Để có cách bỏ thuốc lá hiệu quả cho trẻ vị thành niên, cha mẹ cần có một kế hoạch cụ thể đã vạch rõ từng bước, nhưng trước hết hãy thuyết phục và khuyên con viết lý do tại sao con phải bỏ thuốc lá để tự tạo động lực cho mình.
Để có cách bỏ thuốc lá hiệu quả cho con, cha mẹ cần làm gì?
Trẻ có thể nghiện nicotine nhanh chóng – đôi khi chỉ là vài tuần sau khi thử hút thuốc lá. Mặc dù nhiều trẻ tin rằng mình có thể bỏ thuốc bất kì lúc nào nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điều này thường không đúng.
Khi nói chuyện với con về cách bỏ thuốc lá, cha mẹ hãy hỏi con về những người bạn đã cố gắng bỏ thuốc của con. Xem xét lí do vì sao chúng thất bại hoặc thành công trong việc ngưng hút thuốc. Sau đó hỏi con về cách bỏ hút thuốc lá mà chúng nghĩ là hữu ích nhất. Bạn cũng có thể giúp con xây dựng một kế hoạch bỏ hút thuốc lá bằng cách đưa ra một số đề nghị như sau:
- Viết ra giấy. Khuyến khích con viết ra lý do tại sao chúng muốn bỏ hút thuốc lá. Danh sách này có thể giúp con bạn có thêm động lực khi đối mặt với cám đỗ.
- Đặt ra ngày bỏ hút thuốc. Giúp con bạn chọn lựa một ngày để ngưng hút thuốc. Tránh đặt ngày trong khoảng thời gian căng thẳng, như là kiểm tra cuối kì.
- Đi chơi với những người bạn không hút thuốc. Nếu con bạn bị áp lực phải hút thuốc, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động mới. Làm quen với những bạn mới không hút thuốc có thể khiến trẻ dễ tránh những người bạn chưa sẵn sàng bỏ thuốc lá.
- Tham gia những hoạt động lành mạnh. Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động lành mạnh và ngăn cấm việc hút thuốc, chẳng hạn như chơi thể thao.
- Tập nói “Không”. Có thể không tránh khỏi được việc bạn bè gây áp lực để trẻ hút thuốc, nhưng trẻ không cần phải nhượng bộ. Cha mẹ có thể giúp trẻ tập nói “Không, tớ không hút. Cảm ơn”. Trẻ cũng có thể từ chối hút thuốc bằng việc rời khỏi nơi đang gây áp lực đó và đi về nhà hoặc một nơi khác.
Tập trẻ nói không với thuốc lá là một cách bỏ thuốc lá hiệu quả và tích cực
- Hãy chuẩn bị cho cơn thèm thuốc. Nhắc con rằng nếu trẻ có thể cầm cự đủ lâu, thường chỉ một vài phút, thì cơn thèm nicotine sẽ qua. Có thể dạy trẻ hít thở sâu và cho trẻ dùng kẹo cao su, tăm quế…
- Cân nhắc đến việc dùng các sản phẩm giúp ngưng thuốc lá. Mặc dù các sản phẩm thay thế nicotine như kẹo cao su, băng dính, thuốc hít, thuốc xịt mũi nicotine, không được thiết kế cho thanh thiếu niên, nhưng chúng có thể hữu ích trong vài trường hợp. Do đó, cha mẹ hãy hỏi bác sĩ về những gì cần thiết cho con bạn.
Nếu cách bỏ thuốc lá mà cha mẹ áp dụng với trẻ không thành công, cha mẹ cũng đừng nản lòng, hãy cứ ủng hộ và chúc mừng con về những tiến bộ mà con đã làm được và khuyến khích con không bỏ cuộc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể giúp con xác định những gì con đã làm sai, và những gì con cần phải làm trong từng thời gian sắp tới.
Hơn tất cả, cả nhà hãy đón chào thành công của con. Bạn có thể nấu cho con một bữa ăn thật ngon cho ngày con không hút thuốc, mua áo mới cho con trong tuần mà con không hút, hoặc tổ chức một bữa tiệc cho con với bạn bè sau một tháng mà con không hút thuốc. Phần thưởng và những củng cố tích cực có thể giúp con bạn duy trì động lực để ngưng hút thuốc lá.
Tìm kiếm sự hỗ trợ giúp con bỏ hút thuốc lá
Cha mẹ cũng có thể tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ bên ngoài để giúp con ngưng hút thuốc, ví dụ như:
– Liên hệ với chuyên gia cai thuốc lá: Một chuyên gia có thể cung cấp những công cụ và sự hỗ trợ cần thiết để trẻ bỏ hút thuốc lá. Một vài bệnh viện và tổ chức thường có những nhóm cai thuốc cho thanh thiếu niên. Bạn cũng có thể tìm kiếm những nhóm trực tuyến để được hỗ trợ.
– Tham gia trị liệu gia đình: Nhà trị liệu có thể giúp cải thiện giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, tái cân bằng lại sự năng động của gia đình và giúp các thành viên có một môi trường an toàn để bộc lộ sự tức giận, lo sợ cũng như những bận tâm của mình. Trị liệu gia đình cũng hữu ích trong việc ngăn chặn trẻ nghiện thuốc lá đầu hàng trước vấn đề của mình.
– Tham gia trị liệu cá nhân: Trị liệu cá nhân cho các thành viên trong gia đình (không chỉ là người nghiện) đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần của các thành viên. Tuy nhiên, cha mẹ nên tìm kiếm các nhà tâm lí có chứng chỉ hành nghề, xem xét kỹ chuyên môn của nhà trị liệu đó trong lĩnh vực này, cũng như tìm hiểu phương pháp và cách tiếp cận của họ nhé.
Tuy nhiên, cách bỏ thuốc lá hiệu quả nhất vẫn chính là ý thức của trẻ, vậy nên gia đình cần cỗ vũ, khích lệ nhằm tạo động lực cho trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ được lợi ích của việc từ bỏ thuốc lá và tạo môi trường lành mạnh nói không với khói thuốc. Như vậy, trẻ sẽ sớm từ bỏ thuốc lá.
- Protect your kids. Đọc thêm tại: <http://tobacconeverquits.com/protect-your-kids>. [Ngày 28 tháng 06 năm 2015].
- Protecting Your Children From Tobacco Use. Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/features/backtoschool/>. [Ngày 28 tháng 06 năm 2015].
- How parents can protect their kids from becoming addicted smokers. Đọc thêm tại: <https://www.tobaccofreekids.org/research/factsheets/pdf/0152.pdf>. [Ngày 11 tháng 06 năm 2015].
- Kids and smoking. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/positive/talk/smoking.html#>. [Ngày 28 tháng 06 năm 2015].
- Teen smoking: How to help your teen quit. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/tween-and-teen-health/in-depth/teen-smoking/art-20046474?pg=1>. [Ngày 28 tháng 06 năm 2015]
- 10 Ways to Cope with an Addict in the Family. Đọc thêm tại: <http://health.howstuffworks.com/mental-health/10-ways-to-cope-with-addict-in-the-family.htm>. [Ngày 27 tháng 06 năm 2015].