Nếu như ngày trước, bố mẹ chỉ nhận được câu trả lời “bé con có khỏe mạnh không?” tại thời điểm bé sinh ra thì giờ đây câu trả lời có thể được đưa ra chỉ ở 3 tháng đầu của thai kỳ bằng phương pháp xét nghiệm sàng lọc trước sinh và chẩn đoán tiền sản.
Hấu hết các mẹ (dù có nguy cơ dị tật thai nhi cao hay thấp) đều được tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong suốt 40 tuần thai kỳ. Lý do là vì những xét nghiệm sàng lọc này (từ sàng lọc kết hợp và tích hợp cho đến siêu âm và sàng lọc Quad) không những không gây hại gì cho mẹ và bé mà còn có thể giúp bố mẹ yên tâm hơn về tình trạng hiện tại của con mình nữa.
Tuy nhiên, các xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn như sinh thiết gai nhau (CVS), chọc ối hoặc siêu âm chi tiết hơn thì thông thường chỉ thực hiện cho các mẹ thuộc các trường hợp bên dưới:
Chẩn đoán tiền sản – Vì những đứa con khỏe mạnh
- Mẹ quá 35 tuổi (nếu mẹ yên tâm với kết quả sàng lọc, có thể bỏ qua các xét nghiệm chẩn đoán sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ).
- Mẹ từng tiếp xúc với chất có thể gây hại đến sự phát triển của bé từ khi thụ thai (tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ liệu chẩn đoán tiền sản có cần thiết hay không).
- Mẹ hoặc gia đình họ hàng của mẹ có mang bệnh di truyền.
- Mẹ bị nhiễm khuẩn (như rubella hoặc toxoplasma) có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Mẹ từng bị sẩy thai trước đó hoặc từng có con bị dị tật bẩm sinh.
- Mẹ có kết quả xét nghiệm sàng lọc tiền sản dương tính.
Hầu hết bố mẹ muốn thực hiện chẩn đoán tiền sản vì muốn yên tâm hơn về tình trạng sức khỏe của thai nhi. Thực tế, rất nhiều bà mẹ được cho rằng có nguy cơ cao và được tiến hành chẩn đoán tiền sản, thế rồi em bé họ sinh ra đều khỏe mạnh cả. Vì vậy, bố mẹ đừng quá lo lắng, hãy cứ yên tâm mà tận hưởng 9 tháng 10 ngày thật thoải mái nhé!
- Heidi Murkoff Sharon Mazel, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman, New York (p.58 – 59)
- Prenatal Testing: Ultrasounds, Blood Tests, and Your Baby, tham khảo tại: http://www.webmd.com/baby/guide/your-guide-prenatal-testing