Bệnh đầu nhỏ đặc trưng bởi phần đầu nhỏ bất thường do não phát triển lệch lạc hoặc ngừng phát triển. Dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ hoặc sau khi trẻ ra đời được vài năm. Dù chưa có kết luận chắc chắn, nhưng Virus Zika bị cho là có liên quan đến bệnh đầu nhỏ.
Xem thêm:
>> Triệu chứng khi nhiễm virus Zika
>> Cách phòng ngừa virut Zika gây bệnh đầu nhỏ
Bệnh do virus Zika hiện chưa có vaccin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh không lây từ người sang người nên nguy cơ bùng phát thành đại dịch rất khó xảy ra.
Tìm hiểu về virus Zika
Ca nhiễm virus Zika được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Khi nhiễm virus này, người bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Một số bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên rất hiếm trường hợp được ghi nhận. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.
Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi. Tại châu Á cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter. Trong năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virus Zika ở một số tỉnh, thành phố và Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho rằng virus Zika có thể đã lưu hành tại Thái Lan.
Tình hình tại Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên, nước ta vốn lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes (đây là muỗi truyền virus ZIKA), đồng thời hiện nay virus Zika đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên nguy cơ virus Zika có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.
Hiện nay, bệnh do virus ZIKA chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh; do đó, việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.
Ngày 29/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tiến hành họp khẩn trước tình hình virus Zika đe dọa xâm nhập vào Việt Nam.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới virus Zika song sự lây truyền virus Zika tại Thái Lan đang làm dấy lên lo ngại dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam. Điều đáng lo ngại là virus Zika lây lan qua loại muỗi vằn cùng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, sốt xuất huyết lại đang tồn tại dịch ở nước ta. Do đó, chỉ cần có mầm bệnh xâm nhập vào nước ta thì tình hình dịch bệnh sẽ lây lan và khó kiểm soát.
Triệu chứng khi mắc virus Zika không đặc trưng, rất giống với các bệnh lý khác như sốt xuất huyết (đều có biểu hiệu sốt, đau cơ, mỏi người). Vì vậy, rất khó phát hiện bệnh. Hơn nữa, cộng đồng Việt Nam hiện chưa có miễn dịch cũng như vắc xin phòng dịch đối với virus này. Trong khi đó, giai đoạn này lại đang trong dịp lễ Tết, lưu lượng người nhập cảnh, đi lại rất lớn. Trong đó có cả những người từ vùng dịch như Châu Mỹ hoặc Thái Lan.
Hiện cũng chưa có vắc xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm chữa bệnh này. Do đó thứ trưởng khuyến cáo, khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính với sốt xuất huyết thì cán bộ Y tế phải nghĩ ngay tới nhiễm virus Zika và làm ngay các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, đồng thời báo về cho Bộ y tế để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn dịch.