Chẩn đoán tâm thần phân liệt dựa trên một đánh giá đầy đủ về tâm thần, tiền sử bệnh lý, kiểm tra sức khỏe và các xét nghiệm để đưa ra kết luận cuối cùng trẻ có có bị tâm thần phân liệt không. Điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em là một quá trình dài và cần điều trị suốt đời.
Chẩn đoán tâm thần phân liệt ở trẻ thế nào?
Quá trình chẩn đoán thường bao gồm:
- Đánh giá tâm lý, tâm thần: Các đánh giá này gồm có việc quan sát dáng vẻ, thái độ của trẻ; các câu hỏi về mô hình suy nghĩ, cảm xúc và hành vi; nói chuyện với trẻ về những ý nghĩ tự gây tổn hại hoặc làm tổn hại người khác; đánh giá khả năng suy nghĩ và hoạt động chức năng tùy theo độ tuổi; đánh giá tâm trạng, cùng những triệu chứng loạn thần có thể có. Ngoài ra, bác sĩ còn hỏi về tiền sử tâm thần của trẻ và tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần của gia đình.
- Tiền sử bệnh lý và kiểm tra sức khỏe: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý của trẻ và gia đình trẻ. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe toàn diện cũng sẽ được thực hiện để kiểm tra xem có bất kì vấn đề y khoa nào góp phần gây nên rối loạn này không.
- Các kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc: Trong khi không có một xét nghiệm nào có thể chẩn đoán tâm thần phân liệt, xét nghiệm máu và nước tiểu có thể loại trừ các nguyên nhân y khoa khác của triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm các kiểm tra để nghiên cứu hình ảnh não, như là chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) phần đầu của trẻ để tìm kiếm những bất thường trong cấu trúc não bộ, hoặc đo điện não đồ (EEG) để xác định những bất thường về chức năng hoạt động của não (ví dụ như động kinh).
Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt
Tiêu chuẩn để chẩn đoán tâm thần phân liệt gồm:
- Sự hiện diện của 2 hay nhiều triệu chứng sau trong ít nhất 30 ngày:
- Ảo giác
- Hoang tưởng
- Lời nói thiếu tổ chức
- Hành vi thiếu tổ chức
- Các triệu chứng âm tính: cảm xúc phẳng lặng, sự thờ ơ, ít nói.
- Rối loạn chức năng: tại trường học, tương tác với người khác và chăm sóc bản thân.
- Các dấu hiệu tiếp diễn của tâm thần phân liệt tồn tại ít nhất 6 tháng, với các triệu chứng hoạt động (ảo giác, hoang tưởng…) ít nhất 1 tháng.
- Không có rối loạn sức khỏe tâm thần, vấn đề bệnh lý hoặc vấn đề lạm dụng chất nào khác là nguyên nhân của các triệu chứng.
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em và thanh thiếu niên
Nhóm điều trị
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em thường được hướng dẫn bởi một bác sĩ tâm thần nhi. Nhưng sẽ tốt hơn nếu có một đội ngũ chăm sóc gồm: Bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình; bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia trị liệu khác; y tá chăm sóc bệnh nhân tâm thần; nhân viên xã hội; dược sĩ và các thành viên trong gia đình.
Nằm viện điều trị
Trong các thời kì khủng hoảng hoặc giai đoạn có triệu chứng nghiêm trọng, việc điều trị nội trú tại bệnh viện là rất cần thiết. Hướng trị liệu này giúp đảm bảo sự an toàn của con bạn, và chắc chắn được rằng con bạn nhận được chế độ dinh dưỡng, chất lượng giấc ngủ và điều kiện vệ sinh phù hợp. Đôi khi, môi trường bệnh viện lại là an toàn nhất, là sự lựa chọn tốt nhất giúp kiểm soát được các triệu chứng nhanh chóng. Bạn có thể lựa chọn cho trẻ được điều trị bán trú hoặc nội trú, nhưng những triệu chứng nghiêm trọng thường đã được điều trị ổn định trong bệnh viện trước khi chuyển sang các cấp độ chăm sóc này.
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc chống loạn thần là trọng tâm trong điều trị tâm thần phân liệt ở trẻ em. Hầu hết các loại thuốc được dùng ở trẻ đều giống với thuốc dành cho rối loạn này ở người lớn. Các thuốc chống loạn thần thường đem lại hiệu quả trong việc quản lý các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, thiếu động lực và thiếu cảm xúc.
Sau khi dùng thuốc, có thể sẽ phải mất nhiều tuần mới nhận thấy được sự cải thiện ở các triệu chứng. Nói chung, mục đích của việc điều trị với thuốc chống loạn thần là để kiểm soát hiệu quả những dấu hiệu và triệu chứng với liều lượng thấp nhất có thể. Ngoài ra, một số loại thuốc khác như chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu cũng đem lại sự hỗ trợ cần thiết.
Tất cả các loại thuốc chống loạn thần đều có tác dụng phụ và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ có thể có của thuốc và cách kiểm soát chúng. Hãy cảnh giác với những vấn đề ở con bạn và báo ngay với bác sĩ về những ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc càng sớm càng tốt. Khi đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc. Ngoài ra, các thuốc chống loạn thần có thể phản ứng với các chất khác gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nói với bác sĩ về tất cả những loại thuốc và sản phẩm không kê toa mà con bạn đang sử dụng, như vitamin, khoáng chất và các loại thảo dược bổ sung.
Tâm lý trị liệu
Ngoài thuốc, tâm lý trị liệu cũng rất quan trọng, liệu pháp này bao gồm:
- Trị liệu cá nhân: Trị liệu tâm lý với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần có tay nghề có thể giúp con bạn học được những cách thức đối phó với tình trạng căng thẳng và những thách thức hàng ngày trong cuộc sống được gây nên bởi tâm thần phân liệt. Liệu pháp này có thể giúp làm giảm các triệu chứng và giúp trẻ kết bạn, đạt được thành công ở trường học. Có rất nhiều loại liệu pháp tâm lý cá nhân, như liệu pháp nhận thức – hành vi.
- Trị liệu gia đình: Liệu pháp này đem lại sự hỗ trợ và giáo dục cho cả gia đình và con bạn. Những thành viên nào quan tâm và tham gia vào chương trình trị liệu có thể trở thành nguồn hỗ trợ cực kì to lớn cho trẻ. Trị liệu gia đình giúp cải thiện giao tiếp trong gia đình, giải tỏa các xung đột và đối phó với những căng thẳng có liên quan đến rối loạn của trẻ.
Chương trình huấn luyện các kỹ năng học tập và xã hội cho trẻ
Chương trình này là một phần quan trọng trong kế hoạch trị liệu cho tâm thần phân liệt ở trẻ. Những trẻ có rối loạn này thường gặp khó khăn trong các mối quan hệ và có những vấn đề ở trường học. Bên cạnh đó, trẻ cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ thường ngày như tắm rửa, mặc quần áo. Các kế hoạch trị liệu bao gồm việc xây dựng kỹ năng trong những lĩnh vực hoạt động phù hợp với lứa tuổi của trẻ khi có thể.
- Childhood Schizophrenia. Đọc thêm tại:
- http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/childhood-schizophrenia/basics/definition/con-20029260>. [Ngày 14 tháng 9 năm 2015].
- Schizophrenia – Topic Overview. Đọc thêm tại:
- http://www.webmd.com/schizophrenia/tc/topic-overview-schizophrenia>. [Ngày 15 tháng 9 năm 2015].
- Schizophrenia. Đọc thêm tại:<http://www.helpguide.org/articles/schizophrenia/schizophrenia-signs-types-and-causes.htm>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].
- Schizophrenia.Đọc thêm tại:<http://www.nhs.uk/conditions/Schizophrenia/Pages/Introduction.aspx>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].
- What Is Schizophrenia?. Đọc thêm tại: <http://www.everydayhealth.com/schizophrenia/>. [Ngày 28 tháng 9 năm 2015].