Vấn đề khác

Cùng tìm hiểu mâm cỗ ngày Tết truyền thống của Việt Nam

Thế là Tết Bính Thân cũng cận kề, mọi gia đình Việt Nam dù sang hay nghèo cũng đều chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết truyền thống đầy đủ, thịnh soạn với nhiều món ngon ngày Tết dâng lên ông bà tổ tiên để mong một năm mới an lành, ấm no.

Mâm cỗ Tết ba miền tuy có nhiều sự khác biệt nhưng đều phản ánh bản sắc văn hóa, lịch sử, địa lý của một quốc gia có nền văn minh lúa nước.

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán ở miền Bắc

Người miền Bắc đón Tết bằng những món ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo như bánh chưng, giò lụa, nem rán, canh măng chân giò, thịt nấu đông…Trong đó, chiếc bánh chưng xanh là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, bởi bánh chưng được ví như linh hồn của Tết và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách ghi lại.

Trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội rất chú trọng về hình thức nên mâm cỗ ngày Tết truyền thống thường được chuẩn bị rất công phu và đẹp mắt, thường gồm bốn bát, bốn đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần để mâm cỗ thêm đầy đặn và sang trọng hơn. Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Có nhà còn bày thêm đĩa thịt đông – món ăn đặc trưng cho những ngày đông lạnh Miền Bắc, đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán. Mâm cỗ Tết Nguyên Đán lớn thì có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho sự phát lộc, phát tài.

Cùng tìm hiểu mâm cỗ ngày Tết truyền thống của Việt Nam

Mâm cỗ ngàyTết cổ truyền ở miền Bắc

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán ở Miền Trung

Miền Trung với đặc điểm khí hậu và thời tiết khắc nghiệt nên mâm cỗ Tết Nguyên Đán cũng có đôi phần khác biệt. Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng đến ngày Tết, mâm cơm cúng giao thừa cũng như mâm cơm đầu năm cũng phải đầy đủ, tươm tất với ước mong cả năm sung túc đầy đủ. Những món cơ bản thường thấy trong mâm cỗ Tết miền Trung bao gồm gà luộc, thịt heo, bánh Tét, trứng chiên, đồ xào, ram cuốn, canh, rau sống, cơm trắng…Các món ăn được chia ra từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn, như một cách thể hiện sự chắt chiu và san sẻ.

Ngoài ra những món Tết của miền Trung còn chú trọng đến yếu tố lưu trữ nên thường có các món mặn như: tôm rim, thịt kho Tàu, cuốn ram, thịt hon, gà rán, thịt phay, nem, tré, thịt ngâm nước mắm…rồi có thêm các món đồ mộc như: măng khô xào thịt, mít trộn, giá xào nham…

Cùng tìm hiểu mâm cỗ ngày tết truyền thống của Việt Nam hình ảnh 2

Mâm cổ ngày Tết cổ truyền ở miền Trung

Với Huế, mâm cỗ ngon ngày Tết có phần đặc sắc và công phu hơn, mang hơi hướng cung đình xưa. Bên cạnh các món gỏi vả, gà bóp rau răm, cơm bò nấu thưng, chả ram, nem, tré…cầu kỳ thì các món bánh mứt mới là điểm nhấn tạo nên sự tinh tế cho mâm cỗ.

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán ở  miền Nam

Miền Nam được trời phú cho vùng đất tốt, thời tiết thuận lơi cho các loại cây, trái, gia súc, gia cầm hay thủy sản phát triển nên mâm cơm ngày Tết cũng có phần phong phú và không gò bó về nghi thức. Người miền Nam ăn Tết trong sắc mai vàng rạng rỡ, cùng với những món ăn đặc trưng của vùng khí hậu nóng như: thịt heo kho nước dừa với trứng hoặc cá lóc kèm dưa giá, canh khổ qua nhồi thịt.  Ngoài ra mâm cỗ Tết của Nam Bộ cũng không thể thiếu các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô – củ kiệu, giò heo nhồi, phá lấu, nem, lạp xưởng tươi…Người dân miền Tây còn có món cá lóc hấp hay nướng, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn.

Cùng tìm hiểu mâm cỗ ngày tết truyền thống của Việt Nam hình ảnh 3

Mâm cỗ ngàyTết cổ truyền ở miền Nam

Không giống với bánh tét miền Trung chú ý đến yếu tố bảo quản được lâu, bánh Tét miền Nam đa dạng hơn về cả phần vỏ lẫn phần nhân. Phần nếp bên ngoài có khi được trộn lẫn với dừa nạo, có khi với đậu đen, hoặc là hạt điều, là cẩm, lá dứa tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Phần nhân thì ngoài đậu xanh với mỡ, còn có nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối. Một số nơi còn tạo hình bên trong bánh thành hoa mai, chữ thọ, chữ phúc, khi cắt ra trông rất đẹp và độc đáo.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Khám phá mâm cỗ Tết đặc trưng của ba miền Bắc – Trung – Nam. Đọc thêm tại: <http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/222340/kham-pha-mam-co-tet-dac-trung-cua-ba-mien-bac-trung-nam.html>. [Ngày 19 tháng 02 năm 2015]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com