Chăm sóc bà bầu

Cảnh giác với 7 căn bệnh dễ lây qua đường tình dục khi mang thai

Mắc bệnh lây qua đường tình dục khi mang thai không phải là chuyện hiếm gặp, một số bệnh không gây nguy hiểm nhiều cho mẹ và bé, nhưng vài bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, mẹ cần cảnh giác hơn và gặp bác sĩ nếu nghi ngờ mình mắc bệnh.

1. HPV (Human Papillomavirus)

Nhiễm HPV sinh dục là một trong những căn bệnh lây qua đường tình dục khi mang thai phổ biến nhất hiện nay. Vì hầu hết các trường hợp nhiễm virus này không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và thường tự khỏi trong vòng 6 – 10 tháng nên đa số người nhiễm đều không biết mình đã bị nhiễm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhiễm virus HPV dẫn đến một số bệnh ở vùng hậu môn – sinh dục: một số chủng gây ra bất thường ở tế bào cổ tử cung (được phát hiện khi xét nghiệm Pap); một số chủng khác gây ra bệnh sùi mào gà ở âm đạo, âm hộ, trực tràng (xuất hiện những nốt mụn cóc mềm, có dạng đĩa bẹt, bề mặt ráp, sần sùi). Bệnh sùi mào gà thường không gây ra đau đớn và khó chịu, nhưng cũng có vài trường hợp gây bỏng rát, ngứa, thậm chí chảy máu. Thông thường, căn bệnh lây qua đường tình dục này có thể tự khỏi trong vòng một vài tháng.

mac benh lay qua duong tinh duc khi mang thai p1 hinh anh 1

Bệnh HPV có thể khỏi sau một vài tháng

Vậy nhiễm HPV sinh dục có ảnh hưởng đến việc mang thai? 
Câu trả lời hầu như là không. Trường hợp bạn cảm thấy việc mang thai có vẻ khiến cho bệnh sùi mào gà nặng hơn hoặc không tự khỏi sau một khoảng thời gian, hãy đi khám bác sĩ để có phương hướng điều trị thích hợp nhé. Khi đó, những nốt sùi có thể được loại bỏ bằng phương pháp đốt lạnh, đốt điện hoặc chiếu tia laser, tuy nhiên, tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định thực hiện khi bạn đang mang thai hay sau khi sinh xong.

Một khi bạn đang bị nhiễm HPV sinh dục, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra xem có sự hiện diện của các tế bào bất thường ở cổ tử cung không. Nếu có, thủ tục sinh thiết cổ tử cung để loại bỏ các tế bào bất thường này có thể được hoãn lại cho đến khi bạn sinh xong.

Nếu bạn dưới 26 tuổi và không mang thai, bạn có thể tiêm vắc xin ngừa HPV (gồm 3 liều). Trường hợp bạn phát hiện mang thai khi chưa hoàn tất 3 lần tiêm, những liều còn lại sẽ được hoãn đến sau sinh.

2. Bệnh Herpes

Mắc Herpes sinh dục (nhiễm trùng đường sinh dục do virus Herpes Simplex gây ra) khi đang mang thai không phải là trường hợp nguy hiểm đến mức báo động. Chỉ cần bạn được bác sĩ theo dõi cẩn thận, tỷ lệ em bé chào đời an toàn rất cao.

  • Thực tế, nếu mẹ đã từng bị nhiễm Herpes trước đó và bị tái phát trong quá trình mang thai, tỷ lệ em bé bị ảnh hưởng chỉ dưới 1%.
  • Trường hợp hiếm xảy hơn, mẹ bị nhiễm Herpes lần đầu tiên khi đang mang thai, nguy cơ bị sẩy thai hoặc sinh non sẽ tăng lên.
  • Trường hợp nguy hiểm cho em bé hơn cả là mẹ bị nhiễm Herpes khi gần đến ngày sinh (trường hợp này cực hiếm vì thai phụ đã được khám thường xuyên trong suốt thai kỳ rồi), tuy nhiên vẫn có đến 50% cơ hội bé sẽ được an toàn.

Để bảo vệ thai nhi, những mẹ nào có tiền sử mắc bệnh Herpes và bị tái phát trong quá trình mang thai thường được kê thuốc kháng virus và cho sinh mổ. Trường hợp không chắc chắn được bé có bị lây từ mẹ hay không, các bác sĩ cũng sẽ cho điều trị bé bằng thuốc kháng virus. Sau khi sinh, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để có các biện pháp phòng ngừa thích hợp, giúp bạn có thể chăm sóc và cho bé bú an toàn, không để nhiễm căn bệnh lây qua đường tình dục này cho bé.

mac benh lay qua duong tinh duc khi mang thai p1 hinh anh 2

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách chăm sóc và cho con bú an toàn

3. Bệnh lậu

Nếu mẹ bị mắc bệnh lậu khi đang mang thai, bé rất có khả năng bị viêm kết mạc, mù mắt và các nhiễm trùng nghiêm trọng khác do tiếp xúc với bộ phận sinh dục của mẹ trong quá trình sinh nở. Đây là một trong những bệnh lây qua đường tình dục rất nguy hiểm cho thai nhi. Vì lý do đó, mẹ bầu thường được kiểm tra xem có mắc bệnh này hay không ngay từ lần khám thai đầu tiên, đôi khi còn được kiểm tra lặp lại vào cuối thai kỳ.

Một khi bệnh lậu được phát hiện, mẹ sẽ được điều trị ngay lập tức với thuốc kháng sinh kết hợp nhiều phương pháp khác để đảm bảo dứt bệnh hẳn. Để phòng ngừa thêm, khi bé chào đời, bé cũng sẽ được nhỏ thuốc mỡ khác sinh vào mắt (bé nên được nhỏ ngay trong vòng 1 tiếng sau khi chào đời).

mac benh lay qua duong tinh duc khi mang thai p2 hinh anh 1

Nếu mẹ mắc bệnh lậu, ngay khi bé chào đời hãy nhỏ thuốc mỡ vào mắt bé

4. Bệnh giang mai

Thai phụ thường được kiểm tra xem có mắc bệnh giang mai hay không ngay từ lần khám thai đầu tiên, bởi tương tự như lậu, đây là một căn bệnh lây qua đường tình dục nguy hiểm, có thể khiến thai chết lưu và hàng loạt các dị tật bẩm sinh ở bé.

Mẹ bầu mắc bệnh giang mai cần được điều trị kháng sinh trước tháng thứ tư của thai kỳ bởi vì sau thời điểm này, bệnh sẽ bắt đầu vượt qua nhau thai, tấn công thai nhi. Tin đáng mừng là tình trạng lây bệnh giang mai từ mẹ sang con đang giảm xuống trong những năm gần đây.­

5. Bệnh Chlamydia

Bệnh Chlamydia (gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia Trachomatis, chủ yếu lây lan qua đường tình dục) là một trong những bệnh phổ biến lây từ mẹ sang con xảy ra tại thời điểm sinh con qua ngả âm đạo. Bệnh này có thể dẫn đến viêm mắt và viêm phổi ở trẻ sơ sinh, viêm nội mạc tử cung sau sinh ở mẹ. Hơn một nửa phụ nữ mắc bệnh Chlamydia chỉ phát hiện ra mình đã mắc bệnh khi được xét nghiệm vì trước đó không có bất kỳ triệu chứng gì.

Tốt nhất bệnh Chlamydia nên được điều trị trước khi thụ thai, tuy nhiên, trường hợp mẹ đã mang thai mới phát hiện căn bệnh lây qua đường tình dục này thì vẫn có thể được điều trị kháng sinh (thường là azithromycin) để ngăn ngừa lây bệnh cho bé. Bên cạnh đó, thuốc mỡ kháng sinh cũng được dùng cho bé ngay khi bé chào đời.

6. Bệnh Trichomoniasis

Đây là bệnh viêm âm đạo do ký sinh trùng Trichomonas gây ra, thường có những triệu chứng như dịch tiết âm đạo có bọt, màu xanh, mùi tanh khó chịu và ngứa. Tuy nhiên, có khoảng một nửa phụ nữ mắc bệnh này lại không hề có triệu chứng gì.

Căn bệnh lây qua đường tình dục này thường không gây biến chứng nặng và không ảnh hưởng đến việc mang thai, có thể được điều trị trong thai kỳ.

7. HIV

HIV lây truyền qua 3 đường: qua máu, từ mẹ sang con và qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai dù ở độ tuổi bao nhiêu, xuất thân, ngành nghề như thế nào cũng cần được xét nghiệm HIV bởi nếu bị nhiễm trong thai kỳ, nó không chỉ đe dọa sức khỏe mẹ mà còn cả bé nữa. Nếu mẹ không được điều trị HIV kịp thời, khả năng bé bị lây từ mẹ là khoảng 25%.

mac benh lay qua duong tinh duc khi mang thai p2 hinh anh 2

Nếu không điều trị kịp thời, bé có thể bị nhiễm HIV từ mẹ

Thai phụ dương tính với HIV sẽ được điều trị AZT (còn được gọi là Zidovudine – ZDV – hay Retrovir) hoặc các thuốc kháng virus khác để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con. Phương pháp này hầu như không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Bên cạnh đó, sinh mổ (trước khi tử cung co thắt và màng ối vỡ) cũng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho bé.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Heidi Murkoff & Sharon Mazel, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman, New York

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com