Thiểu năng trí tuệ ở trẻ có thể được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm, kiểm tra trẻ và các cuộc trò chuyện của bác sĩ với cha mẹ trẻ. Việc phát hiện sớm sẽ giúp cha mẹ có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời, giảm thiếu những ảnh hưởng không mong muốn đến sự phát triển của trẻ sau này.
Chẩn đoán thiểu năng trí tuệ ở trẻ
Một trẻ có thể bị nghi là thiểu năng trí tuệ có thể vì nhiều lý do khác nhau. Nếu bé có bất thường về thể chất mà gợi ý cho một rối loạn di truyền hoặc rối loạn trao đổi chất, một loạt các xét nghiệm có thể được thực hiện để xác định chẩn đoán, bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm hình ảnh để tìm các vấn đề về cấu trúc trong não, điện não đồ (EEG) để tìm kiếm bằng chứng của động kinh.
Nếu trẻ chậm phát triển, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để loại trừ các vấn đề khác như vấn đề về thính giác và một số rối loạn thần kinh nhất định.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chẩn đoán thiểu năng trí tuệ ở trẻ em thông qua: các cuộc trò chuyện với cha mẹ, quan sát bé, kiểm tra chức năng trí tuệ và khả năng thích nghi của bé. Một đứa trẻ được coi là thiểu năng trí tuệ nếu có chức năng trí tuệ và khả năng thích nghi thấp hơn mức trung bình. Nếu chỉ có một triệu chứng, không thể được coi là thiểu năng trí tuệ ngay được.
Sau khi chẩn đoán thiểu năng trí tuệ, một nhóm các chuyên gia sẽ đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của bé. Điều này giúp họ xác định được những loại hỗ trợ nào cần cho bé để giúp bé thành công ở nhà, ở trường học và trong cộng đồng.
Tôi có thể làm gì nếu con tôi bị thiểu năng trí tuệ?
Các bước để giúp trẻ thiểu năng trí tuệ bao gồm:
- Tìm hiểu tất cả mọi thứ bạn có thể về thiểu năng trí tuệ. Bạn càng biết nhiều, thì càng tốt hơn cho con bạn.
- Khuyến khích tính độc lập của bé. Hãy để con bạn thử những điều mới và khuyến khích bé làm việc bằng chính sức của mình. Hướng dẫn bé khi cần thiết và khen bé khi bé làm một điều gì tốt hay học cách làm thành thạo một điều gì mới.
- Giúp bé tham gia vào các hoạt động nhóm. Tham gia vào một lớp nghệ thuật hoặc tham gia hướng đạo sinh sẽ giúp bé xây dựng các kỹ năng xã hội.
- Luôn theo sát bé. Bằng cách giữ liên lạc với giáo viên của con bạn, bạn sẽ có thể dõi theo tiến bộ của bé và củng cố những gì con bạn đang học tại trường học thông qua thực hành ở nhà.
- Nói chuyện với các phụ huynh khác có con bị thiểu năng trí tuệ. Họ có thể tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho bạn.
Có cách nào phòng ngừa thiểu năng trí tuệ ở trẻ?
Một số nguyên nhân của tình trạng thiểu năng trí tuệ ở trẻ em có thể được phòng ngừa. Phổ biến nhất là hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai. Phụ nữ mang thai không nên uống rượu. Hãy chăm sóc thai kỳ đúng cách, uống vitamin trước khi sinh và tiêm ngừa chống lại một số bệnh truyền nhiễm cũng có thể giảm nguy cơ con bạn khi sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.
Hội chứng nhiễm độc rượu bào thai là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị thiểu năng trí tuệ
Trong gia đình có tiền sử rối loạn di truyền có thể sẽ được xem xét để xét nghiệm di truyền trước khi thụ thai.
Một số xét nghiệm như siêu âm và chọc ối cũng có thể được thực hiện trong thời gian mang thai để tìm các vấn đề liên quan đến thiểu năng trí tuệ. Các xét nghiệm này chỉ giúp phát hiện vấn đề trước khi sinh chứ không thể khắc phục vấn đề đó được.
>> Thiểu năng trí tuệ ở trẻ em
- Intellectual Disability. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/parenting/baby/intellectual-disability-mental-retardation>. [Ngày 23 tháng 7 năm 2015].
- Intellectual disability. Đọc thêm tại: <https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001523.htm>. [Ngày 7 tháng 10 năm 2015].