Thời tiết thay đổi đột ngột rất dễ khiến bạn bị cảm lạnh, tuy vậy chỉ cần áp dụng một trong các cách giảm cảm nhanh từ dân gian dưới đây, tin chắc rằng bạn sẽ không còn phải khổ sở vì các triệu chứng của cảm lạnh nữa.
1. Cách giải cảm nhanh từ dân gian: Đánh gió
Một trong những cách giải cảm nhanh và hiệu quả mà ông ta vẫn thường áp dụng đó là đánh gió. Trước tiên hãy bôi dầu và dùng tay chà xát dọc 2 bên cột sống, cổ, vai rồi dùng cạnh của đồng xu hoặc muỗng đánh vào vùng đó theo chiều hướng lên hay xuống.
Gọi là “đánh” nhưng thật ra là cạo nhẹ nhiều lần cho da nóng lên. Bạn có thể “đánh” cho đến khi cơ thể mất cảm giác ớn lạnh, đau nhức cổ gáy.
Đánh gió là một trong những cách trị cảm lạnh khá hiệu quả
Nếu đánh gió bằng gừng, ta nên chọn củ to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn (cả vỏ), vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên rất dễ chịu.
Lưu ý: Vì mục đích đem sức nóng vào cơ thể nên phương pháp này không thể dùng trong trường hợp cảm nắng, trúng nắng, nếu làm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
2. Xông hơi – Cách giải cảm nhanh và hiệu quả
Nguyên liệu:
một nắm lá “xông” có bán ở tất cả các chợ, gồm lá sả, lá bưởi, lá ngũ trảo, kinh giới, ngải cứu… Ða số những loại lá này đều có chứa các tinh dầu cay, nóng.
Cách làm:
Rửa sạch các loại lá, bỏ vào nồi đậy kín, đun cho nước sôi khoảng 5-10 phút, nhắc xuống để trước mặt người bệnh đang ngồi, trên có trùm một cái mền để giữ hơi. Trong lúc xông, người bệnh nên thở chậm và sâu vì tác dụng chủ yếu khi xông là tác dụng qua đường hô hấp…
Mồ hôi sẽ ra từ từ, bắt đầu từ trán, cổ, gáy, sau đó đến lưng, ngực, bụng. Nên ngừng xông khi thấy trong mình đã nhẹ bớt, hết cảm giác sợ lạnh, sợ gió. Dùng khăn khô lau mồ hôi, thay quần áo khô rồi nằm nghỉ.
Lưu ý khi áp dụng cách giải cảm nhanh bằng xông hơi:
Chỉ nên cho mồ hôi ra từ từ, rươm rướm trên da. Do đó, khi xông nên mở nắp nồi từ từ. Không bao giờ lạm dụng xông nhiều lần vì sẽ làm mồ hôi thoát ra nhiều, khiến cơ thể mất một lượng nước lớn trong thời gian ngắn mà không bù lại kịp.
Cũng cần lưu ý khi nấu nước xông: Không nên để sôi quá 15 phút vì sẽ làm các chất tinh dầu (thành phần tác dụng chính trong một nồi xông) bay hơi hết.
Không nên xông khi bị sốt ra mồ hôi nhiều hay khi cơ thể quá yếu.
3. Cháo giải cảm
Đây là một phương pháp đơn giản nhất nhưng lại rất hiệu quả trong việc “đánh bay” bệnh cảm. Bạn chỉ cần một tô cháo trắng nấu loãng, sau đó thêm một ít rau thơm như tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi. Có khi chỉ cần xắt vài lát hành ta, thêm ít hạt tiêu là đã thành một tô cháo giải cảm.
Năm 1978, nhà nghiên cứu Marvin Sackner đã rất quan tâm đến “món thuốc dân gian” này và chứng minh rằng: Hơi nước bốc lên từ tô cháo có tác dụng làm giảm sung huyết vùng mũi tốt hơn là hơi nước bốc lên từ một ly nước sôi. Tác dụng này chỉ có khi thêm vào tô cháo những “nguyên phụ liệu” như đã nói trên.
Lưu ý khi ăn cháo giải cảm:
Tác dụng của các loại rau kể trên có được nhờ thành phần chính là tinh dầu. Do đó, nên ăn khi cháo còn nóng và trong lúc ăn nên “tranh thủ” hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, bởi vì lúc này, tô cháo còn có tác dụng như một nồi xông nhỏ.
Phòng tránh sự lây lan cảm lạnh
Rửa tay là một biện pháp cần thiết và hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Bạn nên rửa tay bằng nước và xà phòng trong vòng 15 đến 30 giây. Đặc biệt chú ý đến các móng tay, kẽ ngón tay và cổ tay.
Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn là một lựa chọn tốt để khử trùng tay nếu không có sẵn bồn rửa tay. Xoa dung dịch sát khuẩn đều trên toàn bộ bề mặt của bàn tay, ngón tay, cổ tay cho tới khi khô. Dung dịch sát khuẩn có thể sử dụng nhiều lần mà không gây kích ứng da hoặc bị mất hiệu quả. Các vết bẩn nhìn thấy được nên rửa bằng xà phòng và nước.
Nên rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trong khi ăn và sau khi ho, sổ mũi hoặc hắt hơi. Trên thực tế, việc tiếp xúc với người bị nhiễm virus cảm lạnh là không thể nào tránh hoàn toàn được, vì vậy, cách tốt nhất là bạn hãy tránh càng nhiều càng tốt việc động chạm tay vào mắt, mũi hay miệng.
Ngoài ra, khi đã bị cảm, bạn nên sử dụng tay để che miệng khi hắt hơi hoặc ho. Sau khi sử dụng tay, phải rửa tay ngay. Hắt hơi/ho vào mặt trong khuỷu tay cũng là một cách để tránh đưa các giọt chứa vi trùng vào không khí cũng như không làm nhiễm khuẩn bàn tay của bạn.
- Patient information: The common cold in adults (Beyond the Basics). Đọc thêm tại: <http://www.uptodate.com/contents/the-common-cold-in-adults-beyond-the-basics>. [Ngày 19 tháng 6 năm 2015].
- Common Cold Diagnosis. Đọc thêm tại: <http://www.healthline.com/health/common-cold-diagnosis#Overview1>. [Ngày 19 tháng 6 năm 2015].
- Colds. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/(Pages)/Colds_explained?OpenDocument>. [Ngày 19 tháng 6 năm 2015].
- Definition of Common Cold. Đọc thêm tại: <http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=2805>. [Ngày 19 tháng 6 năm 2015].
- Cold in oriental views and treatments. Đọc thêm tại: <http://ykhoa.net/yhoccotruyen/baiviet/29_279.htm>. [Ngày 19 tháng 6 năm 2015].