Nếu mẹ nghi ngờ bé nhà mình mắc phải chứng thoát vị bẹn, hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để đươc tư vấn và kiểm tra cụ thể.
Chẩn đoán thoát vị bẹn ở trẻ em
Nếu mẹ thấy có khối phồng tại vùng bẹn bìu (ở bé trai) hoặc vùng âm môi (ở bé gái) thì có thể bé đã mắc phải chứng thoát vị bẹn. Khi bé cảm thấy thoải mái và nằm yên, khối phồng có thể biến mất hay thu nhỏ lại, hoặc khi bé khóc, ho và mệt mỏi, khối phồng sẽ xuất hiện và to hơn.
Trong trường hợp bé xuất hiện những dấu hiệu bất thường trên, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn và kiểm tra cụ thể hơn.
Chẩn đoán thoát vị bẹn ở trẻ em thông qua việc tìm hiểu bệnh sử và kiểm tra thể trạng của bé. Các bác sĩ sẽ thăm khám phần bụng, khu vực giữa bụng và mặt trong của đùi. Ở bé trai sẽ kiểm tra thêm vùng bìu nếu nghi ngờ thoát vị bẹn. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ yêu cầu bé đứng và ho, hay làm bé khóc để kiểm tra xem có khối phồng ở vùng bẹn hay không.
Phẫu thuật khi bé bị thoát vị bẹn
Nếu khối thoát vị nhỏ và không gây khó chịu cho bé thì không cần tiến hành phẫu thuật thoát vị bẹn đâu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn để mẹ quan sát và theo dõi chuyển biến.
Không cần làm phẫu thuật nếu khối thoát vị bẹn ở trẻ em nhỏ và không gây khó chịu
Bé sẽ cần can thiệp phẫu thuật ngay khi khối thoát vị bẹn có dấu hiệu lớn dần và gây đau. Phẫu thuật sẽ giúp bé giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Khi phẫu thuật, bé sẽ được gây mê, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn, xác định khối thoát vị và chỉnh sửa lại đúng vị trí. Sau đó, vết mổ sẽ được khâu lại bằng chỉ khâu tự tan, bôi một lớp keo và băng dính chuyên dụng vô trùng (steri-trip) lên bề mặt vết mổ. Bé sẽ được gây tê cục bộ quanh vết rạch trong suốt quá trình phẫu thuật nhằm giảm đau.
- Bé có thể xuất viện trong ngày sau khi tiến phẫu thuật thoát vị, tuy nhiên các trẻ sinh non cần được theo dõi qua đêm. Bé có thể hoạt động trở lại bình thường chỉ vài ngày sau phẫu thuật, thậm chí có thể chơi thể thao (tùy vào độ tuổi và môn thể thao mà bé chơi).
- Trong trường hợp khối thoát vị bẹn ở trẻ em lớn và kéo dài xuống bìu thì bìu có thể bị sưng sau phẫu thuật. Tuy nhiên triệu chứng này sẽ tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng.
- Khả năng tái phát sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn rất thấp, tuy nhiên nguy cơ này vẫn có thể xảy ra ở những trẻ sinh non, mắc bệnh não úng thủy (hydrocephalus), rối loạn mô liên kết, bị bệnh phổi và suy thận mãn tính.
Xem thêm: Thoát vị bẹn ở trẻ em, triệu chứng như thế nào?
- Inguinal Hernia. Đọc thêm tại: <http://www.cincinnatichildrens.org/health/i/inguinal-hernia/>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em. Đọc thêm tại: <http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/755/benh-ly-thoat-vi-ben-o-tre-em.html>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Inguinal Hernia. Đọc thêm tại: <http://www.allkids.org/body.cfm?id=1020>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Inguinal Hernia. Đọc thêm tại: <http://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Inguinal_hernia/>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Inguinal Hernia. Đọc thêm tại: <http://www.seattlechildrens.org/medical-conditions/digestive-gastrointestinal-conditions/inguinal-hernia-symptoms/>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Thoát vị bẹn ở trẻ em: coi chừng nghẹt!. Đọc thêm tại: <http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/243/thoAt-vI-bEn-O-trE-em-coi-chUng-nghEt.html>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Inguinal Hernia. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inguinal-hernia/basics/tests-diagnosis/con-20021456>. [Ngày 18 tháng 12 năm 2014]
- Inguinal Hernia. Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.