Ốm nghén khi mang thai là tình trạng phổ biến ở 3 tháng đầu thai kỳ và hầu như mẹ nào cũng gặp với mức độ khác nhau. Nhưng nguyên nhân ốm nghén là gì? Chúng mình cùng tìm hiểu nhé!
Có phải ai cũng bị ốm nghén khi mang thai?
Ốm nghén, chẳng hạn như cảm giác rất thèm dưa cải muối chua và kem, là một trong những điều được xem là hiển nhiên xảy ra trong thai kỳ nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng đối với tất cả các mẹ.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng gần ¾ các mẹ đang mang thai có các triệu chứng như buồn nôn và nôn – các dấu hiệu ốm nghén khi mang thai, điều này có nghĩa hơn 25% các mẹ đang mang thai còn lại không có những triệu chứng ốm nghén này.
Nếu mẹ nằm trong số những mẹ đang mang thai mà chưa hề gặp phải tình trạng buồn nôn, hoặc chỉ thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn hoặc buồn nôn ở mức độ rất nhẹ, thì mẹ có thể hoàn toàn an tâm rằng mẹ không những đang có thai mà còn rất may mắn nữa.
Bên cạnh những mẹ không hề thấy (hoặc rất ít các triệu chứng ốm nghén), thì có những mẹ lại khổ sở vì tình trạng ốm nghén khi mang thai kéo dài cả ngày. Thậm chí nhiều mẹ rất lo lắng vì sợ mình không thể giữ lại lượng thức ăn đủ trong dạ dày để nuôi dưỡng em bé (vì tình trạng nôn, ói quá nhiều).
Nếu rơi vào tình trạng này thì mẹ cũng đừng quá lo lắng, vì có đến 75% các mẹ đang mang thai thường bị buồn nôn hoặc dễ nôn đấy.
Ốm nghén khi mang thai có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi?
Tin vui cho mẹ là mặc dù đang phải chịu đựng những ảnh hưởng của tình trạng ốm nghén (morning sickness) vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, buổi sáng, trưa, tối hoặc cả 3 buổi – nhưng em bé của mẹ hoàn toàn không bị tác động bởi nỗi lo mang tên ốm nghén này.
Đó là vì nhu cầu dinh dưỡng của em bé hiện tại là rất ít (bây giờ em bé thậm chí vẫn chưa đạt được kích thước của một hạt đậu). Thậm chí ngay cả những mẹ gặp phải tình trạng buồn nôn ở mức độ rất nặng đến nỗi họ bị sụt cân trong 3 tháng đầu thai kỳ nhưng vẫn không gây ảnh hưởng xấu gì đến em bé cả.
Chỉ cần mẹ ăn uống đầy đủ để bù lại cho khoảng thời gian bị sụt cân này vào những tháng sau của thai kỳ mà thôi. Mẹ có thể làm điều này khá dễ dàng vì cảm giác buồn nôn và nôn thường sẽ không kéo dài quá lâu hơn tuần thứ 12 đến tuần thứ 14.
>> Thổi bay nỗi lo mang tên ốm nghén bằng mẹo ăn uống đúng cách
Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có trường hợp đặc biệt là mẹ vẫn tiếp tục bị các triệu chứng ốm nghén ở 3 tháng giữa thai kỳ, và một số rất ít nữa, nhất là ở những mẹ mang đa thai, có thể sẽ phải chịu đựng tình trạng ốm nghén này ở cả 3 tháng cuối thai kỳ.
Tại sao mẹ bị nghén khi mang thai?
Không ai biết được nguyên nhân ốm nghén một cách chắc chắn, nhưng đã có không ít các giả thuyết được đưa ra, trong số đó có:
- Giả thuyết về nồng độ cao của hormone thai kỳ hCG trong máu trong 3 tháng đầu thai kỳ
- Giả thuyết về sự tăng nồng độ estrogen
- Giả thuyết về phản xạ trào ngược dạ dày thực quản, sự thư giãn tương đối của các cơ thuộc ống tiêu hóa (điều này làm cho việc tiêu hóa thức ăn trở nên kém hiệu quả)
- Giả thuyết về sự tăng cường cảm giác về mùi ở các mẹ mang thai.
Không phải tất cả các mẹ mang thai đều có các triệu chứng ốm nghén như nhau. Một số mẹ chỉ thỉnh thoảng cảm thấy dễ bị buồn nôn, một số khác lại cảm thấy dễ bị buồn nôn cả ngày nhưng lại không bao giờ bị nôn, một số khác thỉnh thoảng bị nôn, và số còn lại bị nôn rất thường xuyên.
Và sau nhiều giả thuyết, các nhà nguyên cứu đã đưa ra nguyên nhân ốm nghén khi mang thai là do nhiều yếu tố khác nhau tác động vào mẹ:
Nồng độ các hormone. Nồng độ các hormone cao hơn bình thường (như khi mẹ đang mang đa thai) có thể làm tăng mức độ biểu hiện của tình trạng ốm nghén; nồng độ hormone thấp hơn có thể làm giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn tình trạng ốm nghén (mặc dù các mẹ mang thai với nồng độ hormone bình thường cũng có thể gặp phải tình trạng ốm nghén mức độ nhẹ hoặc hoàn toàn không bị ốm nghén).
Mức độ nhạy cảm. Một vài não bộ có một trung khu điều khiển cảm giác buồn nôn có mức độ nhạy cảm cao hơn những não bộ khác, điều này có nghĩa là những não bộ này thường có khuynh hướng đáp ứng nhạy hơn với các hormone và những tác nhân khác gây ra tình trạng buồn nôn khi mang thai.
Nếu mẹ có một trung khu điều khiển nhạy cảm cao (mẹ sẽ thường dễ bị say xe và say sóng chẳng hạn), thì mẹ sẽ có khuynh hướng dễ bị nôn và buồn nôn khi mang thai ở mức độ trầm trọng hơn bình thường. Còn nếu bình thường mẹ không bao giờ cảm thấy dễ bị buồn nôn? Thì có thể mẹ sẽ ít bị nôn và buồn nôn khi mang thai đấy.
Căng thẳng. Người ta đã biết rằng những căng thẳng về mặt cảm xúc có thể gây ra sự khó chịu ở dạ dày, vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu nguyên nhân ốm nghén có thể bắt nguồn từ căng thẳng. Bên cạnh đó, những triệu chứng ốm nghén cũng có khuynh hướng trở nên trầm trọng hơn khi mẹ bị căng thẳng.
Sự mệt mỏi. Mệt mỏi về mặt thể chất hay tinh thần cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng ốm nghén (ngược lại thì tình trạng ốm nghén nặng cũng có thể làm tăng thêm sự mệt mỏi).
Lo lắng khi mang thai lần đầu. Ốm nghén khi mang thai thường xảy ra và có khuynh hướng xảy ra ở mức độ nặng nề hơn ở những mẹ mới mang thai lần đầu tiên:
- Về mặt thể chất, cơ thể của mẹ mới mang thai lần đầu tiên sẽ không được chuẩn bị nhiều cho sự tấn công dữ dội của các hormone và những thay đổi khác mà cơ thể đang phải trải qua so với cơ thể của những mẹ đã từng mang thai trước đây.
- Về mặt tinh thần, những mẹ mới mang thai lần đầu tiên thường dễ gặp phải những nỗi băn khoăn, lo sợ mà có thể gây ra cảm giác khó chịu ở dạ dày – trong khi những mẹ đã từng mang thai trước đây có thể bị xao lãng không chú ý nhiều đến cảm giác buồn nôn của họ vì họ còn phải chăm sóc cho những đứa con lớn.
Lo lắng khi mang thai lần đầu có thể là nguyên nhân bị ốm nghén đấy mẹ
Tuy nhiên, những điều chung chung này không nhất thiết là luôn luôn đúng đối với mọi bà mẹ mang thai, và một số mẹ lại cảm thấy dễ bị buồn nôn hơn ở những lần mang thai sau so với lần mang thai đầu tiên của họ.
Mặc dù vậy, bất kể là từ nguyên nhân ốm nghén nào (và nó có thật sự quan trọng không khi mẹ đã bị nôn đến lần thứ 3 trong ngày hôm nay rồi?), thì hậu quả mà ốm nghén gây ra cho mẹ đều như nhau: đó chính là cảm giác khó chịu và khổ sở. Nếu cảm thấy khó chịu thì mẹ tham khảo bài mẹo trị ốm nghén cực hay, hiệu quả lắm đấy mẹ áp dụng ngay nhé!
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 130-134.
- Nausea and morning sickness. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/pages/morning-sickness-nausea.aspx#close>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015]
- Morning Sickness. Đọc thêm tại: <http://americanpregnancy.org/pregnancy-health/morning-sickness-during-pregnancy/>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015]
- Pregnancy – morning sickness. Đọc thêm tại: <https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-morning-sickness>. [Ngày 08 tháng 12 năm 2015]