Mekhonghoanhao chia sẻ cách chẩn đoán, điều trị bệnh bạch tạng ở trẻ em, và một số phương pháp điều trị bệnh bạch tạng tại nhà, các mẹ có thể tham khảo để giúp bé học cách tự chăm sóc cho mình đến tuổi trưởng thành
Việc chẩn đoán bệnh bạch tạng bao gồm nhiều bước như:
- Khám sức khỏe
- Mô tả các thay đổi sắc tố
- Khám mắt kỹ
- So sánh tình trạng sắc tố của bé với các thành viên khác trong gia đình
Vì bệnh bạch tạng có nhiều ảnh hưởng tới mắt, nên bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành kiểm tra mắt cho bé. Các thăm khám bao gồm đánh giá tình trạng rung giật nhãn cầu, lác và nhạy cảm ánh sáng. Các bác sĩ cũng sẽ sử dụng một thiết bị để quan sát võng mạc và xác định có sự phát triển bất thường hay không. Một xét nghiệm đơn giản dùng để đo sóng não xuất hiện khi ánh sáng chiếu vào từng mắt, cho thấy có sự sai lệch trong đường dẫn truyền thần kinh thị giác.
Nếu bé chỉ bị rối loạn ở 1 bên mắt, chẳng hạn như rung giật nhãn cầu, có thể do những nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, các rối loạn khác không phải bệnh bạch tạng cũng có thể làm ảnh hưởng đến sắc tố da, nhưng chúng không gây ra tất cả những rối loạn thị giác liên quan đến bệnh bạch tạng.
Điều trị bệnh bạch tạng
Vì bệnh bạch tạng là một bệnh di truyền nên việc điều trị gặp khá nhiều khó khăn. Mẹ cần chăm sóc thị lực đúng cách cũng như theo dõi tình trạng da của bé để nhận ra các dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe bé.
- Bé có thể cần phải đeo kính điều chỉnh thị lực và kiểm tra mắt hàng năm. Phẫu thuật mắt hiếm khi được tiến hành để điều trị bệnh bạch tạng. Tuy nhiên, bác sĩ nhãn khoa có thể đề nghị phẫu thuật cơ vận nhãn (cơ điều khiển vận động của mắt) để giảm thiểu rung giật nhãn cầu. Phẫu thuật điều trị lác có thể giúp tình trạng lác đỡ bị chú ý hơn, nhưng phẫu thuật này không giúp cải thiện thị lực cho bé.
- Bác sĩ sẽ đánh giá da bé hàng năm để tầm soát ung thư da hoặc các tổn thương có thể dẫn đến ung thư.
Những bé mắc hội chứng Hermansky-Pudlak và Chediak-Higashi đòi hỏi chăm sóc đặc biệt thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng.
Một số phương pháp điều trị bệnh bạch tạng tại nhà
Dù bị bệnh bệnh bạch tạng và gặp nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng mẹ có thể giúp bé học cách tự chăm sóc đến tuổi trưởng thành bằng nhiều phương pháp như:
- Sử dụng phương tiện giúp nhìn gần, chẳng hạn như kính lúp cầm tay, kính phóng đại gắn vào kính mắt của bé
- Thoa kem chống nắng với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 để bảo vệ chống lại cả hai tia UVA và UVB
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời có nguy cơ cao, chẳng hạn như ở ngoài trời vào giữa trưa, ở nơi cao và vào những ngày nắng ít mây
- Mặc quần áo che chắn, bao gồm áo sơ mi dài tay, quần dài và nón rộng vành
- Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính mát chống tia UV hoặc kính đổi màu khi ra nắng.
Xem thêm:
>> Bệnh bạch tạng ở trẻ em – Nguyên nhân do đâu?
>> Bệnh bạch tạng ở trẻ em – Triệu chứng ra sao?
- Albinism. Đọc thêm tại: <http://www.aapos.org/terms/conditions/1>. [Ngày 13 tháng 7 năm 2015].
- Albinism. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/albinism/basics/definition/con-20029935>. [Ngày 13 tháng 7 năm 2015].
- Albinism. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/kid/health_problems/birth_defect/albinism.html#>. [Ngày 13 tháng 7 năm 2015].