Để có chế độ dinh dưỡng cho bé ăn dặm hợp lý thì khẩu phần ăn cần được cung cấp lượng carbohydrates và lượng chất béo phù hợp để giúp bé phát triển khỏe mạnh. Cùng tìm hiểu những thực phẩm giàu carbohydrates và chất béo “tốt” với nội dung bên dưới nhé!
Carbohydrates trong chế độ dinh dưỡng cho bé ăn dặm
Carbohydrates đơn giản như đường và mật ong tuy cung cấp năng lượng rất nhanh nhưng không giúp bé no lâu. Một số loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, bánh mỳ trắng thì ngoài năng lượng (calo) thì không cung cấp thêm thành phần dinh dưỡng nào.
Vì vậy, ngoài việc chống đói trong ngắn hạn, chúng không mang lại lợi ích gì cho bé và còn là tác nhân gây sâu răng bé.
Carbohydrates phức tạp gồm một số rau củ chứa tinh bột, trái cây, lúa gạo nguyên cám, lúa mỳ và các loại đậu. Những thực phẩm này rất đa dạng và tốt hơn so với carbohydrates đơn giản.
Mẹ có thể bổ sung dinh dưỡng cho bé với carbohydrates ở dạng phức tạp từ cơm, bún, phở, bánh đa đến bánh mỳ nâu, pasta, khoai tây, khoai lang…trong các bữa ăn của mình.
Chất béo trong chế độ dinh dưỡng cho bé ăn dặm
Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể gấp 2 lần so với đạm và tinh bột. Chất béo có thể hòa tan các vitamin A, D, E, và K giúp cơ thể hấp thụ các vitamin này. Chất béo là nguồn dinh dưỡng cho bé cung axit béo để tổng hợp thành tế bào và một số thành phần khác nhau trong cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng cho bé ăn dặm
Có 2 loại chất béo chính có trong thức ăn là:
Chất béo bão hòa có trong thịt và các loại bơ sữa.
Chất béo chưa bão hòa tốt hơn cho cơ thể, có trong một số loại thực vật, như các loại hạt và cá. Chất béo chưa bão hòa có Omega-3 và omega-6 là những axit béo vô cùng cần thiết vì cơ thể người không tự tạo ra được.
Tỷ lệ lý tưởng cho người nên ở mức Omega 3: Omega 6 (1:1 cho đến 1:4). Dưới tác dụng của oxy, Omega-3 trở nên hôi (rancid). Vì vậy, thức ăn chế biến công nghiệp và thức ăn nhanh thường có tỷ lệ Omega 3:Omega 6 là 1:10 đến 1:30. Vì vậy, mẹ nên tránh cho bé ăn thức ăn chế biến công nghiệp hoặc thức ăn nhanh quá sớm.
Do Omega-3 có độ ổn định kém, dễ bị phân hủy bởi ánh sáng và nhiệt độ cao nên mẹ chỉ thêm dầu ăn chứa Omega 3 vào thức ăn cho con sau khi đã nấu chín và tắt lửa. Cá chứa ít chất béo bão hòa hơn thịt, cho nên cá vẫn tốt hơn từ thịt Đồng thời, cá cũng chứa những chất dinh dưỡng khác nữa, chẳng hạn như chất Selenium mà dầu cá không có.
Đạm thực vật và đạm động vật
Đạm thực vật và động vật có trong:
- Thịt, cá, trứng, các loại đậu và các thực phẩm từ đậu như đậu phụ.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai.
Vitamin và khoáng chất
Các loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ, cà chua, chuối, táo, rau lá xanh, tảo biển,…là nguồn dinh dưỡng cho bé cần thiết mà mẹ nên bổ sung vào khẩu phần ăn vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Mẹ nhớ cho bé ăn nhiều loại rau quả và trái cây khác nhau với các màu sắc khác nhau để bé biết nhận biết mùi vị và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất. Vitamin có trong rau củ quả giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ việc hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Khoáng chất có trong rau xanh và tảo biển giúp xương và răng chắc khỏe. Để tăng sức đề kháng cho bé thì vitamin và khoáng chất là các chất dinh dưỡng không thể thiếu được.
Bố mẹ nên tự làm thức ăn sẽ dễ kiểm soát thành phần dinh dưỡng cho bé, phương pháp nấu, tiết kiệm tiền mà mẹ còn có thể sử dụng thực phẩm tươi, thực phẩm sinh học để chuẩn bị bữa ăn dặm cho bé nữa.
Để tiết kiệm thời gian, mẹ có thể chuẩn bị một mẻ lớn thức ăn rồi nghiền bằng dĩa (nĩa) đến mức bé thích và ăn được, sau đó thêm nước, sữa mẹ, sữa công thức trong thời gian đầu bé tập ăn dặm.
Sau khi nấu, mẹ đông lạnh từng phần ăn trong khay đá hoặc tấm làm bánh quy và gói trong túi đông đá đến khi cần sử dụng. Thức ăn cho bé dưới 1 tuổi không được thêm gia vị như đường hay muối vì hàm lượng đường và muối có sẵn trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của bé.
Khi cần sử dụng, mẹ có thể hâm nóng từng phần trong chảo nhỏ, bình nước nóng, hấp cách thủy hoặc lò vi sóng.
Trước khi bé ăn, mẹ khuấy đều bát thức ăn và nhỏ vài giọt vào cổ tay để kiểm tra nhiệt độ thức ăn để bé không bị bỏng.
Đến khi bé đã quen với việc ăn dặm những thức ăn cắt nhỏ thì bố mẹ có thể cho bé ăn chung cùng gia đình và chỉ cần cắt nhỏ thức ăn cho bé.
- Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland
- Nguyen, T. C. , Omega -3 và Omega – 6. Tham khảo tại: <http://www.advite.com/omega.htm>. [Ngày 24 tháng 9 năm 2014]
- Trinh, C.& Nguyen T.G., Vai Trò Của Omega-3 Fatty Acids Trong Việc Điều Trị Và Phòng Ngừa Bệnh. Hội Dược Sĩ VN tại Hoa Kỳ, Dec. 2005, Tham khảo tại: http://www.oocities.org/songvietgiang/omega3.html. [Ngày 24 tháng 9 năm 2014]