Ngày nhà giáo Việt Nam được xem là 1 trong những ngày lễ của người Việt. Đây là dịp cho những ai đã, đang, từng là học sinh tỏ lòng tri ân đến thầy cô giáo của mình. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian mà các mẹ thường than thở phải thắt lưng buộc bụng để chuẩn bị quà cáp cho con mình.
Ông bà ta ngày xưa có câu:
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy
Lòng biết ơn của phụ huynh đối với thầy cô giáo của con mình ngày nay có phần bị biến tướng theo sự phát triển của xã hội hiện đại. Hình ảnh những bó hoa tươi thắm, những món quà tặng 20-11 nhỏ đã trở nên xa xỉ và được thay thế bằng một món quà, nhỏ, gọn, nhẹ được đa số phụ huynh lựa chọn là “phong bì”.
Lấy lý do không hiểu sở thích của giáo viên, một bó hoa tươi ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 cũng rất mắc tiền nhưng cuối cùng cũng phải vào thùng rác. Nên việc tặng phong bao sẽ thiết thực hơn rất nhiều. Thầy cô giáo sẽ dùng tiền để quyết định món quà mình thật sự thích.
Đừng biến ngày nhà giáo Việt Nam thành gánh nặng
Đây chỉ là suy nghĩ 1 chiều của đa số phụ huynh. Các mẹ đã từng nghĩ, giáo viên của con mình có cùng suy nghĩ với mình hay không. Khi họ nhận phong bì từ tay các học sinh của mình, cảm xúc của họ khi đó như thế nào.
Nếu họ nhận, học sinh của họ nghĩ rằng “vậy là mẹ mình đúng, thầy cô mình thật sự thích tiền”. Nếu họ không nhận, học sinh của họ lại lo lắng “giờ mình phải làm sao đây, mẹ sẽ mắng mình không biết cách khéo léo để đưa phong bì, thế nào cuối năm mình cũng bị hạnh kiểm yếu”.
Vẫn còn rất nhiều thầy cô giáo thật sự quý và trân trọng những món quà nhỏ được làm từ chính tay các học trò cũng mình và được các cô cậu học trò tặng vào ngày nhà giáo Việt Nam, hoặc giả đó chỉ là một cành hoa hồng với giá 15k. Nhưng khi cầm trên tay những món quà đó, họ thật sự hạnh phúc, cảm thấy tự hào vì bản thân mình đang gìn giữ được nét đẹp tôn sư trọng đạo truyền thống của dân tộc.
Để giữ được sự thiêng liêng, cao đẹp của ngày nhà giáo Việt Nam đáng nhớ này, xin các mẹ nên thận trọng hơn khi quyết định tặng quà cho thầy cô giáo với phương thức gọn nhẹ nói trên. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến hình tượng của nghề giáo mà vô tình còn biến ngày lễ này thành gánh nặng của một số gia đình.
Đồng thời, sẽ góp phần gieo vào tâm hồn non nớt, ngây thơ của con những ý nghĩ không tốt về thầy cô của mình. Và lâu dần sẽ thành thói quen cho con em mình khi trưởng thành cũng như tạo điều kiện cho “phong bì” len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ngày càng nhiều hơn.
Trần Hải Nam