Đi học là việc bình thường mỗi ngày của các bạn học sinh. Thế nhưng đã bao giờ bé yêu của mẹ than đau đầu hay mệt mỏi để viện cớ không phải đến trường hay chưa? Vậy khi đó, cha mẹ nên làm gì khi trẻ không chịu đi học?
Viện đủ lý do để không phải đi học
Mấy ngày gần đây không hiểu sao cứ gần đến giờ đi học là cu Bin lại kêu đau bụng, đau đầu, mệt mỏi,… và năn nỉ mẹ cho mình nghỉ một buổi. Hôm đầu tiên, chị Hồng tưởng thật nên vội vàng gọi điện cho cô giáo của cu Bin để xin cho con nghỉ học. Nhưng cả ngày ở nhà, chị thấy cu Bin vẫn bình thường, chơi và ăn uống rất ngoan ngoãn, chẳng có vẻ ốm đau bệnh tật gì cả.
Sang đến ngày hôm sau, rồi tiếp tục hôm sau nữa , sau khi cu Bin vẫn ra rả điệp khúc “con đau đầu, mệt mỏi lắm, mẹ cho con nghỉ 1 buổi nữa đi”, thì chị Hồng quyết định phải “nói chuyện” đàng hoàng với cậu con trai của mình, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vì sao cu cậu lại viện cớ để không phải đi học như vậy!
Sau đó, chị mới biết được rằng, hóa ra dạo gần đây cu Bin thường bị một nhóm bạn học hù dọa, bắt nạt, lâu lâu lại phải nộp tiền hoặc đồ ăn vặt “bảo kê”, do đó con rất sợ và không muốn đến trường. Hiểu rõ nguyên nhân, chị Hồng bắt đầu suy nghĩ và tìm cách để giúp con đối phó hiệu quả với tình huống này.
Hãy tìm hiểu nguyên nhân khi con không chịu đi học
Vì sao trẻ không chịu đi học?
Có nhiều nguyên nhân khiến con không chịu đi học, nhưng đa số thường rơi vào các trường hợp dưới đây:
- Trẻ bị bắt nạt hoặc gặp khó khăn trong việc kết bạn.
- Cảm thấy khó khăn trong học tập.
- Trẻ gặp vấn đề với người phụ trách và khó lòng tuân theo những nguyên tắc.
- Trẻ đang gặp một số lo lắng như sự chia ly, bài kiểm tra hoặc những chuyện xảy ra ở nhà…
Cha mẹ phải làm gì khi trẻ không chịu đi học?
Trước tiên, cha mẹ hãy hỏi trẻ lý do tại sao lại không muốn đi học.
Đây là lúc cha mẹ nên dành cho trẻ nhiều sự quan tâm hơn bởi có thể trẻ đang bị tổn thương. Hãy cho trẻ hiểu rằng cha mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để giúp trẻ vượt qua nỗi đau này nhé. Cha mẹ cũng có thể dành một chút thời gian để nói chuyện với con về trường học.
Để tìm hiểu thêm về những điều trẻ thích hay không thích về trường học, việc đưa ra cho con những câu hỏi mở là việc làm rất có ích đấy mẹ ạ. Và khi trẻ trả lời những câu hỏi này, cha mẹ hãy lắng nghe một cách tích cực nhé, vì đây là lúc trẻ nói lên quan điểm của bản thân mình đấy.
Lắng nghe khi con nói với bạn lý do con không muốn đi học
Nếu trẻ nói rằng ghét đi học vì mỗi lần đến trường thường bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ hãy tìm hiểu xem trẻ có thật sự bị bắt nạt hay đó chỉ là những tranh cãi nhỏ nhặt bình thường nhé, vì những cuộc xung đột giữa trẻ con là điều không thể tránh khỏi, và những xung đột này đôi khi không cần sự can thiệp của người lớn đâu.
Giải quyết nguyên nhân
Trong trường hợp nhận thấy con bị bắt nạt hoặc bị gây rối ở trường, cha mẹ hãy nhờ những người có trách nhiệm giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt nhé, vì tất cả học sinh đều xứng đáng được học tập trong một môi trường không có bạo lực.
Bước tiếp theo, cha mẹ hãy liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, người phụ trách đoàn đội hoặc nhân viên y tế của trường và nói cho họ hiểu vấn đề mà con mình đang gặp phải.
Trường hợp trẻ không muốn đến trường và cha mẹ quyết định cho phép trẻ nghỉ học một vài ngày thì không nên cho trẻ bất kì sự đối đãi đặc biệt nào. Cha mẹ nên tuyệt đối tránh việc biến những ngày nghỉ học này thành kỳ nghỉ của trẻ nhé. Trẻ chỉ được phép có bạn bè tới thăm nếu như trẻ bị bệnh và phải dành thời gian để làm bài tập ở nhà mà mình chưa hoàn thành.
Sau khi đã tìm mọi cách nhằm giúp trẻ cảm thấy khá hơn, cha mẹ hãy nhắc nhở trẻ quay trở lại trường học. Trẻ cần biết rằng mỗi người trong gia đình đều có công việc để làm và công việc của trẻ là đi học.
Đôi khi có thể cha mẹ sẽ nhận được lời năn nỉ của trẻ như: “Con chưa sẵn sàng để đến trường, mẹ hãy cho con ở nhà chỉ thêm một ngày hôm nay nữa thôi được không mẹ?”, có thể mẹ sẽ rất mềm lòng khi thấy con năn nỉ đáng thương như vậy, nhưng mẹ hãy cứng rắn lên nhé, vì thông thường trẻ sẽ mè nheo cho tới tận khi bước ra khỏi cửa đấy. Tuy nhiên, nếu mẹ vẫn cương quyết không đồng ý thì khi đến trường trẻ sẽ bình tĩnh trở lại thôi.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ không chịu đi học?
Trong trường hợp đặc biệt, nếu trẻ vẫn còn cảm giác ám ảnh nặng khi đến trường thì cha mẹ có thể cho phép trẻ làm những việc sau:
- Ngày 1: Cho trẻ học từ 1-2 môn học yêu thích sau đó về nhà
- Ngày 2: Cho trẻ học nửa buổi
- Ngày 3: Trẻ học nguyên ngày.
Tìm kiếm sự giúp đỡ khi con đi học trở lại
Nếu trẻ đi học trở lại và cảm thấy quá áp lực, cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ vào phòng y tế để tạm thời “ẩn náu”. Các nhân viên tại đây có thể giúp trẻ lấy lại bình tĩnh và khuyến khích trẻ trở lại lớp học.
Nhiều trẻ ghét đi học và thường trốn học vì trẻ có ít (hoặc không có) bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Trẻ nghĩ rằng không ai quan tâm đến mình, như kiểu bản thân mình không tồn tại. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể trao đổi với giáo viên để xem các mối quan hệ của trẻ với các bạn khác ở trường như thế nào.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên xem xét đăng kí một số câu lạc bộ hoặc một môn thể thao nào đó ở trường để giúp trẻ có cảm giác được kết nối hơn với các bạn nhé.
Nếu sau 5 ngày mà trẻ vẫn còn cảm thấy lo lắng và không muốn đến trường thì đây là lúc cha mẹ nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra xem trẻ có mắc chứng bệnh nào hay không. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên gia sức khỏe về tâm thần để được tư vấn thêm.
- What to do when your child says, “ I hate school”. Đọc thêm tại: <http://www.parentfurther.com/blog/dealing-with-kids-who-hate-school>. [Ngày 12 tháng 03 năm 2015]
- “ I hate school!” what can I do when my child refuses to go to school. Đọc thêm tại: <http://www.empoweringparents.com/what-can-i-do-when-my-child-refuses-to-go-to-school.php>. [Ngày 12 tháng 03 năm 2015].
- The problem: Your teenager doesn’t want to go to school. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA