Sau ly hôn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể thay đổi. Nếu trường hợp xấu xảy ra, bạn và con có nhiều căng thẳng và xích mích với nhau, thì bạn nên làm gì? Cùng mekhonghoanhao đi tìm câu trả lời nhé
Nếu sau khi ly hôn, mối quan hệ giữa bạn và con ngày càng không hòa hợp với nhau, gây ra nhiều căng thẳng trong gia đình, và bạn thì không có ai để nhờ giúp đỡ, vì giờ đây người chồng/vợ cũ đã không còn sống chung nhà, thì bạn sẽ xử lý như thế nào? Sau đây là một số gợi ý để giải quyết vấn đề, cha mẹ cùng đọc nhé:
Ngưng tranh cãi
Tránh cuộc tranh cãi sắp nổ ra và cố gắng hiểu chuyện gì đang là vấn đề về mối quan hệ giữa bạn và con. Sau đó, khi không còn nóng giận nữa, hãy cố gắng làm rõ với con những vấn đề nào đang cản trở hai người hòa hợp với nhau.
Có lẽ cuộc sống sau ly hôn và những thay đổi của gia đình buộc bạn và con phải thích nghi. Giải thích một cách bình tĩnh cho con hiểu tình thế hiện tại khi cha/ mẹ không còn sống chung trong gia đình nữa.
Ví dụ: “Chúng ta không có điều kiện để thuê người giúp việc nữa, vì thế mẹ cần con giữ gìn phòng riêng sạch sẽ” hoặc “Chúng ta không có điều kiện cho con tham dự trại hè bóng đá nữa, nhưng con có thể cùng bạn bè mình tham gia các hoạt động thể thao tại trung tâm văn hóa địa phương đấy, con yêu ạ.”
Ngưng tranh cãi và tìm ra vấn đề dẫn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng.
Tránh tranh cãi những tình huống không có sự lựa chọn nào
Con bạn than phiền về việc trẻ không thể tham dự trại hè trẻ thích, nhưng ngân sách gia đình đơn giản là không cho phép bạn có sự lựa chọn nào khác.
Trẻ cần hiểu rằng mọi người trong gia đình cần phải thích nghi với hoàn cảnh mới khi gia đình chỉ có cha hoặc mẹ. Giúp trẻ tham gia vào việc giải quyết vấn đề trong gia đình, xem đó như việc cho trẻ học hỏi kinh nghiệm, đồng thời góp phần cải thiện mối quan hệ giữa bạn và con hơn.
Điều chỉnh kỳ vọng của cha mẹ sau ly hôn
Cha mẹ thường trở nên buồn phiền chính bản thân khi họ không thể cho con mình mọi thứ trẻ thích, và cảm giác thất bại đó có thể gây căng thẳng trong gia đình.
Những bà mẹ và ông bố đơn thân có lẽ cần phải điều chỉnh những kỳ vọng của mình đối với các nhu cầu của trẻ để cảm thấy vui vẻ hơn. Việc đặt ra những kỳ vọng thực tế giúp giảm thiểu những căng thẳng trong cuộc sống.
Thường xuyên trò chuyện với con
Trẻ em thích nghi khá nhanh, do đó bạn và trẻ càng thường xuyên ngồi lại và trò chuyện cùng nhau càng tốt. Điều này vừa giúp trẻ hiểu mình cần phải điều chỉnh như thế nào với cuộc sống mới, vừa giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên tốt hơn đấy.
Trò chuyện với trẻ về viễn cảnh gia đình tương lai mà bạn và trẻ mong muốn, dựa trên hoàn cảnh gia đình hiện tại. Tốt hơn nên trò chuyện thường xuyên, cũng như khi có vấn đề nảy sinh, hơn là mọi người hét vào mặt nhau khi sự việc bế tắc.
Bạn có thể nói với trẻ rằng: “Khi mẹ và con không đồng ý với nhau về một vấn đề gì đó, hãy ngồi xuống và cố gắng hiểu xem sự bất đồng giữa chúng ta là gì. Sau đó, hãy cùng nhau tìm ra giải pháp thích hợp, con nhé”.
Phát triển mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Để giúp cả trẻ và cha mẹ cảm thấy thoải mái và điều chỉnh tốt hơn với hoàn cảnh mới, bạn có thể tìm một số hoạt động để bạn và trẻ làm cùng với nhau, giúp thắt chặt tình cảm gia đình.
Các hoạt động đơn giản, như đi mua đồ tạp hóa, đạp xe đạp, làm bài tập về nhà, xem một video cùng nhau hoặc những hoạt động mà trẻ thích; hay các hoạt động khác, như tham gia các nghi lễ tôn giáo, đi chơi cùng đại gia đình, đó cũng là những cách giúp trẻ và bạn hiểu nhau, gần gũi nhau hơn đấy.
- 1.Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 435 – 436.
- After the Divorce: Dealing with Personal and Family Issues. Đọc thêm tại: <http://www.dummies.com/how-to/content/after-the-divorce-dealing-with-personal-and-family.html>. [Ngày 10 tháng 10 năm 2015]