Cách điều trị nhược thị cho bé hữu hiệu nhất là cho bé sử dụng con mắt “lười biếng”, điều này có thể được thực hiện thông qua việc dùng băng bịt mắt, kính, thuốc nhỏ mắt hoặc phẫu thuật.
Chẩn đoán nhược thị ở trẻ em bằng cách nào?
Nếu nghi ngờ bé bị nhược thị, bác sĩ sẽ tiến hành các thử nghiệm sau:
- Bé sẽ được đo thị lực mỗi mắt và cả hai mắt (theo độ tuổi)
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt gây giãn đồng tử và liệt cơ thể mi để đo khúc xạ.
- Kiểm tra bằng mắt thường hoặc bằng đèn khe
- Kiểm tra võng mạc
- Kiểm tra mắt tổng quát (theo độ tuổi).
Điều trị nhược thị ở trẻ em
Cho bé sử dụng con mắt “lười biếng” là cách hiệu quả nhất để điều trị nhược thị. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc dùng băng bịt mắt, kính, thuốc nhỏ mắt hoặc phẫu thuật.
- Băng bịt mắt: Thực hiện bằng cách che mắt “tốt” lại bằng băng bịt mắt từ 2 -6 giờ/ngày khi bé thức dậy. Thời gian đeo có thể vài tháng, vài năm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhược thị. Có hai loại băng mắt, loại đầu tiên giống như miếng băng gạc và được đặt trực tiếp trên mắt. Loại thứ hai, được thiết kế đặc biệt cho những bé phải đeo kính, là một miếng vải được thiết kế sao cho phù hợp với kính của bé. Đối với nhiều mẹ, việc cho bé đeo gạc có thể là một thách thức lớn, tuy nhiên, sau một thời gian bé sẽ thích ứng tốt với điều này, miếng gạc sẽ dần trở thành một phần trong cuộc sống của bé.
Điều trị nhược thị ở trẻ em
- Kính: Khi tình trạng nhược thị xảy ra do bé mắc phải các dị tật khúc xạ nghiêm trọng hoặc tật “chiết quang mắt không đều” thì việc đeo kính có thể giúp mắt gửi hình ảnh tập trung và rõ ràng hơn cho não bộ, “dạy” não bộ điều tiết con mắt yếu hơn, giúp 2 mắt hoạt động cùng lúc với nhau và thúc đẩy thị lực bình thường.
- Thuốc nhỏ mắt Atropine: Nếu mẹ đã cố hết sức nhưng vẫn không thuyết phục được bé sử dụng miếng băng mắt thì có thể cho bé sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine. Cũng giống như phương pháp băng mắt, nhỏ Atropine sẽ tạm thời làm mờ tầm nhìn của mắt khỏe, buộc não nhận ra những hình ảnh nhìn thấy được bằng mắt yếu hơn.
- Phẫu thuật: Nếu mắt lác là nguyên nhân gây ra tình trạng nhược thị của bé đồng thời mắt bé không có dấu hiệu cải thiện khi áp dụng các phương pháp điều trị bằng kính, băng mắt, nhỏ atropine thì bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật mắt cho bé. Ngoài ra, phẫu thuật có thể thực hiện nếu tình trạng nhược thị xảy ra do mí mắt xệ hoặc đục thủy tinh thể. Phương pháp phẫu thuật được xem là an toàn và hiệu quả, thông thường bé sẽ được xuất viện trong ngày.
Phòng ngừa nhược thị ở bé
Thị giác của bé được hoàn thiện khi bé được khoảng 8 tuổi. Sau độ tuổi này nếu bé gặp phải các vấn đề về tầm nhìn thì có thể sẽ khó điều trị hơn. Chẩn đoán và điều trị kịp thời nhược thị thì cơ hội phục hồi thị lực sẽ cao hơn và tránh mất thị lực vĩnh viễn.
Đôi khi một số trẻ bị nhược thị không có dấu hiệu rõ ràng, vì vậy, mẹ hãy cho bé kiểm tra thị lực hàng năm. Bé cần được kiểm tra thị lực trong những năm đầu đời và khi học mẫu giáo để phát hiện bệnh sớm trước khi bé qua 8 tuổi.
Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng nhược thị ở trẻ em
- Ambyopia. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
- Ambyopia. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/general/eyes/amblyopia.html#>. [Ngày 06 tháng 01 năm 2014]
- Ambyopia. Đọc thêm tại:<http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001014.htm>. [Ngày 06 tháng 01 năm 2014]
- Amblyopia (Lazy Eye). Đọc thêm tại: <http://www.kellogg.umich.edu/patientcare/conditions/amblyopia.html#symptoms>. [Ngày 06 tháng 01 năm 2014]