Khi đã trở thành học sinh tiểu học nhưng bé không muốn đi học, cha mẹ có thể trò chuyện với bé về những lý do khiến bé sợ đi học, công nhận với bé rằng bạn hiểu những mối lo ngại đó, nhưng vẫn nhấn mạnh với con rằng việc bé đi học cần phải được diễn ra lại ngay.
Khi bé không muốn đi học hoặc bé đi học mà luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi, cha mẹ có thể làm gì để giúp bé đây?
Bước đầu tiên, cha mẹ muốn quản lý việc này thì cần đưa bé đến bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe để loại trừ các bệnh về thể chất và trao đổi với cha mẹ về kế hoạch điều trị. Một khi yếu tố bệnh về thể chất được loại trừ khỏi nguyên nhân gây nên việc bé không muốn đi học, cha mẹ nên nỗ lực tập trung vào việc: không chỉ tìm hiểu những áp lực bé đang trải qua, mà còn phải giúp con quay trở lại trường học.
Một số hướng dẫn giúp bé vượt qua được vấn đề này:
- Trò chuyện với bé về những lý do tại sao bé không muốn đi học. Cân nhắc tất cả các trường hợp có thể và đưa ra ý kiến của mình. Hãy cảm thông, hỗ trợ và thấu hiểu vì sao bé lo âu. Hãy thử giải quyết các tình huống căng thẳng mà cha mẹ và bé cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến những lo âu của bé nhé.
- Công nhận với con rằng bạn hiểu những mối lo ngại của con, nhưng vẫn nhấn mạnh bé cần đi học lại ngay. Bé ở nhà càng lâu, khả năng trở lại trường học sẽ càng khó. Giải thích rằng sức khỏe của bé hoàn toàn tốt và những triệu chứng bé đang cảm thấy có thể là vì những mối lo ngại gây ra – lo ngại về điểm số, bài tập, các mối quan hệ với thầy cô, lo lắng về áp lực xã hội hoặc nỗi sợ chính đáng về vấn nạn bạo lực học đường. Hãy để bé biết rằng đi học là yêu cầu của pháp luật.
- Cứng rắn hơn vào buổi sáng các ngày đi học, khi bé than phiền nhiều nhất về các triệu chứng. Cố gắng hạn chế nói với bé về các triệu chứng cơ thể hoặc những mối lo âu. Ví dụ, đừng hỏi bé cảm thấy thế nào. Nếu bé đủ khỏe để thức dậy và lòng vòng trong nhà, có nghĩa là bé đủ sức để đi học. Một khi bé bắt đầu đi học đều đặn, những triệu chứng đó sẽ dần biến mất.
- Nếu những mối lo âu của bé quá dữ dội, nên cho bé đi học trở lại theo từng giai đoạn một. Ví dụ: Vào ngày thứ nhất, bé thức dậy vào buổi sáng và thay đồ, sau đó cha mẹ đưa bé đến trước trường để bé cảm nhận từ từ rồi cuối cùng quay trở về. Vào ngày thứ hai, bé sẽ đi học nửa ngày thôi, hoặc chỉ học những môn yêu thích. Vào ngày thứ ba, bé có thể ở lại trường học suốt ngày.
- Thảo luận tình trạng không muốn tới trường của bé với nhà trường, bao gồm giáo viên, hiệu trưởng và y tá nhà trường. Chia sẻ với họ kế hoạch của bạn để giúp bé đi học lại và kêu gọi sự trợ giúp và tư vấn từ phía nhà trường.
- Nhờ đến sự giúp đỡ từ nhân viên nhà trường khi bé đi học lại. Một người y tá ở trường có thể quan tâm giúp đỡ bé nếu bé có triệu chứng và khuyến khích bé quay trở lại lớp học.
- Nếu xảy ra vấn đề như bắt nạt hoặc bạo lực học đường hoặc giáo viên trở thành nguyên nhân làm bé lo âu, hãy bảo vệ bé và thảo luận những vấn đề đó với nhà trường. Giáo viên hoặc hiệu trưởng có lẽ cần phải có một số điều chỉnh giúp bé giảm bớt áp lực.
- Giúp bé hình thành tính tự lập bằng cách khuyến khích các hoạt động với những bé khác bên ngoài gia đình, như tham gia vào những câu lạc bộ, các hoạt động thể thao, những hoạt động ngoài trời với bạn bè.
Hy vọng với những gợi ý trên, mẹ có thể giúp bé giảm bớt lo lắng và quay trở lại trường học trong một tâm trạng thoải mái, vui vẻ hơn, mẹ nhé.
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for Your School-Age Child – Ages 5 to 12. Bantam Books. Trang 279 – 282.
- School refusal: children 5-8 years. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/school_refusal.html>. [Ngày 14 tháng 9 năm 2015].
- School Refusal.Đọc thêm tại: <http://www.adaa.org/living-with-anxiety/children/school-refusal>. [Ngày 18 tháng 9 năm 2015].
- School Refusal. Đọc thêm tại: <http://www.emedicinehealth.com/school_refusal/page2_em.htm#school_refusal_causes>. [Ngày 18 tháng 9 năm 2015].