Khi con là học sinh tiểu học, con đã dần sẵn sàng hơn cho việc độc lập. Tuy nhiên, trẻ cũng còn gặp một số khó khăn. Khi trẻ gặp khó khăn với những nhiệm vụ quan trọng, cha mẹ cần khen ngợi và khuyến khích để trẻ làm tốt việc của mình, đó là một cách dạy con ở tuổi tiểu học đấy.
Nuôi dạy con trong độ tuổi đến trường là một trải nghiệm tuyệt vời, tuyệt vời hơn nữa khi cha mẹ có những cách nuôi dạy con tốt. Quan sát trẻ thử sức ở các hoạt động mới, cổ vũ trẻ tại các sự kiện thể thao và khen ngợi những thành tích mà trẻ đạt được tại các buổi biểu diễn nghệ thuật thường là những niềm thích thú của hầu hết các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, thành công nào cũng thường bắt đầu bằng thất bại và đôi khi học cách chấp nhận điểm yếu của mình là cách để xây dựng điểm mạnh ở trẻ.
Trong khi trẻ nhỏ và trẻ mẫu giáo cần sự giám sát thường xuyên, thì trẻ tiểu học dần dần sẵn sàng hơn cho việc độc lập. Tuy nhiên, học cách ra quyết định và tính tự kỷ luật không phải là dễ đối với nhiều trẻ. Cha mẹ cần phải truyền đạt cho trẻ một quy tắc đạo đức để trẻ dần tiếp thu. Khi trẻ gặp khó khăn với những nhiệm vụ quan trọng, cha mẹ cần phải khen ngợi và khuyến khích các thành tựu của trẻ, đó là một cách dạy con ở tuổi tiểu học. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng phải tập cho trẻ đối mặt với những hậu quả tự nhiên do hành vi của mình gây ra hoặc chủ động tạo hậu quả hợp lý để giúp trẻ học hỏi từ những sai lầm đó.
Giai đoạn giữa thời thơ ấu của trẻ, sẽ có nhiều thay đổi xảy ra trong gia đình. Trẻ trở nên độc lập hơn trước, có thể tự chăm sóc bản thân tốt hơn, có khả năng giúp đỡ việc vặt và các việc khác trong gia đình. Đó là quá trình thay đổi xảy ra ở hầu hết các gia đình và nhờ đó, cuộc sống được thiết lập ổn định hơn. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần sự giám sát và hướng dẫn của bố mẹ.
Trong giai đoạn giữa thời thơ ấu của trẻ (từ 6 – 8 tuổi), cha mẹ có hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Đầu tiên là học cách cho phép và khuyến khích trẻ tự mình khám phá một thế giới học đường và bạn bè mới. Thứ hai là học cách nuôi dạy, chăm sóc con từ xa. Một khi trẻ đi học, thời gian cha mẹ ở bên trẻ sẽ ít hơn một nửa so với trước đây. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải tranh thủ hơn, thận trọng hơn và vẫn giữ một vị trí nhất định trong cuộc sống của con trẻ để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả.
Trong suốt những năm đến trường, trẻ sẽ phát triển sự tự tin, vượt qua nỗi sợ hãi và sự ngờ vực của bản thân, kiểm tra giới hạn tự chủ của bản thân, tìm thấy hình mẫu, học hỏi và tiếp thu các giá trị đạo đức và tinh thần. Cha mẹ và người thân trong gia đình nên đặc biệt chú ý đến các vấn đề quan trọng trong giai đoạn này để biết cách dạy con ở tuổi tiểu học nhé. Một số vấn đề quan trọng trong giai đoạn trẻ 5 -12 tuổi là:
Trường học
Trường học đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của trẻ khi trẻ lên 6 hoặc 7, thu hút phần lớn sự tập trung và năng lượng của trẻ khỏi gia đình. Những năm học tiểu học của trẻ có thể trở thành quãng thời gian đầy hài lòng và hứng thú. Khi trẻ biết đọc và nắm vững các kỹ năng học tập khác, trẻ sẽ hình thành niềm yêu thích học tập và tự hào về những thành tích mình đạt được. Điều này giúp góp phần làm tăng lòng tự trọng ở trẻ, không chỉ vì những thành tích đạt được tại trường mà còn vì trẻ độc lập được với gia đình. Thầy cô giáo của trẻ có thể là nguồn hỗ trợ và hình mẫu quan trọng trong cuộc sống của trẻ trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đối với một số trẻ, trường học có thể gây ra sự thất vọng và căng thẳng. Khả năng tiếp thu kém có thể chi phối hứng thú học tập. Tác phong học tập kém và/ hoặc thiếu động lực có thể gây khó khăn trong việc học. Đôi khi, một số trẻ có mối quan hệ không tốt với giáo viên, hoặc lo âu chia ly cũng có thể chi phối việc đến trường của trẻ.
Để giúp việc học của trẻ tích cực và hiệu quả nhất có thể, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ quá trình học tập của trẻ, giúp trẻ điều chỉnh các tương tác xã hội cũng như làm quen với thầy cô của trẻ. Trò chuyện với trẻ về các chủ đề trường lớp, trẻ đang học những gì trên lớp và trẻ cảm thấy như thế nào về trường học… Khuyến khích trẻ thực hành những kỹ năng mới học được cùng với cha mẹ. Kiểm tra bài tập về nhà của con (nhưng không làm bài giúp con), và đảm bảo rằng trẻ chuẩn bị tốt cho những bài kiểm tra. Hạn chế thời gian xem ti vi và khuyến khích trẻ đọc, viết và thể hiện bản thân một cách sáng tạo qua các sở thích và các môn thể thao.
Cách nuôi dạy con tốt là khi cha mẹ để trẻ phát triển một cách tự do, sáng tạo và phù hợp với sở thích của trẻ. Nếu trẻ (hoặc giáo viên) phát hiện bất kỳ vấn đề nào (về sức khỏe, về các khó khăn học tập), cha mẹ hãy giao tiếp cởi mở với nhân viên nhà trường và cố gắng tìm ra cách tốt nhất giúp trẻ vượt qua những khó khăn. Nhờ bác sĩ nhi khoa tư vấn để giúp giải quyết những vấn đề này.
Xem thêm: List các phòng khám nhi tại Hà Nội
Khả năng nhận thức
Trẻ em trong độ tuổi đến trường sử dụng khả năng nhận thức nhiều hơn và như là một phần của cuộc sống hàng ngày, cũng như hầu hết các hoạt động tại trường. Cha mẹ và người lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhận thức ở trẻ phát triển bằng nhiều cách.
Ví dụ, trẻ em độ tuổi này sử dụng lượng lớn kiến thức mà trẻ đã học được từ thời mẫu giáo. Trẻ đang cố gắng ý thức lớn hơn về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, người lớn có nhiều kỳ vọng về trẻ ở giai đoạn này hơn so với lúc trẻ học mẫu giáo. Kết quả thường dễ dẫn đến những kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ vào lúc này. Nếu hiểu được rằng trẻ ở tuổi đi học không phải lúc nào cũng có thể suy nghĩ một cách logic, cha mẹ có thể điều chỉnh việc giáo dục và nuôi dưỡng ở mức độ phù hợp với sự phát triển của trẻ. Bằng cách hiểu được trẻ ở tuổi đến trường nhìn nhận thế giới khác so với người lớn, các bậc cha mẹ sẽ không có những mong đợi vượt quá khả năng của con mình. Đó cũng là một cách dạy con ở tuổi tiểu học đấy cha mẹ ạ.
Quan hệ bạn bè
Cũng giống như gia đình, bạn bè và người quen ngày càng trở nên quan trọng trong giai đoạn giữa thời thơ ấu của trẻ. Trẻ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè, cả trong và ngoài trường học. Trẻ sẽ phát triển nhu cầu hòa hợp một cách mạnh mẽ (được giống như những người khác) và sự công nhận (được nhìn nhận là duy nhất).
Gia đình cũng sẽ phải đối mặt với những căng thẳng liên quan đến các mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa của trẻ. Theo thời gian, trẻ có thể nảy sinh những mâu thuẫn với bạn bè, mà điều này có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ. Trẻ có thể sẽ bị gạt ra khỏi nhóm mà trẻ thực sự muốn tham gia vào, kéo theo nỗi thất vọng và cô đơn.
Trong giai đoạn này, cha mẹ có thể theo dõi việc lựa chọn bạn bè của con, nhưng không can thiệp vào hoạt động vui chơi của trẻ. Làm quen với cha mẹ của những đứa bạn của trẻ và chia sẻ với họ những quan sát của bạn về các hoạt động của trẻ. Hỗ trợ, thấu hiểu và hướng dẫn cho trẻ khi có vấn đề nảy sinh với bạn bè. Khi có mâu thuẫn xảy ra, cố gắng tìm hiểu xem trẻ cảm thấy như thế nào về chuyện đó, những yếu tố nào mà trẻ cho rằng đã gây nên mâu thuẫn. Sau đó, bạn hãy thảo luận với trẻ, nếu trẻ là người bạn kia, trẻ sẽ nghĩ gì,và cùng nhau tìm cách để giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời, bạn cũng cần lưu ý với trẻ rằng gia đình không thể giải quyết tất cả mọi khó khăn liên quan đến bạn bè của trẻ, cha mẹ không thể chạy đến sân chơi và can thiệp vào bất cứ mâu thuẫn phát sinh nào. Dù vậy, cha mẹ có thể hỗ trợ và hướng dẫn, truyền đạt các giá trị và kỳ vọng của cha mẹ cho trẻ.
Các hoạt động ngoài giờ học
Suốt giai đoạn giữa thời thơ ấu, trẻ sẽ phát triển một số sở thích bên ngoài, từ việc đam mê thể thao đến việc làm hướng đạo sinh, từ những buổi học âm nhạc đến các câu lạc bộ sinh hoạt. Nhiều hoạt động sẽ đòi hỏi phải có cam kết từ phía gia đình, về thời gian, và một số trường hợp là tiền bạc. Nhiều hoạt động cũng có thể đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ vì trẻ có thể sẽ thử sức ở nhiều hoạt động khác nhau trước khi tìm ra được điều mà mình thích.
Nhìn chung, các gia đình, đặc biệt là bậc cha mẹ cần sẵn sàng hỗ trợ trẻ, khuyến khích, giám sát, đưa đón, và đôi lúc trực tiếp tham gia các hoạt động với trẻ. Điều này giúp ích rất nhiều cho con đấy.
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for Your School-Age Child – Ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 314 – 317.
- School Age Children Development & Parenting Tips (6-12). Đọc thêm tại: <http://childdevelopmentinfo.com/ages-stages/school-age-children-development-parenting-tips/>. [Ngày 17 tháng 9 năm 2015].
- Parenting School-Age Children. Đọc thêm tại: <http://www.education.com/reference/article/parenting-school-age-children/>. [Ngày 17 tháng 9 năm 2015].