Với bản tính hiếu động và tò mò, bé dường như không thể tránh khỏi việc bị các loại côn trùng cắn. Vì vậy, các mẹ hãy tìm hiểu cách trị côn trùng cắn cho bé để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra nhé!
Xung quanh bé thường có những loại côn trùng nào?
Tớ rất thích được mẹ cho ra công viên gần nhà chơi. Ở công viên có nhiều bạn, nhiều cây, nhiều hoa, nhưng cũng có vô vàn các loại côn trùng bé xíu như muỗi, kiến, những con sâu và cả con cánh cam nữa. Nhìn chúng dễ thương vậy thôi nhưng nếu để bị cắn thì cũng đau lắm đấy.
Cách trị côn trùng cắn cho bé
Có lần tớ đứng gần ổ kiến lửa, thế là bị cắn sưng cả chân. Lần đó mẹ hoảng hồn bế tớ ra khỏi chỗ đó, phủi hết kiến trên chân tớ, bế tớ về nhà rửa chân bằng nước sạch và thoa thuốc calamine lotion ngay lập tức.
Mẹ còn lấy đá đắp lên vết cắn cho tớ đỡ bị ngứa, hạn chế tớ lấy tay gãi, cào làm trầy da. Bà định chạy ra nhà thuốc mua Antihistamines để tớ bớt sưng và ngứa cũng bị mẹ cản ngay, vì nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc gì thêm ngoài calamine, tớ nên được đi khám bác sĩ trước đã. Mà cũng may là tớ chỉ bị kiến lửa cắn thôi chứ gặp kiến ba khoang cắn thì chắc tớ cũng tiêu luôn í.
Lại có lần tớ mải mê chơi với mấy bông hoa thì bị nguyên con ong đốt vào mặt đau điếng, anh Nam đang đập đập vào tổ ong ở ngoài kia mẹ hét lên nhắc anh chạy rất nhanh ra khỏi chỗ tổ ong. Mẹ bảo là nọc độc của con ong mật tạo ra một loại hoóc môn báo động đấy, mẹ mà không bế anh Nam thật nhanh là các con ong ở tổ cũng lao vào đốt anh ngay.
Mẹ lấy khăn nhúng vào nước lạnh và xoa vào vết đốt để tớ đỡ đau và sưng, mẹ còn nhanh chóng lấy hết cái ngòi ra khỏi bàn tay tớ và thật khéo léo không ép cái ngòi thêm để nọc độc đi vào da nhiều làm mặt tớ sưng hơn. Mẹ bảo nếu bị nhiều nọc độc đi vào da quá thì có khi 2, 3 hôm sau vết đốt vẫn còn sưng cơ.
Mẹ cần biết cách trị côn trùng cắn cho bé để xử lý khi con yêu bị chúng tấn công
Vì vết thương ở gần mắt nên mẹ không thoa calamine cho tớ như khi tớ bị kiến cắn. Mẹ còn dặn tớ không được cào vết thương vì như vậy sẽ đau hơn và không lành. Để cho chắc, mẹ cắt luôn móng tay tớ thật ngắn và rửa sạch.
Từ lúc tớ bị cắn đến mấy ngày sau lúc nào mẹ cũng kè kè xem xem tớ có dấu hiệu gì bất thường không. Chốc chốc mẹ lại kiểm tra xem vết đốt của tớ có bị sưng to hơn không, đỏ hơn không? Có nước vàng vàng chảy ra ở gần vết đốt không hay tớ có bị sốt không? Mẹ cũng theo dõi tớ để xem tớ có thở khò khè không? Có bị ốm hay bị ngất không? Người tớ có nổi đầy nốt phát ban màu đỏ hay bị ngứa toàn thân không? Có nôn hay đau bụng không? Nếu tớ có những dấu hiệu đó hay sốt là mẹ đưa tớ đến gặp bác sĩ ngay đấy.
May mà tớ chỉ bị nhẹ vì lúc vừa bị ong chích là mẹ đã lấy ngòi ra ngay nên nọc ong chưa phát tán hết. Nhưng từ lúc đó mẹ cẩn thận hơn hẳn khi cho tớ ra ngoài chơi. Khi cho tớ chơi trong công viên là nơi có nhiều loại côn trùng, mẹ không mặc cho tớ quần áo sặc sỡ hay có nhiều hình in hoa, lại còn chọn quần áo dài tay nữa. Tớ cũng không được dùng xà phòng hay nước hoa có mùi rất thơm của mẹ, và keo xịt tóc thì lại càng không rồi. Mẹ bảo mấy các loại côn trùng thích mùi thơm nồng nên sẽ bu vào cắn tớ, eo ôi!
Mẹ còn giữ cho tớ tránh xa bụi rậm, ao nước bẩn, thùng rác và dặn dò tớ không đập các loại côn trùng. Xung quanh nhà tớ có nhiều cây cối nên mẹ vẫn quét nhà luôn, cửa sổ, cửa ra vào mẹ mắc thêm màn chống muỗi nữa. Ôi, tóm lại cách trị côn trùng cắn cho bé của mẹ tớ là số một luôn ấy ^_^
Khi bé bị côn trùng cắn mẹ cần lưu ý
Hầu hết trẻ em chỉ có phản ứng nhẹ sau khi bị các loại côn trùng như ong vàng, ong bắp cày, kiến lửa, muỗi cắn, một số ít bị dị ứng với một số loại nọc độc côn trùng nhất định lại có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn cần điều trị khẩn cấp nhất là trong trường hợp bé bị sốc phản vệ.
Nếu mẹ đã áp dụng các cách trị côn trùng cắn cho bé nhưng vài ngày sau bé lại có những biểu hiện bất thường, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nhé. Một số biến chứng mẹ cần lưu ý:
- Bất chợt bé thấy khó thở
- Bé nôn hay đau bụng
- Bé bị ốm hay ngất
- Tim đập nhanh hoặc mất ngủ, lẫn lộn, sốc.
- Nổi đầy phát ban hoặc ngứa toàn thân
- Vết đốt sưng to ở gần mắt, môi hoặc bộ phận sinh dục khó cho viêc sinh hoạt.
Các phản ứng khi bị các loại côn trùng cắn/đốt gồm: đau, sưng ở vùng bị cắn và có khi rất ngứa, có thể ứa ra nước màu vàng và thường biến mất vào ngày hôm sau.
Để giảm bớt sưng ngứa, có thể dùng khăn nhúng nước lạnh, gạc mát (cool compress) hoặc calamine lotion bôi lên vùng da đó, tránh bôi vào mắt và bộ phận sinh dục, giữ cẩn thận để bé đỡ gãi vào chỗ vết đốt gây nhiễm trùng da. Nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc trị côn trùng cắn nào khác, mẹ nên hỏi bác sĩ Nhi khoa trước.
Phòng tránh cho bé khỏi bị các loại côn trùng cắn
- Khi ở vùng có nhiều loại côn trùng, mẹ không nên cho bé mặc quần áo sặc sỡ hay có nhiều hình in hoa và nên cho bé mặc quần áo dài tay.
- Không được dùng xà phòng hay nước hoa có mùi rất thơm hay keo xịt tóc
- Tránh xa bụi rậm, ao tù nước đọng, rác thải.
- Bác sĩ Nguyễn Lân Đính – Toàn tập triệu chứng & điều trị bệnh trẻ em – Năm 2013 – Nhà xuất bản phụ nữ – Trang 138
- Sơ cứu cho bé khi bị côn trùng đốt. Đọc thêm tại < http://dantri.com.vn/tu-van/so-cuu-cho-be-khi-bi-con-trung-dot-886638.htm > [ Ngày 7 tháng 8 năm 2014 ].
- Insect bites. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_insect-bites_1192812.bc>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2014].
- Insect bites and stings. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.