Sức khỏe

Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý

Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ cần sự kết hợp của bác sĩ, nhà trị liệu và gia đình trẻ. Trẻ bị tăng động có thể dùng thuốc, trị liệu tâm lý để cải thiện triệu chứng, nhưng sự hỗ trợ từ gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị.

Điều trị tăng động giảm chú ý như thế nào?

Hiện nay các phương pháp điều trị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng của tăng động giảm chú ý. Phương pháp điều trị bao gồm thuốc, các liệu pháp tâm lý, giáo dục hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị.

  • Thuốc

Hiện nay, thuốc kích thích thần kinh (psychostimulant) là một trong những loại thuốc thường được kê đơn nhất cho rối loạn tăng động giảm chú ý. Chất kích thích xuất hiện để thúc đẩy và cân bằng hóa chất trong não gọi là dẫn truyền thần kinh. Những thuốc này giúp cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của sự thiếu chú ý và quá hiếu động.

Một số tên thuốc kích thích thần kinh như.

  • methylphenidate (Concerta, Metadate, Ritalin)
  • dextroamphetamine (Dexedrine)
  • dextroamphetamine-amphetamine (Adderall XR)
  • lisdexamfetamine (Vyvanse)
  • Một số loại thuốc khác cũng có thể dùng để điều trị, như: atomoxetine (Strattera), thuốc chống trầm cảm như bupropion (Wellbutrin) và desipramine (Norpramin), clonidine (Catapres), guanfacine (Intuniv, Tenex).

Dieu tri roi loan tang dong giam chu y hinh anh

Thuốc kích thích thần kinh (psychostimulant)

Việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào tình hình diễn tiến của bệnh, giai đoạn hiện tại của bệnh, sức khỏe hiện tại của bé. Vì vậy, trước khi cho bé uống bất kì loại thuốc nào mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

  • Liệu pháp tâm lý

Một số nghiên cứu cho thấy rằng  việc kết hợp các loại thuốc và phương pháp trị liệu tâm lý có thể làm giảm các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ.

Bạn có thể làm gì để giúp đỡ con?

Cha mẹ có thể giúp đỡ bé bằng các cách như sau:

  • Tập thói quen tốt cho bé: Mẹ hãy thử thiết lập một thời gian biểu cho bé, viết ra những thứ cần làm trong ngày (thời gian làm bài tập về nhà, thời gian chơi…) và dán ở phòng bé hoặc những nơi mà bé dễ thấy nhất. Bé sẽ thấy được những điều cần làm trong ngày và sẽ có xu hướng tập trung vào những điều đó.
  • Sắp đặt đồ dùng của bé ngăn nắp, đúng vị trí: Đặt cặp đi học, quần áo, đồ chơi  của bé ở đúng vị trí như vậy bé sẽ ít có khả năng để làm mất chúng.
  • Tránh làm cho bé phân tâm: Tắt TV, radio, điện thoại di động và máy tính, đặc biệt là lúc bé đang làm bài tập về nhà.
  • Hạn chế sự lựa chọn: Cho bé càng ít sự lựa chọn càng tốt, ví dụ như trang phục, bữa ăn, đồ chơi… làm như vậy bé sẽ không bị choáng ngợp và kích thích quá độ.
  • Sử dụng ngôn từ ngắn gọn, dễ hiểu: Những bé có rối loạn tăng động giảm chú ý thường mất tập trung, dễ xao lãng và hay gặp khó khăn trọng việc tiếp thu. Vì vậy, khi nói chuyện với những bé có rối loạn tăng động giảm chú ý mẹ nên sử dụng những ngôn từ đơn giản, ngắn gọn cho bé dễ hiểu.
  • Phần thưởng: Đặt ra những phần thưởng nhỏ cho bé khi bé hoàn thành mục tiêu mà mẹ đề ra. Ví dụ: mẹ đặt mục tiêu cho bé là phải tập trung làm xong bài tập trước 6h chiều, nếu bé làm xong mẹ sẽ dẫn bé đi chơi. Lúc đó bé sẽ có xu hướng tập trung để hoàn thành bài tập.
  • Kỷ luật hiệu quả: Những bé bị tăng động giảm chú ý thường hay vụng về, bé có thể làm mất đồ chơi hay làm vỡ đồ đạc… Vì vậy, thay vì la mắng hay đánh đòn bé, mẹ có thể phạt bé bằng cách cắt bớt một số đặc quyền của bé như không dẫn bé đi chơi công viên cuối tuần….
  • Phát triển năng khiếu của bé: Mẹ hãy tìm ra năng khiếu của bé như về thể thao, âm nhạc, mỹ thuật… để giúp bé phát triển các kỹ năng, đồng thời rèn luyện cho bé tính tập trung.

Xem thêm:
>> Rối loạn tăng động giảm chú ý
>> Triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý




  1. Hyperactivity and the Distractible Child. Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA
  2. Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD). Đọc thêm tại: <http://www.nimh.nih.gov/health/topics/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/index.shtml>. [Ngày 26 tháng 11 năm 2014]
  3. Attention-deficit/hyperactivity disorder (ADHD) in children. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adhd/basics/definition/con-20023647>. [Ngày 26 tháng 11 năm 2014]
  4. What is ADHD. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/learning/adhd.html#a_Alternative_Treatments>. [Ngày 21 tháng 11 năm 2014].
  5. ADHD and the DSM 5. Đọc thêm tại: <http://www.help4adhd.org/documents/adhd%20and%20the%20dsm%205%20fact%20sheet%202.0.pdf>. [Ngày 31 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com