Sức khỏe

Cách đối phó hiệu quả với các bệnh mãn tính ở trẻ em

Các căn bệnh mãn tính ở trẻ em như bệnh bại não, bệnh động kinh, bệnh tim bẩm sinh,… sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình phát triển và tạo áp lực không nhỏ cho gia đình của các bé. Dưới đây là một vài cách ứng phó với bệnh mãn tính một cách hiệu quả cha mẹ có thể kham khảo!

Khi một thành viên trong gia đình bị bệnh mãn tính, việc sống chung với căn bệnh khiến sự kiệt sức và áp lực trong các mối quan hệ gia đình trở nên rất nghiêm trọng, do đó, đôi khi các thành viên trong gia đình có thể nhờ đến sự tư vấn tâm lý từ các chuyên gia để điều chỉnh cảm xúc thông suốt hơn.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cách giúp việc “sống chung với lũ” trở nên dễ dàng hơn đối với tất cả mọi người trong gia đình. Ví dụ như việc luôn gắn bó và chia sẻ thông tin, lên kế hoạch sẵn cho các tiến trình sẽ diễn ra, hỗ trợ các mối quan hệ và hoạt động của bé đối với bạn bè, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và không bao giờ từ bỏ hi vọng, đồng thời luôn tạo không khí ấm cúng, vui vẻ để mọi người cảm thấy thoải mái hơn,…

Cha mẹ có thể tham khảo một vài cách dưới đây để cải thiện tình hình sức khỏe và giúp con đối phó và sống chung dễ dàng hơn với căn bệnh mãn tính ở trẻ em.

Luôn gắn bó và chia sẻ thông tin

Cha mẹ có thể trao đổi với bé (dựa vào độ tuổi của bé) về tất cả những gì liên quan tới căn bệnh và điều gì sẽ xảy ra khi bé nhập viện để bé có sự chuẩn bị tinh thần từ trước. Nếu cha mẹ không làm điều này, bé có thể tưởng tượng ra rất nhiều điều tồi tệ đấy.

cach-doi-pho-hieu-qua-voi-can-benh-man-tinh-o-tre-em-hinh-anh1

Cha mẹ hãy luôn gắn bó và chia sẻ thông tin với trẻ.

Lên kế hoạch sẵn cho những tiến trình sẽ diễn ra

Những tình huống bất ngờ sẽ khó giải quyết hơn là những gì đã nằm trong dự tính. Nếu được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, bé sẽ vượt qua các tiến trình gây đau đớn (về thể chất và tâm lý) một cách dễ dàng hơn.

Cho bé nhiều sự lựa chọn

Các bệnh mãn tính ở trẻ em sẽ khiến bé bị hạn chế rất nhiều điều có thể làm và không thể làm, do đó, có nhiều bé sẽ phản ứng lại cha mẹ để đòi quyền tự do tự lựa chọn hay kiểm soát cuộc sống trong giới hạn của mình. Nhiều cha mẹ có thể sẽ rất đau đầu vì điều này đấy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, vì bé bị bệnh nên có một số việc bắt buộc bé phải làm, nhưng một số việc khác thì có thể linh hoạt hơn. Cha mẹ nên cho bé biết những việc nào là bắt buộc (như uống thuốc theo lịch, khẩu phần ăn đặc biệt) và việc nào bé có thể lựa chọn (như những loại thuốc nào là uống khi cần thiết, hay chọn dùng những thức ăn mà đã được đưa ra trong danh sách khẩu phần).

Hỗ trợ các mối quan hệ và hoạt động của bé đối với bạn bè

Bệnh tật thường gây trở ngại tới thói quen và các hoạt động thường ngày, và vì một nguyên nhân nào đó nó có thể làm mất đi các mối quan hệ bạn bè của bé. Bé có thể cảm thấy buồn và cô đơn vì không có bạn bè bên cạnh. Cha mẹ hãy giúp bé luôn kết nối với bạn bè của chúng và cố gắng để các mối quan hệ này tiến triển tốt đẹp, vì điều đó sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp bé chống chọi với căn bệnh đấy.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp bé tìm và duy trì những mối quan hệ mới, đồng thời giúp bé có những ứng phó hay xử lý thích hợp với những lời trêu chọc từ bạn bè nhé.

Giữ vững niềm hi vọng

Cha mẹ có thể cảm thấy nản lòng và sợ hãi khi đối mặt với các căn bệnh mãn tính của con mình, vì vậy, một trong những điều quan trọng trong cuộc “chiến đấu” với căn bệnh này là cha mẹ phải luôn giữ vững niềm hi vọng. Cha mẹ đừng quá đặt nặng vấn đề, nhưng cũng đừng lơ là, chạy trốn những cảm xúc lo lắng hay tiêu cực nhé, vì chúng cần phải được đối mặt và giải quyết.

Nếu cố gắng suy nghĩ, tin vào những khía cạnh tích cực và lạc quan hơn, cha mẹ sẽ làm gương cho bé và duy trì được khả năng ứng phó tốt hơn đấy.

Lắng nghe

Hãy cho bé bày tỏ những vấn đề mà chúng đang phải đối mặt, hỏi bé về tình hình của chúng và lắng nghe câu trả lời để giúp bé tìm được các giải pháp giải quyết. Đặc biệt, cha mẹ nên để ý các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở bé, vì nếu bé đề cập đến tự tử thì vấn đề này rất nghiêm trọng đấy.

Không có gì tệ hơn cảm giác sợ hãi và bối rối nhưng không thể giải bày cho người khác hiểu được. Vì vậy, để giúp bé cảm thấy thoái mái hơn, cha mẹ có thể cho phép bé bày tỏ nỗi sợ hãi và ghi nhận cảm xúc của bé.

Cư xử mềm dẻo

Để giúp bé thích nghi với căn bệnh, cha mẹ hãy chấp nhận những giới hạn của con mình và giúp bé có một cuộc sống bình thường.

Để làm được điều đó, cha mẹ nên nâng đỡ bé như cách cha mẹ đã làm với anh chị em chúng, mặc dù bị bệnh, nhưng bé cũng rất cần những ranh giới, cơ hội, sự khuyến khích và hỗ trợ. Bảo vệ hay nuông chiều quá mức sẽ không làm bé cảm thấy tự tin và sẽ không định hình một tương lai tốt cho bé đâu.

Khi bé bị các cơn đau từ các cuộc xét nghiệm hay điều trị hành hạ, cha mẹ có thể khuyến khích bé thở đều (một số bé có xu hướng nín thở khi bị đau), giữ bình tĩnh, không khẩn trương và giúp bé nghĩ về những điều vui vẻ hơn, giữ chặt bé hay hãy thử đánh đòn bé khi thích hợp cũng là một phương pháp giúp bé vượt qua những cơn đau đấy.

Giúp con sống chung với căn bệnh mãn tính ở trẻ em

Tạo không khí ấm cúng, vui vẻ, sắp xếp thời gian biểu để dành nhiều thời gian vui chơi với các con cũng như trong các hoạt động gia đình. Một cách rất hiệu quả mà cha mẹ có thể thử để giúp việc sống chung với căn bệnh mãn tính của con dễ dàng hơn, đó là liên kết các thành viên trong gia đình và mở rộng mạng lưới hỗ trợ, hãy để mỗi thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau bằng mọi cách trong khả năng của mỗi người.

 

cach-doi-pho-hieu-qua-voi-can-benh-man-tinh-o-tre-em-hinh-anh2

Cha mẹ hãy là người bạn giúp con sống chung với các căn bệnh mãn tính ở trẻ em.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những người bên ngoài như họ hàng, trường học, hàng xóm, những người cùng tôn giáo hay tại bệnh viện nơi bé đang điều trị là những điều rất bổ ích. Những người quen biết thường sẽ sẵn lòng giúp đỡ nếu họ có khả năng như thuyết phục bé ăn uống hay cho nhiều bé khác đến cùng chơi đùa với con của bạn, thậm chí họ chỉ có thể lắng nghe cũng được.

Tuy nhiên, thông thường những người đó sẽ không biết chính xác cha mẹ cần những gì đâu, vì vậy đừng trông chờ họ có thể tự hiểu và biết điều đó nhé! Nếu người nào đó hỏi cha mẹ cần họ giúp gì không, cha mẹ đừng ngại và hãy nói cụ thể mình cần giúp cái gì và hỏi liệu họ có giúp được không? Cha mẹ có thể sẽ vô cùng ngạc nhiên khi mọi người rất vui vì được giúp đỡ gia đình mình đấy!

Dạy con các kỹ năng ứng phó

Bên cạnh việc dạy con những cách ứng phó mới với các tình trạng thử thách đặc biệt của bệnh, cha mẹ hãy chỉ cho bé biết các tác động của bệnh đang ảnh hưởng tới chúng như thế nào và việc tìm ra các giải pháp để giải quyết hay ứng phó với những cảm xúc là điều rất hữu ích.

Nếu được chuẩn bị kỹ các kỹ năng ứng phó, bé có thể học hỏi để hình thành sức mạnh và phát triển khả năng đối mặt với các thử thách một cách đầy tự tin và bản lĩnh.

Ngoài ra, cha mẹ hãy chú ý đừng để bé nghe thấy những điều không nên nghe nhé. Nếu các cuộc đối thoại về tình trạng sức khỏe của bé mang tính riêng tư thì cha mẹ nên chú ý đừng để bé nghe thấy. Bé có thể nghe được nhiều thứ hơn cha mẹ nghĩ đấy, đừng tưởng bé nhắm mắt mà nghĩ bé đã ngủ đấy nhé.

Phối hợp với nhà trường

Khi bé đang mắc bệnh và vẫn đi học thì việc trao đổi với nhà trường rất quan trọng đấy. Cha mẹ nên tìm hiểu bệnh của bé cần phải chuẩn bị những gì và in ra một số trang quan trọng để đưa cho nhà trường.

Tự chăm sóc bản thân và các mối quan hệ của chính mình

Bên cạnh việc chăm sóc con, cha mẹ cần phải tự lo cho bản thân mình thật tốt. Bên cạnh việc trao đổi với các phụ huynh cùng hoàn cảnh có con nhỏ bị bệnh như con mình, cha mẹ có thể trích ra một chút thời gian để thực hiện một vài việc nho nhỏ như tận hưởng cuộc sống, nhận sự hỗ trợ, tìm ai đó để trút tâm sự, nghỉ ngơi, dành thời gian cho vợ/chồng hoặc học cách đối phó tích cực hơn với các áp lực đang bủa vây.

Giữ các sinh hoạt gia đình luôn ổn định cũng là một điều tốt để có nền tảng cùng con chiến đấu với bệnh tật đấy nhé. Cha mẹ hãy nhớ rằng chăm sóc sức khỏe của con nên trở thành một phần của thói quen hằng ngày, tuy nhiên cha mẹ đừng quá đặt nặng vào nó vì sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ khác của gia đình đấy.

Quan tâm tới những đứa con khác

Những anh chị em của bé bị bệnh sẽ cần sự chú ý nhiều hơn vì chúng có thể trở nên ganh tỵ, ích kỷ, giận dữ và trầm cảm. Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ hãy xóa tan những lo sợ, đau buồn và mối quan tâm của chúng, khẳng định rằng cha mẹ luôn yêu thương và không bỏ rơi chúng nhé.

Nhận thức được những rủi ro riêng đối với căn bệnh của bé

Việc làm quen với căn bệnh của bé (cho dù nó đáng sợ thế nào) là điều rất quan trọng. Do đó, cha mẹ hãy tham khảo về căn bệnh của bé càng nhiều càng tốt. Càng nhiều kiến thức, cha mẹ càng có thể chăm sóc con mình tốt nhất có thể đấy.

Nếu cha mẹ muốn có nhiều thông tin về bệnh mãn tính hay tình trạng sức khỏe của bé, cha mẹ có thể trao đổi với các y tá hay các nhà chăm sóc sức khỏe. Hãy chuẩn bị sẵn danh sách các câu hỏi và hỏi mỗi khi có dịp, đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ khi có câu hỏi hay các mối bận tâm cha mẹ nhé.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Malabsorption, Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.
  2. Children with Chronic Conditions. Đọc thêm tại: <http://www.med.umich.edu/yourchild/topics/chronic.htm>. [Ngày 31 tháng 10 năm 2014]
  3. Coping with Chronic Illness. Đọc thêm tại:<http://www.aboutkidshealth.ca/en/resourcecentres/congenitalheartconditions/understandingdiagnosis/makingsureyouunderstandthediagnosis/pages/coping-with-chronic-illness.aspx>. [Ngày 31 tháng 10 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com