Cha mẹ có thể có nhiều cách giải quyết xung đột trong gia đình, đặc biệt là xung đột giữa các con, như la mắng hay đánh con, hiện tượng thường thấy ở nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, cách dạy con như vậy là chưa ổn, đặc biệt khi trẻ đang ở tuổi vị thành niên
Tình cảm anh chị em khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên
Tình cảm giữa các anh chị em với nhau thường gặp trục trặc trong độ tuổi vị thành niên. Trẻ có thể phóng đại sự khác biệt giữa mình và anh chị em, dẫn tới việc làm giảm tình cảm anh em. Sự phát triển vượt bậc về thể chất và trí tuệ là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, ở tuổi này, các em dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn nên thời gian ở bên gia đình cũng giảm xuống. Trẻ có thể có những người bạn mới, bạn thân để chia sẻ vui buồn. Có những điều mà chỉ có bạn bè mới nói được với nhau và không thể chia sẻ với anh chị của mình được. Do đó, việc trẻ có quan hệ tốt với bạn bè có thể làm tăng khoảng cách giữa anh chị em.
Bất hòa giữa anh chị em lên đỉnh điểm ở độ tuổi 8 – 12. Trẻ càng lớn, càng có sự độc lập trong quan điểm cá nhân thì họ càng có những hành động gây hấn hơn để làm rõ vai trò của mình trong hệ thống gia đình. Các mối quan hệ bất hòa thường diễn ra giữa những đứa trẻ cùng tuổi, hay cùng giới tính hoặc sở thích. Tuy nhiên, chuyện tranh cãi là điều bình thường, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những cách giải quyết xung đột lành mạnh, như không nên để trẻ dùng những từ ngữ sỉ nhục hoặc dùng bạo lực đối với người khác. Cha mẹ cũng đừng đánh giá thấp tác động tâm lý của những lời nói gây tổn thương của các con lên nhau.
Cách giải quyết xung đột trong gia đình
Cách giải quyết xung đột trong gia đình hiệu quả: đầu tiên, cha mẹ đứng ra phân giải, cho đứa trẻ bắt đầu “cuộc chiến” dừng lại. Nếu bạn không chắc trẻ nào là người bắt đầu thì hãy tách các con ra các phòng khác nhau. Để tránh trẻ tiếp tục tranh cãi với nhau trong tương lai, bạn cần có những hình phạt phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nhạy cảm hơn và hãy đối xử công bằng, không thiên vị với các con. Để giúp con cái thân thiết, gắn bó với nhau và làm tăng tình cảm gia đình hơn, cha mẹ có thể:
Cha mẹ hãy công bằng, không thiên vị trong cách giải quyết xung đột trong gia đình mình
- Khi các con cãi nhau, bạn hãy chú ý đừng la mắng một đứa nhé, vì có thể khiến trẻ trở thành người có tội.
- Cố gắng tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ cãi nhau để có thể ngăn chặn phù hợp.
- Khi phân công công việc, chỉ ra cụ thể công việc mà mỗi thành viên cần làm, đồng thời để các con thể thiện sự không bằng lòng của mình, nếu có. Các con có thể thảo luận, thậm chí là thảo luận gay gắt hay la hét cũng được. Nhưng không cho trẻ hạ thấp hoặc có những hành động gây hấn, nếu trẻ làm vậy hãy phạt các con.
- Tránh so sánh các con với nhau. Thay vào đó, hãy khen ngợi những thành tựu và thế mạnh của mỗi thành viên. Việc công nhận và đánh giá cao những điều trẻ đã làm được sẽ giúp nâng cao lòng tự trọng ở trẻ và thúc đẩy trẻ cư xử tích cực với các thành viên trong gia đình.
- Khuyến khích con tìm cách để phát triển bản thân.
- Phản đối việc con mách lẻo.
Một việc cực kỳ quan trọng là dành thời gian riêng cho từng trẻ. Việc dành thời gian riêng tư cho từng trẻ là điều quan trọng dù con ở bất kì độ tuổi nào. Riêng ở tuổi dậy thì, điều này càng quan trọng hơn, bởi đây là lúc trẻ đang khẳng định cá tính của mình, nên rất khó khăn khi làm việc trong một nhóm. Trẻ cũng có thể muốn dành thời gian để nói chuyện riêng với bạn về những vấn đề cá nhân mà trẻ không thấy thoải mái khi chia sẻ với mọi người trong gia đình. Vì vậy, đây là thời gian mà bạn có thể tìm hiểu những khó khăn riêng của mỗi trẻ và có sự hỗ trợ kịp thời.
Cách giải quyết xung đột công bằng, đầy tôn trọng như thế này vừa làm cho trẻ nể phục bạn, vừa dạy trẻ một bài học về xử lý tình huống mà trẻ có thể áp dụng trong cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, gia đình của bạn cũng sẽ nhanh chóng trở về với không khí vui vẻ, đầm ấm, yêu thương nhau như trước.
- Strengthening Family Relationships. Đọc thêm tại: <http://www.advocatesforyouth.org/publications/1229-strengthening-family-relationships>. [Ngày 13 tháng 8 năm 2015].
- Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 82 – 89.