Để có cách chữa mất ngủ cho trẻ em, đầu tiên cha mẹ cần xác định rõ nguyên nhân mất ngủ. Và nếu tình trạng này xuất phát từ vấn đề căng thẳng, cha mẹ đừng ngần ngại thể hiện sự quan tâm khi nhận thấy con đang lo lắng, hoặc gặp khó khăn.
Không chỉ thể hiện sự quan tâm mà cha mẹ hãy là một người bạn của bé, biết lắng nghe và tạo dựng lòng tin để bé cảm thấy thoải mái và dễ dàng chia sẻ những vấn đề lo lắng, khó khăn của bản thân với cha mẹ.
Đây là cách hữu hiệu nhất để giúp bé giảm bớt những căng thẳng, lo âu của bản thân và đồng thời tạo cảm giác thoải mái và tự tin hơn. Dưới đây là một số cách chữa mất ngủ hữu hiệu cho bé, mẹ tham khảo nhé!
Giúp bé hình thành thói quen ngủ tốt mỗi ngày
Các mẹ có thể giúp bé hình thành khái niệm “giường chỉ để ngủ” bằng cách hạn chế những hoạt động khác trên giường như không đọc sách, làm bài tập về nhà hoặc xem ti vi trên giường. Điều này sẽ giúp bé dễ dàng chìm vào giấc ngủ mỗi khi lên giường.
Giúp bé hình thành thói quen ngủ tốt là cách chữa mất ngủ cho trẻ em hữu hiệu.
Duy trì chu kỳ đi ngủ và thức dậy mỗi ngày (nghĩa là thời gian đi ngủ và thức dậy mỗi ngày của bé phải cố định), kể cả cuối tuần, ngày lễ cũng không ngoại lệ, hạn chế những giấc ngủ ngắn vào ban ngày vì điều này có thể làm bé ít buồn ngủ hơn vào ban đêm.
Tránh cho bé sử dụng các sản phẩm có chứa caffein (như cà phê, trà, nước uống tăng lực, socola,…) trước khi ngủ từ 4 – 6 giờ.
Thiết lập thói quen đi ngủ mà không bao gồm các hoạt động kích thích, yêu cầu suy nghĩ, động não trước khi ngủ 1 giờ như xem ti vi, chơi trò chơi, làm nhiều bài tập, chơi điện tử hoặc chạy nhảy, tập thể dục. Không ăn no vào cuối ngày nhưng một bữa ăn nhẹ lại giúp bé dễ ngủ hơn.
Tạo không gian phòng ngủ thoải mái
Phòng ngủ của bé cần sự yên tĩnh, thoải mái với nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh và tối (có thể sử dụng một đèn ngủ nếu con bạn sợ bóng tối) và đặc biệt các mẹ cần tránh thảo luận những vấn đề khiến bé lo lắng giữa các thành viên trong gia đình trước khi đi ngủ.
Dạy bé cách thư giãn
Thư giãn là một trong những cách chữa mất ngủ hữu hiệu cho cả trẻ em và người lớn.
Cha mẹ hãy hướng dẫn bé hít thật sâu và tưởng tượng về những hình ảnh nhẹ nhàng khi nằm trên giường (chẳng hạn như bé đang ngắm bình minh cùng gia đình, vuốt ve những tia sáng chói lóa của ông mặt trời bên bờ biển, hay được đắm chìm trong không khí se se lạnh của khí hậu vùng núi,..).
Bạn cũng có thể hướng dẫn cho bé các kỹ thuật thư giãn khác để đầu óc thoải mái và bé dễ dàng lắng sâu vào giấc ngủ, chẳng hạn mẹ có thể dạy bé phương pháp thở bằng bụng nhẹ nhàng.
Hạn chế đặt đồng hồ báo thức trong phòng bé
Tốt nhất các mẹ hãy loại bỏ thói quen đặt đồng hồ báo thức trong phòng bé hoặc ít nhất hãy đặt nó xa khỏi tầm ngắm để bé không nhìn thấy nó trong khi bé đang cố gắng ngủ.
Bởi lẽ, việc xem đồng hồ trong khi đang cố gắng để ngủ có thể khiến bé cảm thấy lo lắng và khó khăn hơn để chìm vào giấc ngủ. Tất nhiên đồng hồ trên điện thoại cũng không ngoại lệ nhé!
Lượng thời gian ngủ phù hợp
Tùy thuộc vào mỗi độ tuổi mà các mẹ cần cần thiết lập lượng thời gian ngủ thích hợp cho mỗi bé, các mẹ có thể tham khảo hướng dẫn sau:
- Các bé từ 1 – 4 tuần tuổi cần ngủ 15 – 16 tiếng/ngày
- Các bé từ 1 – 12 tháng tuổi cần ngủ 14 – 15 tiếng/ngày
- Các bé 1 – 3 tuổi cần ngủ 12 – 14 tiếng/ngày
- Các bé 3 – 6 tuổi cần 10 – 12 tiếng/ngày
- Các trẻ 7- 12 tuổi cần ngủ 10 – 11 tiếng/ngày
- Trẻ 12 – 18 tuổi có nhu cầu ngủ 8 – 9 tiếng/ngày
Đứng dậy rời khỏi giường nếu không ngủ được
Nếu bé cứ trằn trọc không ngủ được thì cách chữa mất ngủ tốt nhất lúc này là khuyên bé xuống giường và có các hoạt động nhẹ nhàng dưới ánh sáng tương đối yếu khoảng 15 – 20 phút (như đọc sách chẳng hạn) thay vì cứ nằm trên giường lăn qua lăn lại.
Sau khi rời khỏi giường khoảng 20 – 30 phút hoặc lâu hơn, các mẹ hãy giúp bé quay lại giường và cố gắng ngủ. Nếu sau 15 – 20 phút bé vẫn không ngủ được, hãy rời khỏi giường và lặp lại chu kì như trên. Các mẹ hãy cho con áp dụng cách chữa mất ngủ cho trẻ em này nếu bé không ngủ được nhé.
Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia khi cần thiết
Nếu đã áp dụng những cách chữa mất ngủ cho trẻ em trên mà bé vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, các mẹ có thể đưa bé đến gặp các chuyên gia tâm lý trẻ em để nhận được những lời khuyên hữu ích.
Các chuyên gia này có thể làm việc với cả mẹ và bé và đưa ra các phương pháp điều trị tâm lý mà không cần sử dụng thuốc. Những phương pháp này thường rất hữu ích và tốt cho việc điều trị dài hạn đối với bé.
Ngoài ra, các loại thuốc cũng có thể giúp bé dễ dàng ngủ sâu, tuy nhiên, chúng thường không được khuyến cáo sử dụng cho những đứa trẻ và thanh thiếu niên bị mất ngủ. Những loại thuốc này chỉ được phép sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và có sự đồng ý của bác sĩ.
- Insomnia in children. Đọc thêm tại: <http://my.clevelandclinic.org/childrens-hospital/health-info/diseases-conditions/hic-Insomnia>. [Ngày 14 tháng 7 năm 2015].
- What is insomnia? Đọc thêm tại: <http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/inso>. [Ngày 14 tháng 7 năm 2015].
- What is insomnia. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.boots.com/sleep-disorders/guide/insomnia?page=2>. [Ngày 14 tháng 7 năm 2015].
- How much sleep do children need?Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/parenting/guide/sleep-children>. [Ngày 14 tháng 7 năm 2015].
- Thế nào là rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorders)? Đọc thêm tại: <http://beautifulmindvn.com/2015/05/02/246/>. [Ngày 14 tháng 7 năm 2015].