Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em loại hỗn hợp bao gồm rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận và rối loạn ngôn ngữ diễn đạt. Người mắc thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng của mình và hiểu được những gì người khác nói.
Nói một cách khác, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em loại hỗn hợp liên quan đến những vấn đề về khả năng nghe và nói.
Triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ loại hỗn hợp
Khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ bằng lời nói
Rối loạn này thường khởi phát ngay từ thời thơ ấu. Trẻ có thể sử dụng những từ như “À”, “Ừm” quá nhiều vì trẻ không thể nhớ ra được từ nào thích hợp để sử dụng. Những dấu hiệu khác bao gồm:
- Nói bỏ từ
- Nói những từ theo thứ tự sai
- Vốn từ vựng hạn chế so với bạn cùng lớp
- Lặp đi lặp lại một câu hỏi khi đang suy nghĩ câu trả lời
- Dùng câu theo thứ tự thời gian lộn xộn (ví dụ, nói về hiện tại nhưng lại dùng từ ngữ quá khứ “đã”)
Một số triệu chứng có thể gặp ở trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường. Tuy nhiên, một rối loạn ngôn ngữ có thể hiện diện nếu các triệu chứng diễn ra liên tục mà không được cải thiện.
Khó khăn trong việc hiểu điều người khác nói
Một khía cạnh quan trọng không kém của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em loại hỗn hợp là trẻ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn trong việc hiểu được những gì người khác nói. Điều này có nghĩa là trẻ sẽ thường xuyên không thực hiện theo những hướng dẫn khi ở nhà và ở trường học.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ(NIH), nếu con bạn đến 18 tháng tuổi mà không hiểu được câu mệnh lệnh như “Đến đây nào con” thì đây thực sự là một vấn đề cần lưu ý. Ở khoảng 30 tháng tuổi, nếu trẻ không thể hiện khả năng hiểu được câu nói của bạn bằng cách gật đầu, phản ứng, hoặc đặt câu hỏi lại thì có thể trẻ đã mắc một rối loạn ngôn ngữ.
Nguyên nhân của rối loạn ngôn ngữ loại hỗn hợp
Hiện nguyên nhân gây ra rối loạn này đa phần vẫn còn là bí ẩn. Gen và các yếu tố dinh dưỡng có thể góp phần vào việc phát triển rối loạn; tuy nhiên, những giải thích này vẫn chưa được các nghiên cứu chứng minh.
Sự phát triển ngôn ngữ bình thường bao gồm cả khả năng nghe, nhìn, hiểu và lưu trữ thông tin. Ở một số trẻ, quá trình này bị chậm trễ, dù cuối cùng trẻ cũng bắt kịp được bạn bè cùng lứa. Các chuyên gia đang cố gắng xác định nguyên nhân khiến cho sự phát triển ngôn ngữ bình thường không được diễn ra theo tự nhiên.
Sự chậm trễ trong phát triển ngôn ngữ ở trẻ có thể liên quan tới:
- Các vấn đề về khả năng nghe
- Chấn thương não
- Sự tổn hại hệ thần kinh trung ương
Đôi khi, sự chậm trễ ngôn ngữ có thể đi kèm cùng những vấn đề khác của sự phát triển như:
- Nghe kém
- Chứng tự kỷ
- Khuyết tật học tập
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em loại hỗn hợp hiếm khi được gây ra bởi sự kém thông minh.
- Language Disorder – Children. Đọc thêm tại:<https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001545.htm>. [Ngày 27 tháng 9 năm 2015].
- Mixed Receptive – Expressive Language Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.healthline.com/health/mixed-receptive-expressive-language-disorder>. [Ngày 27 tháng 9 năm 2015].