Rối loạn phân ly là một tiến trình tâm thần xảy ra khi một người ngắt kết nối với những suy nghĩ, cảm xúc, trí nhớ hoặc sự cảm nhận về nhân dạng của chính mình. Tình trạng này diễn ra dai dẳng và lặp đi lặp lại đủ để ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.
Rối loạn phân ly ở trẻ em và thanh thiếu niên
Ai trong chúng ta, thỉnh thoảng, cũng đều có những khoảnh khắc ngắt kết nối – như mơ mộng trong khi đang lái xe, quên phần nào đó của một cuộc trò chuyện. Những khoảnh khắc này thường trôi qua nhanh chóng. Nhưng ở người bị rối loạn phân ly thì các triệu chứng phân ly dai dẳng và lặp đi lặp lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.
Những người trải qua một sự kiện sang chấn nào đó trong quá khứ thường sẽ phát triển một số mức độ phân ly trong suốt sự kiện đó hoặc sau đó vài giờ, vài ngày hay vài tuần. Chẳng hạn, sự kiện đó có vẻ như “không có thật” hoặc người đó cảm thấy bị tách ra khỏi những gì đang xảy ra xung quanh mình, như thể họ đang xem sự kiện đó trên một chương trình truyền hình vậy. Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn phân ly được giải quyết mà không cần điều trị.
Thông thường, rối loạn phân ly ở trẻ em và thanh thiếu niên sẽ tự giải quyết được mà không cần điều trị
Tuy nhiên, một số người có rối loạn phân ly đòi hỏi cần phải được điều trị. Các rối loạn phân ly là những vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi, vì vậy chúng cần được chẩn đoán, trị liệu và hỗ trợ. Nếu bạn nghĩ rằng trẻ đang có rối loạn này thì đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn ngay lập tức nhé.
Triệu chứng
Các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn phân ly tùy thuộc vào dạng phân loại và mức độ rối loạn, nhìn chung gồm có:
- Cảm thấy mất kết nối với chính bản thân mình
- Gặp vấn đề với việc xử lý những cảm xúc mãnh liệt
- Có những thay đổi đột ngột và bất ngờ về tâm trạng, ví dụ: cảm thấy rất buồn không vì lý do gì cả
- Có vấn đề về rối loạn trầm cảm hay lo âu, hoặc cả 2
- Cảm thấy như thể cả thế giới đang bị biến dạng bóp méo hoặc trở nên không có thực
- Những vấn đề về trí nhớ mà không liên quan với chấn thương hay tình trạng bệnh lý của cơ thể
- Các vấn đề khác về nhận thức (có liên quan đến suy nghĩ) như là vấn đề về khả năng tập trung
- Dấu hiệu đãng trí đáng lưu ý như quên mất những thông tin cá nhân quan trọng
- Cảm thấy bị bắt buộc phải cư xử theo một cách nhất định nào đó
- Nhầm lẫn trong nhân dạng (như hành xử theo cách mà bình thường người đó sẽ cảm thấy xúc phạm hoặc không phù hợp).
Xem thêm: Phân loại các dạng rối loạn phân ly
- Dissociation and Dissociative Disorders. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Dissociation_and_dissociative_disorders>. [Ngày 18 tháng 9 năm 2015].
- Dissociative Disorders – For friends and my Family. Đọc thêm tại: <http://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/dissociative-disorders/for-friends-and-family/#.VftZb5D0GNA>. [Ngày 18 tháng 9 năm 2015].
- Dissociative disorders. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/dissociative-disorders/pages/introduction.aspx>. [Ngày 10 tháng 11 năm 2015].