Cha mẹ nên làm gì khi con bị bạn bè bắt nạt mỗi khi ra ngoài? Những lúc thế này, bạn hãy tìm cách giữ an toàn cho trẻ, nên ở bên cạnh, trao gửi yêu thương, và cùng con vượt qua khó khăn này bạn nhé!
Thời gian gần đây, mỗi sáng chuẩn bị đến trường Chích Chòe đều có vẻ bần thần và khá lo lắng. Chị Tâm gặng hỏi nhiều lần nhưng Chích Chòe chỉ ậm ờ, không chịu nói ra nguyên nhân.
Hôm ấy, sau khi chở Chích Chòe đến trường, chị Tâm không đến công ty ngay như thường lệ mà gửi xe và đi thẳng vào trường. Chị định đến gặp cô chủ nhiệm của Chích Chòe để hỏi thăm xem dạo này con có gặp chuyện gì trên lớp không. Khi vừa bước vào cổng trường và gần đến lớp của con, chị Tâm rất bất ngờ khi thấy Chích Chòe đang bị 2-3 bạn gái khác vây lại, mặt cô bé khá sợ hãi và e ngại. Sau khi Chích Chòe lấy ra mấy cái bánh và hộp sữa từ cặp sách đưa cho các bạn, mấy cô bé kia mới bỏ đi. Lúc ấy Chích Chòe mới thở phào và quay lưng đi vào lớp. Còn chị Tâm im lặng đứng yên tại chỗ khi thấy con bị bạn bè bắt nạt như vậy, và chị đã hiểu vì sao dạo này tâm trạng con lại có sự thay đổi như vậy, hóa ra vì con đang bị bạn bè bắt nạt. Tuy nhiên, chị Tâm cũng khá bối rối vì không biết mình nên làm gì để giúp con đối phó tốt nhất với tình huống này!
Cha mẹ nên gì khi con bị bạn bè bắt nạt
Dù cha mẹ bảo bọc con cái nhiều đến mức nào thì con cũng có thể trở thành mục tiêu cho những kẻ bắt nạt ngay tại sân trường hay công viên chơi. Những kẻ bắt nạt không chỉ làm trẻ lo sợ, mất tự tin, phá hỏng trò chơi, mà chúng còn có thể gây ra thương tích cho con bạn nữa.
Vậy nên cha mẹ hãy luôn bên cạnh và thủ sẵn cho mình chiến lược bảo vệ mỗi khi con bị bạn bè bắt nạt. Tham khảo một số gợi ý bên dưới để giúp con vượt qua nỗi sợ hại, lo lắng này mẹ nhé!
Khi con bị bạn bè bắt nạt, tâm lý của con sẽ bị ảnh hưởng
Điều đầu tiên mẹ cần hiểu là khi con bị bạn bè bắt nạt, con bạn có thể nghĩ đó là lỗi của mình và tự trách bản thân rằng nếu trẻ xem xét hoặc hành động khác đi thì có lẽ đã không bị bắt nạt. Đôi khi, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi nếu kẻ bắt nạt phát hiện trẻ đã nói cho cha mẹ biết, và “kẻ mách lẻo” có thể phải chịu hậu quả tồi tệ hơn. Nhiều trẻ lại lo lắng cha mẹ không tin chúng hoặc có khả năng làm “rùm beng” khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hoặc rối tung lên.
Ngoài ra, cũng có trường hợp trẻ lo lắng và sợ cha mẹ thúc giục mình đánh lại kẻ bắt nạt trong khi bản thân đang vô cùng sợ hãi. Thậm chí, nhiều trẻ sợ hãi tới mức lấy lý do không muốn đi học để né tránh kẻ bắt nạt .Vì vậy, mẹ nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu hơn những suy nghĩ của trẻ, đặc biệt, cha mẹ cần để ý nếu thấy con xin tiền nhiều hơn bình thường nhé, vì có thể trẻ đang bị ép buộc phải đưa tiền cho kẻ bắt nạt đấy.
Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi
Nếu nghi ngờ hoặc biết chắc chắn con mình đang bị người khác bắt nạt, cha mẹ cần làm nhiều điều để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho trẻ. Những lúc như thế này, việc lắng nghe, khen ngợi và dạy trẻ cách để tránh bị người khác bắt nạt là rất cần thiết. Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ xây dựng tình bạn, khôi phục niềm tin và can thiệp khi cần thiết nhằm giúp trẻ đối phó với những khó khăn.
Luôn lắng nghe: Nếu con nói với cha mẹ rằng con bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ cần bình tĩnh lắng nghe, an ủi và hỗ trợ con vì lúc này con rất cần một điểm tựa đấy mẹ ạ. Cha mẹ nên hiểu rằng trẻ thường có tâm lý chung là không muốn nói với người lớn về kẻ bắt nạt, vì trẻ cảm thấy bối rối và xấu hổ về chuyện đang diễn ra, hoặc lo lắng rằng cha mẹ sẽ thất vọng, buồn bã, giận dữ, hoặc phản ứng lại khi biết được việc này.
Khen ngợi con: Khi con kể cho mẹ nghe về việc mình đang bị bắt nạt, mẹ hãy khen ngợi vì con đã làm điều đúng đắn, đồng thời nói cho con hiểu rằng có nhiều bạn nhỏ khác cũng đang bị bạn bè bắt nạt như con. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên nhấn mạnh để con hiểu những việc làm của kẻ bắt nạt là hành vi xấu xa, đáng lên án và trấn an con rằng cha mẹ sẽ tìm ra cách để giải quyết vấn đề này cùng con.
Dạy con cách phản ứng khi con bị bạn bè bắt nạt: Cha mẹ có thể hướng dẫn cho con đối phó khi bị bạn bè bắt nạt theo hai cách sau:
- Cách thứ nhất: Trẻ không được phản ứng lại những kẻ bắt nạt và nên đáp ứng các yêu cầu của chúng, vì kẻ bắt nạt rất hứng thú khi đe dọa người khác và thích thú khi thấy “con mồi” của mình khóc lóc hay đau khổ. Những kẻ bắt nạt sẽ xem xét phản ứng của “con mồi” để tăng cường thêm các hành vi bắt nạt nhằm thỏa mãn sự thích thú của bản thân. Vì vậy trẻ hãy cố gắng giữ bình tĩnh và sau khithoát khỏi kẻ bắt nạt thì hãy đi bộ để thư giãn
- Cách thứ hai: Cha mẹ có thể cùng con nhập vai vào một tình huống con bị bạn bè bắt nạt và đưa ra những cách xử lý thích hợp. Điều này sẽ rất hữu ích khi con gặp phải trường hợp bị bắt nạt tương tự, con sẽ không bối rối và có cách phản ứng quyết đoán hơn. Chẳng hạn như, trẻ sẽ đứng trước mặt, nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt, và dõng dạc nói: “Đừng làm chuyện đó. Tớ muốn nói chuyện với cậu thay vì chúng ta phải đánh nhau.” Đôi khi một lời tuyên bố mạnh mẽ sẽ giúp xoa dịu tình hình và những kẻ bắt nạt sẽ cố gắng tìm người khác yếu ớt hơn để thế chỗ cho những “con mồi” mạnh mẽ biết phản kháng đấy.
Khuyến khích con xây dựng tình bạn: Cha mẹ hãy khuyến khích con lựa chọn và xây dựng những tình bạn bền vững. Nếu con bạn có những người bạn thân đi cùng sẽ ít có khả năng con bị bắt nạt. Ngoài ra, trong trường hợp con đang là mục tiêu của kẻ bắt nạt, cha mẹ có thể khuyên con sử dụng nhà vệ sinh khác nếu để ý thấy kẻ bắt nạt gần đó và dù đi bất cứ nơi nào trẻ cũng nên có ít nhất một người bạn “đồng minh” đi cùng.
Khôi phục niềm tin cho con: Con bạn có thể sẽ bị giảm niềm tin, lo lắng và sợ hãi khi phải đối phó với các tình huống bị bắt nạt. Nhằm giúp trẻ khôi phục lại niềm tin, cha mẹ hãy khuyến khích con dành nhiều thời gian cùng những người bạn có ảnh hưởng tích cực, tham gia vào các câu lạc bộ, chơi thể thao hoặc những hoạt động thú vị khác để trẻ có thể xây dựng tình bạn bền vững.
Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích con kể cho mình biết về những chuyện tốt hoặc xấu xảy ra trong ngày, đồng thời thể hiện sự tin tưởng và sẵn sàng cùng con giải quyết bất kỳ khó khăn nào mà trẻ có thể gặp phải.
Can thiệp khi cần thiết: Trong những trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể trình bày với giáo viên chủ nhiệm hoặc hiệu trưởng trường nếu biết con bị bạn bè bắt nạt. Qua đó, những người có trách nhiệm sẽ nói chuyện với những kẻ bắt nạt khi họ nhìn thấy những hành vi không phù hợp diễn ra trên sân trường. Đây thường là phương pháp giải quyết hiệu quả hơn so với việc cha mẹ nói chuyện với kẻ bắt nạt hoặc cha mẹ của họ.
Hãy luôn bên cạnh, cảm thông và san sẻ
Dù cha mẹ bảo bọc con cái nhiều đến mức nào thì con cũng có thể trở thành mục tiêu cho những kẻ bắt nạt ngay tại sân trường hay công viên chơi. Những kẻ bắt nạt không chỉ làm trẻ lo sợ, mất tự tin, phá hỏng trò chơi, mà chúng còn có thể gây ra thương tích cho con bạn nữa. Những lúc thế này bạn chỉ nên bên cạnh, trao gửi yêu thương, và cùng con vượt qua khó khăn này bạn nhé!
- Edward L. Schor, MD, FAAP, 2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA
- Helping kids deal with bullies. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/behavior/bullies.html#>. [Ngày 31 tháng 12 năm 2014].