cột sống không được đóng lại hoàn toàn để bảo vệ cho tủy sống bên bên trong. Kết quả là những dây thần kinh kiểm soát vận động của chân và những chức năng khác không hoạt động. Hầu hết các bé có thể bị tàn tật suốt đời. Nếu bé bị nứt đốt sống quá nặng có thể bị tử vong sớm sau sinh.
- Tật thiếu, không có não bộ (Anencephaly): Não bộ chậm phát triển nghiêm trọng, hầu như không phát triển. Các bé bị tật này đều chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay sau khi sinh.
- Tật thoát vị não (Encephalocele): Tình trạng bé sinh ra có bướu trên đầu gồm những phần của não bộ do sọ không được đóng lại đúng cách. Tật này làm gia tăng tỷ lệ thai chết lưu trong tử cung, và dù bé có sống sót và được sinh ra cũng rất dễ gặp các vấn đề như chậm phát triển thần kinh, chậm tăng trưởng …
Và điều quan trọng nhất bạn cần biết, đó là các dị tật ống thần kinh ở thai nhi xảy ra rất sớm, trong vòng 28 ngày đầu của thai kỳ, có khi còn trước lúc thai phụ biết mình đang mag thai nữa.
Vậy nên, tốt hơn hết, bạn hãy bổ sung axit folic khi đang ở độ tuổi sinh đẻ, thậm chí khi chưa có kế hoạch mang thai. Bởi việc bổ sung axit folic còn giúp huyết áp của chị em chúng ta khỏe mạnh. Nếu cơ thể không được bổ sung axit folic đầy đủ và chế độ dinh dưỡng kém hợp lý trong những ngày đèn đỏ thì chị em có thể bị chóng mặt, hoa mắt,…mắc chứng thiếu máu (anemia) nữa đấy.
Bổ sung axit folic như thế nào nhỉ?
Nếu như trước khi mang thai phụ nữ chúng ta cần bổ sung axit folic với một lượng vừa đủ, khoảng 400 mcg (0,4mg) ngày thì số lượng này tăng lên thành 600 mcg (0,6mg) khi bạn bắt đầu mang thai cho đến hết thai kì và 500 mcg (0,5mg) khi mẹ đang cho con bú.
Lưu ý, liều lượng bổ sung axit folic kể trên là dành cho phụ nữ có cơ thể khỏe mạnh bình thường nhé. Còn nếu bạn có vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh béo phì hoặc trước đây đã từng sinh con bị dị tật ống thần kinh thì bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về lượng axit folic cần phải bổ sung cho cẩn thận và không nên tùy tiện uống quá nhiều axit folic bổ sung.
Bổ sung axit folic bằng cách nào?
Axit folic là dạng vitamin B9 tổng hợp, hòa tan trong nước, được tìm thấy trong các loại viên uống. Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung axit folic thông qua chế độ ăn uống.
Vậy thì axit folic có trong thực phẩm nào?
Acid folic có nhiều trong các loại thực phẩm như: rau lá xanh, trái cây như cam, các loại đậu, đỗ và hạt sấy khô, bánh mì đen, ngũ cốc… Tuy có trong thức ăn như vậy, nhưng để đảm bảo chắc chắn cung cấp đầy đủ axit folic trước và trong thai kỳ, chúng ta nên sử dụng viên uống bổ sung mỗi ngày.
Về tác dụng phụ của axit folic
Tác dụng phụ của axit folic (acid folic) có thể nói là rất hiếm. Tuy nhiên, có một điều chúng ta nên nhớ rằng, dù là chất gì đi nữa thì việc bổ sung vừa đủ vẫn là tốt nhất. Với axit folic cũng vậy, nếu bổ sung axit folic với liều lượng quá cao, sẽ có thể dẫn đến đau dạ dày, khó ngủ, dị ứng da… Bạn biết không, trường hợp bạn bổ sung axit folic với liều lượng quá 0,8mg mỗi ngày có thể che lấp triệu chứng thiếu hụt vitamin B12, mà điều này lại có thể gây tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn.
Nói chung là, nếu chúng ta chỉ cung cấp một loại trong số vitamin nhóm B trong thời gian dài sẽ gây mất cân bằng, vậy nên là tốt nhất, chúng ta nên uống bổ sung vitamin B loại tổng hợp (chứa toàn bộ các vitamin nhóm B)
Thế bố có nên bổ sung axit folic?
Axit folic thực sự có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới nữa, vậy nên người chồng cũng cần bổ sung loại vitamin này nữa đấy.
Theo nghiên cứu, những người đàn ông tiêu thụ axit folic từ 0,7mg – 1,15mg/ ngày giảm được từ 20 – 30% nguy cơ có những tinh trùng bất thường. Mà bạn biết đó, chất lượng tinh trùng càng cao thì khả năng bị bất thường nhiễm sắc thể dẫn đến thai bị dị tật bẩm sinh càng thấp.
Đó là lý do mà cả bổ và mẹ đều nên bổ sung axit folic đầy đủ trước khi thụ thai để đảm bảo em bé của chúng ta sẽ thật khỏe mạnh các bạn nhé.
- Dr.Miriam Stoppard – MD MRCP –Cẩm nang mang thai & sinh con – 2013 – Nhà xuất bản trẻ – Trang 20 – 21
- Diane J.Cathy – Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé (2011): Giải đáp những thắc mắc trước và sau khi mang thai – Nhà xuất bản văn hóa thông tin – trang 135 – 136
- Folic Acid and Pregancy. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/your_pregnancy/preg_folic_acid.html> [Tháng 11 năm 2011]
- Taking Folic Acid Before You Get Pregnant. Đọc thêm tại: < http://www.motherisk.org/women/folicAcid.jsp>
- Folic acid fact sheet < http://womenshealth.gov/publications/our-publications/fact-sheet/folic-acid.html >- Ngày 16 tháng 07 năm 2012.
- Vitamin B9 (Folic acid). Đọc thêm tại: <http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/vitamin-b9-folic-acid>. [Ngày 06 tháng 09 năm 2011]
- Folic Acid and Male Fertility. Đọc thêm tại: <http://www.whattoexpect.com/preconception/ask-heidi/folic-acid-and-male-fertility.aspx>. [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- B vitamin. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/bvitamins.html>. [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Vitamin B9 source. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/imagepages/19519.htm/>. [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
- Folic acid in diet. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002408.htm>. [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]