Việc chẩn đoán và điều trị sớm chứng khó đọc bằng cách dạy bé học thông qua nhiều giác quan cùng một lúc và sự giúp đỡ từ nhà tâm lý học là chìa khóa để giúp bé hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong học tập và trong cuộc sống.
Chẩn đoán chứng khó đọc ở trẻ em bằng cách nào?
Nếu mẹ nhận thấy bé có những biểu hiện của chứng khó đọc ở trẻ em, mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ. Quy trình chẩn đoán có thể gồm các bước sau:
- Kiểm tra y tế: Bác sĩ có thể kiểm tra thị lực và thính lực của bé để xem xét những vấn đề này có làm ảnh hưởng đến khả năng đọc của bé hay không. Bác sĩ cũng sẽ hỏi mẹ về sự phát triển của bé, về việc các thành viên khác trong gia đình có các vấn đề về đọc hoặc các vấn đề học tập khác không.
- Kiểm tra với các chuyên gia: Bé có thể được kiểm tra bởi một nhà tâm lý học hoặc một chuyên gia khác có chuyên môn về các vấn đề học tập. Những nhà chuyên môn này sẽ tập trung kiểm tra vào vấn đề mà bé đang gặp khó khăn. Bé có thể được yêu cầu đọc từ và gieo vần, đánh vần, viết và những thứ khác. Kiểm tra tâm lý cũng có thể xác định xem bé có mắc các rối loạn như tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề khác tác động đến việc học tập của bé.
Điều trị chứng khó đọc ở trẻ em
Chứng khó đọc là một rối loạn kéo dài suốt đời nhưng với sự giúp đỡ thích hợp, một số bé sẽ có thể đọc và viết tốt. Việc phát hiện và điều trị sớm là chìa khóa để giúp những bé bị chứng khó đọc hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong học tập và trong cuộc sống. Việc điều trị là sự phối hợp từ nhiều nguồn khác nhau, từ các chuyên gia, từ trường học và từ gia đình của bé.
- Sự hỗ trợ từ các chuyên gia
Hầu hết các bé có chứng khó đọc cần sự giúp đỡ từ giáo viên, gia sư hoặc nhà trị liệu có tay nghề trong việc sử dụng phương pháp đa giác quan, cấu trúc ngôn ngữ. Điều quan trọng là bé cần được dạy bằng một phương pháp có hệ thống và rõ ràng, có liên quan đến nhiều giác quan (nghe, nhìn, chạm) cùng một lúc. Một số bé có chứng khó đọc cần một gia sư riêng để giúp bé tiến bộ hơn. Ngoài ra, bé cần có nhiều bài tập thực hành rõ ràng và luyện tập ngay tức thì cho bé phản hồi để chỉnh sửa. Những bài tập này giúp bé phát triển kỹ năng nhận diện từ tự động.
- Sự hỗ trợ từ trường học
Trường học có thể điều chỉnh/ chỉnh sửa phương pháp sư phạm cho phù hợp để giúp các trẻ bị chứng khó đọc. Ví dụ, có thể cho bé thêm thời gian để hoàn thành bài tập, giúp đỡ bằng việc ghi chép và làm những bài tập đã được sửa .Giáo viên có thể cho các bài kiểm tra ghi âm hoặc cho phép bé sử dụng cách thức đánh giá khác. Bé có thể có được nhiều lợi ích từ việc nghe sách ghi âm và sử dụng các chương trình đọc văn bản hoặc xử lý từ của máy vi tính.
Trường học có thể điều chỉnh phương pháp sư phạm cho phù hợp với trẻ có chứng khó đọc
Nếu bé đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ những nhà trị liệu và sự phối hợp chặt chẽ với các giáo viên thì hiệu quả điều trị có thể sẽ càng được nâng cao.
- Sự hỗ trợ từ nhà tâm lý học
Các bé có chứng khó đọc cũng cần sự giúp đỡ về các vấn đề tâm lý, tình cảm khi gặp những khó khăn ở trường học, cũng như ở gia đình.
- Sự hỗ trợ từ gia đình
Sự hỗ trợ thêm từ gia đình rất quan trọng. Đừng hoang mang nếu kế hoạch đầu tiên mẹ thử không hiệu quả như mong đợi. Mẹ có thể phải thử nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra điều gì là tốt nhất cho bé. Mẹ xem thêm bài Khi con có chứng khó đọc, cha mẹ nên làm gì?
- What are reading disorders?. Đọc thêm tại: <https://www.nichd.nih.gov/health/topics/reading/conditioninfo/Pages/disorders.asp>. [Ngày 6 tháng 6 năm 2015].
- Understanding Dyslexia. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/learning/dyslexia.html#>. [Ngày 6 tháng 6 năm 2015].
- Understanding Dyslexia. Đọc thêm tại: <http://www.understood.org/en/learning-attention-issues/child-learning-disabilities/dyslexia/understanding-dyslexia>. [Ngày 12 tháng 6 năm 2015].
- Dyslexia Basics. Đọc thêm tại: <http://eida.org/dyslexia-basics/>. [Ngày 13 tháng 6 năm 2015].