Để việc điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ vị thành niên đạt hiệu quả, các bác sĩ thường dùng các liệu pháp tâm lý, giáo dục dinh dưỡng và hỗ trợ dùng thuốc.
Việc điều trị rối loạn ăn uống ở trẻ vị thành niên thường do một đội ngũ trị liệu thực hiện. Đội ngũ này bao gồm các chuyên gia y khoa, chuyên gia sức khỏe tâm thần và chuyên gia dinh dưỡng – tất cả đều có kinh nghiệm trong điều trị rối loạn ăn uống.
Việc điều trị phụ thuộc vào dạng rối loạn ăn uống điển hình mà trẻ đang mắc, nhưng nhìn chung là thường gồm các biện pháp như: liệu pháp tâm lý, giáo dục dinh dưỡng và hỗ trợ dùng thuốc.
Tâm lý trị liệu
Còn được gọi là trị liệu thông qua lời nói – có thể giúp trẻ học cách thay thế những thói quen không lành mạnh bằng những thói quen tích cực hơn. Bao gồm:
- Trị liệu nhận thức – hành vi (CBT): Thường được sử dụng trong điều trị rối loạn ăn uống, đặc biệt là với chứng chán ăn và cuồng ăn. Trẻ sẽ học được cách thay đổi hoạt động ăn uống và cảm xúc của mình, phát triển các kĩ năng giải quyết vấn đề và khám phá những cách thức lành mạnh để ứng phó với những tình huống gây căng thẳng. Tâm lý trị liệu còn có thể giúp cải thiện các mối quan hệ và tâm trạng của trẻ.
- Trị liệu gia đình (FBT): Đây là một dạng điều trị dựa trên bằng chứng dành cho trẻ nhỏ và vị thành niên mắc rối loạn ăn uống. Gia đình sẽ tham gia vào việc đảm bảo trẻ sẽ theo sát các mô hình ăn uống lành mạnh và duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
Phương pháp bình thường hóa trọng lượng và giáo dục về dinh dưỡng
Nếu trẻ vị thành niên đang thiếu cân do một dạng rối loạn ăn uống, mục tiêu đầu tiên của chương trình can thiệp sẽ bắt đầu đưa trẻ trở lại với trạng thái trọng lượng khỏe mạnh. Các chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ cung cấp những thông tin về một chế độ ăn kiêng phù hợp, hỗ trợ trẻ thiết kế một kế hoạch ăn uống nhằm đạt được cân nặng khỏe mạnh, đồng thời học được những thói quen ăn uống bình thường.
Nằm viện điều trị
Nếu rối loạn ăn uống ở trẻ kèm theo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng- như chứng chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng nặng – thì bác sĩ có thể khuyên trẻ nằm viện điều trị trong khu vực tổng quát hoặc tâm thần. Ngoài ra cũng có một số phòng khám chuyên khoa điều trị các rối loạn ăn uống. Vài trẻ vị thành niên có thể đáp ứng với những chương trình điều trị ngoại trú (ban ngày) hơn là nội trú (nằm lại bệnh viện). Các chương trình chuyên điều trị rối loạn ăn uống có thể cung cấp nhiều phương pháp trị liệu chuyên sâu trong khoảng thời gian lâu dài hơn.
Hỗ trợ dùng thuốc
Thuốc không thể chữa trị dứt điểm rối loạn ăn uống ở trẻ. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể giúp trẻ kiểm soát được những ham muốn ăn uống vô độ hay nôn ói thức ăn ra; hoặc giúp trẻ quản lý những mối bận tâm quá mức đối với thức ăn và chế độ ăn kiêng. Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể hiệu quả với các triệu chứng của trầm cảm hay lo âu có đi kèm với rối loạn ăn uống.
- Eating Disorders. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eating-disorders/basics/definition/con-20033575>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
- Eating Disorders. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/feelings/eating_disorders.html>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
- Eating Disorders – Adolescents. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Eating_disorders_adolescents>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].
- The Rise of Eating Issues and Disorders. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/positive/_issues2012/2012_eatingdisorders.html?tracking=P_RelatedArticle>. [Ngày 13 tháng 9 năm 2015].