Bệnh mộng du thường vô hại cho trẻ, nhưng nó có thể dẫn đến nguy hiểm. Cha mẹ có thể tập một số thói quen tốt cho trẻ trước khi đi ngủ để phòng ngừa xảy ra mộng du.
Chẩn đoán bệnh mộng du ở trẻ em bằng cách nào?
Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh mộng du dựa trên sự mô tả của các thành viên trong gia đình về hành động của trẻ trong khi ngủ.
Điều trị bệnh mộng du
Bệnh mộng du ở trẻ em thường không cần điều trị. Bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra thể chất và tâm lý của trẻ để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây mộng du để điều trị kịp thời.
Ở những trẻ thường bị mộng du, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng phương pháp thức tỉnh theo lịch trình. Phương pháp này như sau:
- Giám sát trẻ trong một vài đêm để xác định mộng du thường xảy ra khi nào.
- Sau đó, trong vài đêm liên tiếp, đánh thức trẻ 15 phút trước thời gian dự kiến xảy ra mộng du.
- Không cần phải đánh thức trẻ hoàn toàn, chỉ cần lay nhẹ trẻ cho trẻ trở mình là được. Việc này có thể giúp đặt lại chu kỳ ngủ của trẻ và có thể loại bỏ cơn mộng du.
Có thể trẻ cần được tư vấn tâm lý nếu nguyên nhân góp phần gây mộng du là do căng thẳng.
Ở các trường hợp hiếm, nếu bệnh mộng du gây ra các hành vi nguy hiểm hoặc mệt mỏi quá mức, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, chẳng hạn các thuốc chứa benzodiazepine (loại thuốc an thần thường được kê để điều trị lo âu) hoặc thuốc chống trầm cảm.
Cách phòng ngừa
Các cách khác có thể giúp trẻ không bị mộng du gồm có:
- Trước khi đi ngủ, cho trẻ nghe nhạc thư giãn đầu óc
- Tập thói quen ngủ điều độ cho trẻ
- Cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ
- Không cho trẻ sử dụng thực phẩm có chứa caffeine trước khi đi ngủ như cà phê, trà, cola, các loại nước tăng lực và socola
- Cho bé ngủ trong một phòng ngủ đơn giản, yên tĩnh, thoáng mát và để phòng tối
Cha mẹ cũng nên biết một số cách giữ an toàn cho trẻ khi bệnh mộng du xuất hiện:
- Nếu thấy trẻ mộng du, cố gắng dẫn trẻ trở lại giường ngủ một cách nhẹ nhàng. Đừng cố đánh thức trẻ, vì việc này có thể làm trẻ rất khó chịu. Thay vào đó, hãy dỗ dành trẻ bằng lời nói và giúp trẻ quay trở lại giường.
- Đóng và khóa tất cả các cửa ra vào và cửa sổ vào ban đêm
- Lắp đặt chuông báo trên cửa ra vào và cửa sổ hoặc lắp đặt ổ khóa ngoài tầm với của trẻ
- Dọn dẹp các vật có thể gây vấp ngã, tránh để đồ đạc lộn xộn trên sàn nhà
- Cất các vật sắc nhọn và dễ vỡ khỏi khu vực quanh giường ngủ của trẻ
- Không để trẻ ngủ trên giường tầng
- Để các tấm chắn an toàn ngăn lối cầu thang hoặc cửa ra vào. Nếu cần thiết, để trẻ ngủ ở tầng trệt để trẻ không bị té cầu thang khi mộng du
- Giảm nhiệt độ máy nước nóng để tránh việc trẻ bị bỏng trong khi đang mộng du
- Giữ chìa khóa ngoài tầm với của trẻ
- Sleep walking. Đọc thêm tại: <http://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Sleep_Walking/>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
- Sleepwalking: Symptoms Causes & Treatment Options. Đọc thêm tại: <http://my.clevelandclinic.org/services/neurological_institute/sleep-disorders-center/disorders-conditions/hic-sleepwalking>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
- Pediatric sleep walking. Đọc thêm tại: <http://www.healthline.com/health/sleep/sleepwalking-and-children#Overview1>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
- Sleep walking. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/growth/sleep/sleepwalking.html>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].