Chăm sóc bà bầu

Đau xương chậu khi mang thai – Nguyên nhân và dấu hiệu

Đau xương chậu khi mang thai là một biến chứng xảy ra đối với không nhiều phụ nữ mang thai. Đây là tình trạng dây chằng tại vùng khung chậu bị giãn và lỏng lẻo quá sớm trước khi sinh, làm khớp khung chậu, hay khớp mu không ổn định và khiến mẹ đau.

>> Sử dụng dịch vụ tra cứu bác sĩ và phòng khám sản phụ khoa online để tiết kiệm thời gian hơn

Đau xương chậu khi mang thai có phổ biến không?

Chỉ khoảng 1/300 phụ nữ mang thai được chẩn đoán bị đau xương chậu (tiếng anh là symphysis pubis dysfunction SPD và còn được gọi là đau khung xương chậu) khi mang thai mà thôi. Một số bác sĩ cho rằng con số thực tế có thể nhiều hơn (tới 2% trên tổng số các mẹ bầu) vì một số mẹ tuy đã trải qua tình trạng đau xương chậu khi mang thai nhưng chưa được khám và chẩn đoán.

Dau xuong chau khi mang thai thang thu 2 p2 hinh anh 1

Mẹ có thể bị đau xương chậu khi mang thai tháng thứ 2

Dấu hiệu và triệu chứng đau xương chậu khi mang thai

Ở những mẹ bầu đang bị đau xương chậu, cơn đau làm mặt mũi mẹ nhăn nhó, chân thì bước khập khà khập khiễng và ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt hàng ngày. Nếu mẹ có đi khám thì bác sĩ cũng không làm mẹ chấm dứt hẳn cơn đau được.

Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết mẹ bị đau xương chậu:

  • Triệu chứng phổ biến nhất đó là đau kiểu như trật khớp (như thể khung chậu của mẹ đang tách ra vậy) và gặp khó khăn khi đi bộ. Điển hình là đau tập trung tại vùng xương chậu, đau một bên hoặc cả 2 bên lưng dưới.
  • Có cảm giác cơn đau lan tới đùi trên và bộ phận sinh dục (vùng cửa mình của mẹ). Cơn đau nặng lên khi mẹ đi lại hay thực hiện các động tác chịu lực, đặc biệt khi mẹ nâng một chân, leo cầu thang, mặc quần áo, ra vào xe ô tô hay bước lên xe máy, thậm chí là xoay trở trên giường.
  • Đau thần kinh tọa (đau từ mông lan xuống chân). Đau xương chậu cũng có thể đi kèm với rối lọan chức năng bàng quang, đặc biệt khi mẹ đang nằm (hay ngồi xổm) để đứng dậy.
  • Có tiếng “kêu” tại vùng chậu khi đi lại hay cử động nhẹ.
  • Trong một số trường hợp rất hiếm, khớp chậu có thể bị hở ra một phần, tình trạng này gọi là tách khớp mu (diastasis symphysis pubis hay symphyseal separation), có thể gây đau vùng chậu, vùng háng, hông và vùng mông nghiêm trọng hơn.

Dau xuong chau khi mang thai thang thu 2 p2 hinh anh 3

Đau xương chậu khi mang thai khiến mẹ khó chịu trong sinh hoạt

Cấu tạo của khung xương chậu

Khung chậu được cấu tạo bởi 4 xương: phía trước và 2 bên là hai xương chậu dẹt, to, hình cánh quạt, phía sau có xương cùng ở trên có 5 đốt và xương cụt ở dưới cũng có từ 4-6 đốt.

4 xương của khung chậu khớp với nhau bởi 4 khớp bán động: khớp mu ở phía trước, khớp cùng cụt ở phía sau, 2 khớp cùng-chậu ở 2 bên phía sau không chạm vào nhau mà được kết nối bằng một số dây chằng.

Điều này giúp cho xương mu có thể di chuyển tự do. Các khớp này cũng có khả năng giãn nở được trong khi chuyển dạ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu thai đi qua khung chậu. Sự giãn nở này sẽ giảm đi đối với mẹ sinh con so, mẹ lớn tuổi, hoặc thai phụ ít vận động khi mang thai.

Đau xương chậu khi mang thai Nguyên nhân và dấu hiệu hình ảnh 3

Khung xương chậu bình thường và khung xương chậu bị đau

Các yếu tố nguy cơ của việc đau xương chậu

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây đau xương chậu khi mang thai cụ thể là gì. Chỉ biết rằng các yếu tố gây ra nguy cơ đau xương chậu gồm:

  • Tiền sử đau lưng dưới hoặc đau thắt lưng vùng xương chậu của mẹ.
  • Chấn thương vùng chậu trước đó – ví dụ mẹ đã té ngã hoặc gặp tai nạn.
  • Mẹ từng bị đau xương chậu trong lần mang thai trước.
  • Nghề nghiệp của mẹ có liên quan tới hoạt động thể chất nặng nhọc.
  • Từng sinh nở nhiều lần
  • Thai nhi lớn

Có một số tài liệu cho rằng, đau xương chậu khi mang thai đơn giản chỉ là do hóc môn thai kì. Hoóc môn thai kì là relaxin và progesterone có xu hướng làm dây chằng ở vùng khung chậu giãn ra để chuẩn bị cho sự sinh nở. Nếu các hoóc môn này làm việc nhiệt tình quá mức sẽ khiến các dây chằng xung quanh vùng chậu giãn ra quá sớm trước khi sinh em bé khiến mẹ đau.

Mẹ cần tham khảo thêm bài viết Cách giảm đau xương chậu khi mang thai để vượt qua những cơn đau khó chịu này.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 558-559.
  2. Pelvic Pain (Symphysis Pubis Dysfunction). Đọc thêm tại: <http://www.plus-size-pregnancy.org/pubicpain.htm>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015]
  3. Pelvic pain in pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/pages/pelvic-pain-pregnant-spd.aspx>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015]
  4. Pregnancy related pelvic girdle pain (PGP) in pregnancy. Đọc thêm tại: <https://www.nct.org.uk/pregnancy/pelvic-girdle-pain-pregnancy>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com