Natri clorua là một loại muối có mặt ở hầu hết các loại thực phẩm, nếu bạn tiêu thụ lượng muối quá nhiều hay quá ít mỗi ngày đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vai trò của chất khoáng này như thế nào và nên tiêu thụ bao nhiêu mỗi ngày, các bạn tìm câu trả lời ngay dưới đây nhé!
Bạn đã biết vai trò của Natri clorua chưa?
Natri clorua là một loại muối có mặt trong hầu hết các loại thức ăn một cách tự nhiên. Bên cạnh vai trò tạo hương vị cho thực phẩm, natri clorua còn được sử dụng để làm chất bảo quản, chất kết dính và chất ổn định. Bạn có biết rằng cả hai nguyên tố natri và clo đều rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng nước và cân bằng tính axit/kiềm trong cơ thể không? Chúng cũng đóng vai trò hỗ trợ truyền dẫn xung thần kinh và co giãn cơ bắp nữa đấy.
Hầu hết những trường hợp ăn quá nhiều muối đểu có thể dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ. Do đó, chúng mình chỉ nên dùng muối theo đúng lượng khuyến cáo hàng ngày mà thôi.
Nguồn cung cấp: Tất cả các loại thực phẩm, đặc biệt là các loại ốc, sò, động vật có vỏ, muối hạt, các loại hạt nêm, bột canh.
Muối natri clorua
Lượng natri clorua tiêu thụ khuyến khích hàng ngày (mg/ngày):
- Trẻ em 1 – 3 tuổi: 1,500 mg
- Trẻ em 4 – 8 tuổi: 1,900 mg
- Trẻ em 9 – 13 tuổi: 2,200 mg
- Trẻ em 14 – 18 tuổi: 2,300 mg
- Người trưởng thành, khỏe mạnh: 2,300 mg (tương đương 1 muỗng cà phê muối).
Lưu ý: Những người nhạy cảm với natri (bao gồm bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận mãn tính và người trên 50 tuổi) nên giới hạn hàm lượng chất khoáng này và tiêu thụ không quá 1500 mg/ngày.
Tác dụng phụ: Ngày càng có nhiều tài liệu khoa học ghi chép lại mối liên hệ giữa việc tiêu thụ natri và huyết áp trong vòng hơn 100 năm qua. Những tài liệu này cho thấy người tiêu thụ muối cao hơn mức trung bình sẽ có huyết áp và mức tăng huyết áp cao hơn bình thường.
Điều này đồng nghĩa với việc giảm tiêu thụ muối natri clorua sẽ giúp bạn giảm cao huyết áp, mức độ giảm thì còn tùy thuộc vào tuổi tác, mức huyết áp hiện tại và các yếu tố khác như cường độ tập thể dục, cân nặng, áp lực tâm lý và cả lượng rượu bia mà bạn uống. Người bị huyết áp cao, có bệnh thận mãn tính, lớn tuổi hoặc thừa cân đặc biệt dễ bị sự dư thừa natri tác động lên huyết áp.
Đã có nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy giảm natri có thể làm giảm huyết áp ở những người có huyết áp bình thường và tiêu thụ ít natri cũng giúp giảm huyết áp ở trẻ em.
Tình trạng mất muối (hạ natri trong máu)
Cơ thể chúng mình mất đi muối qua nước tiểu, mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu mất quá nhiều muối, lượng dịch lỏng trong máu sẽ giảm. Hạ natri máu là một tình trạng xảy ra khi mức độ natri trong máu giảm tới mức dưới ngưỡng bình thường 135–145 mEq/L.
Trong trường hợp nghiêm trọng, lượng natri quá thấp trong cơ thể có thể dẫn tới chuột rút, buồn nôn, ói mửa và chóng mặt. Cuối cùng, tình trạng mất muối này có thể dẫn tới hiện tượng sốc, hôn mê và thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, tình trạng mất muối nghiêm trọng rất khó xảy ra vì chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta thường có xu hướng dư thừa muối hơn là thiếu muối. Bạn chỉ có khả năng bị mất muối khi bị viêm dạ dày cấp tính (gây nôn mửa và tiêu chảy), đổ mồ hôi nhiều hoặc ngộ độc nước (do uống quá nhiều nước) mà thôi.
- Jane Clarke, 2014, Complete Family Nutrition, 1st edn, DK Publishing, USA.
- Salt and Sodium. Tham khảo tại: <http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/salt-and-sodium/>. [Ngày 08 tháng 04 năm 2015]
- Salt. Tham khảo tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/salt>. [Ngày 08 tháng 04 năm 2015]
- Sodium in Diet. Tham khảo tại: <http://www.nytimes.com/health/guides/nutrition/sodium-in-diet/overview.html>. [Ngày 08 tháng 04 năm 2015]