Chẩn đoán tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là việc rất quan trọng, vì nếu không phát hiện và điều trị rối loạn ăn uống sớm, rối loạn này có thể gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Chẩn đoán rối loạn ăn uống ở trẻ bằng cách nào?
Có khoảng 25 – 35% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bình thường trải qua những vấn đề nhỏ nhặt về ăn uống. Ở những trẻ sinh non thì có đến 40 – 70% trẻ mắc một số dạng rối loạn ăn uống. Để chẩn đoán trẻ có mắc rối loạn ăn uống hay không thì trẻ phải có những triệu chứng nghiêm trọng, đủ để làm ảnh hưởng đến sự phát triển trong một khoảng thời gian đáng kể.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ được chẩn đoán đã bị rối loạn ăn uống nếu trẻ có cả 4 tiêu chí dưới đây:
- Không có khả năng ăn uống đầy đủ trong thời gian quá một tháng hoặc lâu hơn, dẫn đến kết quả sút cân hoặc không thể tăng cân.
- Ăn uống không đầy đủ hoặc thiếu độ tăng trưởng mà không phải do bất kì tình trạng y khoa hay sinh lý nói chung nào gây ra (như những vấn đề về đường tiêu hóa, bất thường hệ thần kinh, hay các biến dạng về giải phẫu).
- Rối loạn ăn uống không có nguyên nhân bởi sự thiếu thức ăn hoặc do một rối loạn tâm thần nào khác – như chứng nhai lại.
- Việc ăn uống không đầy đủ kèm theo sút cân hoặc mất khả năng tăng cân xảy ra trước 6 tuổi. Nếu hành vi ăn uống hoặc tăng cân được cải thiện khi có người khác cho ăn và chăm sóc trẻ đó thì có nhiều khả năng là trẻ thật sự mắc rối loạn ăn uống chứ không phải là một số tình trạng y khoa tiềm ẩn.
Điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Để việc điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thành công, trẻ cần nhận được sự hỗ trợ của một đội ngũ trị liệu đa ngành bao gồm các bác sĩ chuyên về vấn đề đường tiêu hóa hoặc tai-mũi-họng, một chuyên gia dinh dưỡng, một nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ và một chuyên gia trị liệu cơ năng. Ngoài ra, để việc điều trị thành công cũng cần có sự hỗ trợ từ các nhân viên xã hội và bác sĩ hoạt động ở các lĩnh vực có liên quan đến y khoa.
Sự đánh giá ban đầu nên tập trung vào hoạt động ăn uống trước đây của trẻ sơ sinh, bao gồm thông tin chi tiết về loại thức ăn và thời gian ăn, tư thế ăn, thời lượng bữa ăn, năng lượng và dinh dưỡng được hấp thụ, cùng những yếu tố về hành vi và về cha mẹ có ảnh hưởng đến trải nghiệm ăn uống của trẻ. Việc quan sát thực tế những lần ăn uống của trẻ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguyên nhân gây ra rối loạn và từ đó có những phương pháp can thiệp phù hợp. Bác sĩ điều trị có thể sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra về y khoa để loại trừ những vấn đề y khoa tiềm ẩn hoặc những nguyên nhân về thể chất.
Hai phương pháp thường được dùng để điều trị trẻ bị rối loạn ăn uống gồm có liệu pháp điều chỉnh chế độ ăn uống và liệu pháp can thiệp hành vi. Sau khi tình trạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được xem xét và đánh giá, liệu pháp điều chỉnh chế độ ăn uống và can thiệp hành vi sẽ bắt đầu được thực hiện.
- Liệu pháp điều chỉnh chế độ ăn uống: Mục đích của liệu pháp điều chỉnh chế độ ăn uống là cho trẻ ăn tăng dần năng lượng và chất dinh dưỡng tùy theo khả năng chịu đựng của trẻ, cho phép trẻ bắt kịp tiến độ tăng trưởng. Dựa vào chế độ ăn uống trước đây của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, năng lượng và hàm lượng dinh dưỡng của chế độ ăn có thể được giữ ở mức thấp hơn ban đầu để tránh hiện tượng ói mửa và tiêu chảy. Khi trẻ có thể chịu được lượng thức ăn nhiều hơn, lượng năng lượng và dinh dưỡng cũng được tăng dần lên trong khoảng thời gian từ 1-2 tuần hoặc lâu hơn. Cha mẹ và bác sĩ điều trị cần lưu ý là chế độ ăn uống nên cung cấp nhiều hơn khoảng 50% so với nhu cầu dinh dưỡng thông thường của trẻ trong cùng độ tuổi và kích cỡ tương tự.
- Liệu pháp can thiệp hành vi có thể giúp cha mẹ và trẻ vượt qua tình trạng rối loạn ăn uống và sự ác cảm với thức ăn. Cha mẹ phải được hướng dẫn để có thể phát hiện ra con mình đang đói hay đang no một cách chính xác, và phải cho con ăn trong môi trường thoải mái, tích cực. Thay đổi độ đặc của thức ăn, thời gian cho ăn và tốc độ cho ăn, vị trí của cơ thể và cả dụng cụ đút ăn cho trẻ có thể giúp trẻ vượt qua việc chán ghét ăn uống. Nếu như sự đói nghèo, sự ngược đãi hoặc cha mẹ có vấn đề về thần kinh làm ảnh hưởng và gây ra rối loạn ăn uống ở trẻ, những vấn đề này cũng cần được giải quyết.
Cách ngăn ngừa tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ
Có nhiều cách giúp cha mẹ ngăn ngừa trẻ bị rối loạn ăn uống, 2 cách dưới đây có hiệu quả khá cao trong việc phòng ngừa này.
- Cung cấp những thực phẩm cân bằng và phù hợp với độ tuổi trong các khoảng thời gian bằng nhau – chẳng hạn như 3 bữa chính hoặc 2 bữa phụ mỗi ngày cho trẻ mới biết đi – việc này sẽ thiết lập các mô hình ăn uống lành mạnh.
- Những trải nghiệm ăn uống tích cực ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ yêu cầu trẻ phải kết nối cơn đói và no một cách hiệu quả, cha mẹ hoặc người chăm sóc phải giải mã chính xác các tín hiệu này ở con mình, và những sự kiện này đòi hỏi phải có môi trường nuôi dưỡng và người chăm sóc chu đáo. Cha mẹ cũng cần nỗ lực hơn để thiết lập hoạt động ăn uống trở thành một trải nghiệm tích cực và thú vị; đồng thời, cha mẹ không nên ép buộc con ăn hay sử dụng hình phạt khi trẻ không chịu ăn.
- Feeding Disorder of Early Childhood – Childhood Mental Disorders and illnesses. Đọc thêm tại: <http://www.gulfbend.org/poc/view_doc.php?type=doc&id=14504&cn=37>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
- Feeding disorder of infancy or early childhood. Đọc thêm tại: <http://www.minddisorders.com/Del-Fi/Feeding-disorder-of-infancy-or-early-childhood.html>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
- Feeding Disorders Program. Đọc thêm tại: <http://my.clevelandclinic.org/childrens-hospital/specialties-services/therapy-rehab/feeding-disorders>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].