Bất cứ điều gì cũng có 2 mặt cả. Có nên cho trẻ xem tivi hay chơi ipad hay không, hãy cùng Mekhonghoanhao xem xét những mặt lợi và hại của vấn đề này nhé!
Nên hay không khi cho trẻ xem ti vi, chơi ipad?
Ở Việt Nam, bé từ dưới 1 tuổi đến 5 tuổi thường được ba mẹ cho xem các chương trình truyền hình trên tivi và máy tính để bé bớt phá phách đồ đạc hay đơn giản là để bé chịu ăn. Nhưng bất cứ điều gì cũng có 2 mặt cả.
Ba mẹ có nên cho trẻ xem tivi?
Lợi…
Từ khoảng 2 tuổi, kỹ năng nói của bé phát triển rất nhanh nên việc tiếp xúc với các chương trình truyền hình giáo dục, những chương trình về thiên nhiên, ca múa nhạc sẽ giúp bé tiến bộ rõ rệt.
Tuy những chương trình này không thể thay thế hoàn toàn cho những hoạt động vừa học vừa chơi, đọc sách, vẽ tranh của bé nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chúng làm cho thế giới của bé trở nên sinh động và nhiều màu sắc.
Ngoài ra, những chương trình giáo dục còn giúp bé làm quen với các chữ cái, màu sắc, những con số và giúp bé ghi nhớ rất nhanh.
Trong thời đại mà công nghệ đang phát triển một cách mạnh mẽ, việc bé có kĩ năng sử dụng máy tính cũng là một điều quan trọng. Thêm nữa, nhiều bé biếng ăn nhưng khi được mẹ mở cho chương trình yêu thích là lại ăn rất ngoan, rất nhanh.
…Và hại
Khi cho bé tiếp xúc với những thiết bị này, không thể tránh khỏi tình huống bé vô tình nhìn thấy những cảnh phim hành động không phù hợp mà trong đó các nhân vật cố ý làm tổn thương, hãm hại người khác ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ.
Chưa kể đến những chương trình liên quan đến tình dục, ma tuý, bia rượu. Bé vẫn còn quá nhỏ để hiểu hiểu và nhận thức được hậu quả của những vấn đề này.
Hơn nữa, tivi vẫn thường có mục quảng cáo những sản phẩm mới. Hẳn sẽ rất đau đầu khi bé liên tục đòi mua những món hàng đã thấy trên tivi trong lúc đi mua sắm hay dạo chơi cùng ba mẹ.
Trẻ tiếp xúc sớm với đồ công nghệ lợi bất cập hại
Thống kê cho thấy, những bé thích xem tivi/ máy tính thường có khuynh hướng bị béo phì. Bé thường dành nhiều giờ đồng hồ ngồi trước tivi thay vì tham gia những hoạt động thể chất hay phát triển những kĩ năng giao tiếp xã hội.
Xem tivi/ máy tính quá nhiều sẽ khiến bé trở nên thụ động. Nó không giúp bé có được những kĩ năng cần thiết như là: giao tiếp, sáng tạo, phán đoán, tưởng tượng hay những thử nghiệm.
Bạn có thể làm gì để giúp bé?
Với các bé dưới 2 tuổi, ba mẹ nhớ chỉ cho bé xem những chương trình tivi (máy tính) bổ ích 1-2 tiếng mỗi ngày và dĩ nhiên luôn dưới sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
- Hạn chế thời gian xem tivi của bé.
- Giúp bé chọn những chương trình nên xem và lên kế hoạch thời gian xem tivi trong tuần.
- Tắt máy tính/ tivi khi chương trình hoặc hết thời gian giới hạn.
- Đừng biến TV thành người trông trẻ, cũng như luôn giám sát những hoạt động online khi bé sử dụng máy tính/máy tính bảng/smart phone.
- Không để TV, đầu đĩa, máy tính hay trò chơi điện tử trong phòng ngủ của bé. (Thay vào đó hãy đặt ở nơi bạn có thể kiểm soát được thói quen xem TV của con)
- Dùng những phần mềm dịch vụ kiểm soát những website tiêu cực trên internet.
- Xem TV chung với bé để giúp bé hiểu về quảng cáo và thương mại.
- Làm bé xao nhãng là cách tốt nhất để kéo bé ra khỏi TV và máy tính. Rủ bé tham gia những hoạt động như là đọc sách, chơi trò chơi, tô màu, hoặc đi thăm bạn bè cùng với bạn.
- Khen ngợi bé khi bé có thể tự chơi mà không cần đến TV hay máy tính.
- Đừng dùng việc xem tivi hay chơi máy tính như một phần thưởng (hoặc phạt không cho bé xem khi bé không ngoan). Điều này sẽ càng khiến bé cảm thấy tò mò và muốn xem hơn thôi.
Thay cho lời kết
Phụ huynh nên nắm được các kênh truyền hình bé vẫn thường xem, giới hạn thời gian, cùng xem và cùng thảo luận với bé về nội dung (bao gồm cả những điều tốt lẫn không tốt, về lời bài hát, màu sắc, âm thanh…).
Nếu bạn không cố gắng kiểm soát những gì bé xem thì những phương tiện truyền thông này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bé.
- Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.
- How TV affects your child. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/en/parents/tv-affects-child.html>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]