Các mốc phát triển của trẻ từ 3 -4 tuổi đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là kỹ năng cầm nắm. Lúc này, bé đã có thể chơi xếp hình khối, hay các bộ ghép hình có từ 4 miếng trở lên, xâu chuỗi những hạt gỗ lớn với nhau, tập tô màu…
Các mốc phát triển của trẻ về kỹ năng cầm nắm khi bé lên 3 tuổi
Lúc 3 tuổi, tay tớ không những khoẻ hơn mà còn khéo lắm rồi. Tớ không còn cầm bút kiểu nắm bằng cả bàn tay nữa mà cầm bằng 3 ngón đàng hoàng, như người lớn luôn. Để rèn kỹ năng cầm nắm của tớ, 2 mẹ con tớ đã đi nhà sách và mua rất nhiều sách tập tô màu, tập vẽ. Giờ thì tớ đồ theo được những hình vuông, hình tròn chấm chấm sẵn trong sách, tuy hơi méo mó 1 tẹo nhưng với tớ đấy là thành tựu to lớn lắm đấy nhé.
Sự khéo léo được thể hiện rõ nhất khi tớ chơi trò xây tháp. Cái trò mà dùng các khối màu xanh màu đỏ chồng lên thành cái tháp cao ấy. Tớ cứ xếp đến khi nào nó cao ngất, ít cũng phải 9 khối nhé, đến khi đổ uỳnh ra rồi tớ lại xây từ đầu.
Thú vị ghê! Có khi tớ còn khệ nệ bưng bình nhựa bằng cả 2 tay đổ nước vào cốc cho mẹ nữa cơ, tất nhiên là cái bình nhựa nhỏ chỉ có ít nước thôi, không thì nặng lắm.
Tớ cũng thích dùng kéo để cắt giấy nhưng mẹ cứ thấy tớ đến gần là cất hết dao, kéo, những vật nhọn đi nên tớ chẳng có cơ hội trổ tài. Mẹ còn chỉ cho tớ chơi các bộ xếp hình hay xâu chuỗi hạt, dĩ nhiên là loại hạt gỗ to đùng để tớ không nuốt được ấy :D. Mà cầm dây xâu được một lúc là tớ lại thích kéo dây lê đồ đạc đi khắp nhà cơ.
Nhớ có lần, tớ vẽ tặng mẹ một bức tranh mà theo tớ thì đó là những bông hoa nhiều màu sắc vô cùng đẹp. Vậy mà mẹ cứ nhìn mãi chẳng nhận ra là tớ vẽ gì. Thế là tớ phải kiên nhẫn giải thích: cái cục tròn tròn màu vàng này là hoa, cái cục tròn tròn kế bên là lá thì mẹ mới hiểu. Haizza, tớ có vẽ tranh trừu tượng đâu cơ chứ!
Một lần khác, mẹ đưa cho tớ cái nĩa bằng nhựa nhỏ nhỏ xinh xinh để tớ ăn mấy lát chuối mẹ cắt sẵn. Tớ dùng nĩa “điêu luyện”đến nỗi mẹ cứ ngồi xem tớ biểu diễn rồi vỗ tay mãi. Ghim 5 miếng thì tớ làm rơi có 1 thôi mà, hihi!
Kỹ năng cầm nắm đũa của tớ cũng điêu luyện lắm í
Lúc chuẩn bị đi tắm, tớ còn biết tự cởi nút áo ra hay cài những cái áo có cúc thật là to vào sau khi tắm xong nữa. Những khi không thể giải thích cho mẹ, tớ sử dụng ngôn ngữ cơ thể luôn, như mô tả cho mẹ cái máy bay bằng cách giang tay ra, giả vờ bay khắp phòng.
Lúc chơi chán chê thùng đồ chơi, tớ lại lấy chiếc xe đạp nhỏ mà ba đã lắp thêm 2 bánh 2 bên chạy khắp nhà. Có khi tớ chơi nặn hình bằng cát hay đất sét với mẹ. Không có đất sét thì tớ có thể xé ngay cái bánh ngọt cầm trên tay ra và xếp lại với nhau, lúc thì giống con chó, lúc thì giống con vịt. Nói thật là phải đến khi nặn xong hay xếp xong tớ mới biết đó là cái hình gì nhé, hì hì. Dần dần tớ sẽ nghĩ trước vẽ cái gì hay nặn cái gì rồi mới bắt tay vào làm cơ, nhưng ít nhất cũng là khi tớ được 4 tuổi.
Khi mẹ bận thì tớ chơi dán giấy, chụp và đá bóng với bạn Đông hàng xóm rất ngoan. Mẹ thường kiểm tra xem chỗ con chơi có an toàn không để tớ không bị nguy hiểm như ngã, bỏng, điện giật…nhưng kĩ đến đâu tớ vẫn bị ngã. Mà khi tớ ngã một lần rồi, lần sau tớ sẽ cẩn thận hơn để không bị đau ngay. Tuy nhiên, tớ vẫn chưa biết hết được hậu quả của hành động như đuổi bóng về phía đường cái có nhiều xe chạy là nguy hiểm, bị xe đâm nên mẹ vẫn phải nhắc nhở tớ luôn.
Các mốc phát triển của trẻ về kỹ năng cầm nắm khi bé lên 4 tuổi
Khi lên 4, tớ đã có thể tự chà xà phòng khi tắm, tự đánh răng và tự mặc quần áo và mẹ chỉ cần giúp một tí ti thôi.
À, lúc này thì mẹ tớ giỏi hơn nhiều rồi, khi nhìn tranh tớ vẽ mẹ đã có thể nhận ra là tớ vẽ người có đủ cả chân tay luôn,. Nhưng mà mẹ cũng chưa giỏi lắm đâu vì tớ vẽ bố mẹ và tớ dắt tay nhau đi chơi mà mẹ toàn hỏi con vẽ ai vậy.
Chơi với màu sắc thật thích, tớ có thể vẽ bất cứ thứ gì tớ muốn, tớ cũng nghĩ mình sẽ vẽ gì trước khi bắt tay vào vẽ đấy. Có khi tớ vẽ đàng hoàng bằng bút màu, có khi hứng chí tớ nhúng cả tay vào lọ màu nước rồi “sáng tác” lung tung. Những tác phẩm của tớ, bố mẹ đều gom lại đóng thành tập cất lại vì hầu hết các bức tranh tớ đều vẽ mọi người trong gia đình mình cả. Có đủ cả mắt, mũi, miệng hẳn hoi. Bố mẹ cũng mua cho tớ hẳn 1 hộp đất sét nặn, cái đầu tiên tớ nặn là quả bóng màu xanh. Bố mẹ tớ á, cứ khen mãi không thôi…
Lúc này bố mẹ có thể để tớ chơi với một số đồ vật của người lớn hay đồ chơi mô phỏng được rồi bởi kỹ năng cầm nắm của tớ lúc này cũng vững lắm ^^. Tớ có thể quét nhà bằng cái chổi bé tí xíu (hì hì, không biết có sạch không), bắt chước bố mẹ dùng đồ làm vườn để trồng cây, hay giả đóng đồ gỗ bằng cái búa nhựa được rồi. Tuy vậy, bố mẹ vẫn phải cẩn thận để tớ không bị tai nạn gì nguy hiểm trong lúc chơi các trò tớ thích đó nha.
Tóm tắt: Các mốc phát triển của trẻ 3 -4 tuổi đã phức tạp hơn, bé có thể:
- Đứng bằng 1 chân được 5 giây;
- Đi lên xuống cầu thang một mình;
- Đá bóng về phía trước;
- Ném bóng từ trên xuống;
- Nảy và bắt bóng trúng nhiều lần;
- Di chuyển tiến lùi thật nhanh.
Các hoạt động nên cho bé chơi thời gian này:
- Chơi xếp hình khối;
- Chơi bộ ghép hình có từ 4 miếng trở lên;
- Đồ chơi xếp hình lego hoặc đính các miếng vào tấm bảng có nhiều lỗ;
- Xâu chuỗi những hạt gỗ lớn với nhau;
- Tập tô màu với sáp hay phấn màu;
- Xây lâu đài cát;
- Đổ nước vào những bình, cốc to nhỏ khác nhau;
- Thay quần áo có phecmơtuya, dây buộc lớn cho búp bê hoặc cho bé.
- Kỹ năng cầm nắm của bé mẫu giáo. Tham khảo tại: <http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/preschool/Pages/Hand-and-Finger-Skills-of-Your-Preschooler.aspx>.[Ngày 19 tháng 9 năm 2014]
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA