Thị lực của tôi bắt đầu tệ đi từ khi mang thai tháng thứ 5. Kính áp tròng cũng không còn vừa vặn nữa. Điều này là sự thật hay chỉ do tôi tưởng tượng ra?
Không, đó là sự thật đấy, mẹ đang không nhìn rõ những đồ vật và thị lực của mẹ cũng không còn tốt như lúc chưa mang thai. Khi mang thai, mắt là một trong những bộ phận dường như chẳng liên quan gì nhưng lại trở thành “con mồi” của các hormone. Tầm nhìn của mẹ không chỉ bị giảm xuống, mà mẹ cũng bỗng nhiên không còn thoải mái nữa khi mang kính áp tròng (nếu có).
Ngoài ra, do hormone mang thai làm giảm quá trình tiết nước mắt nên mắt cũng có thể bị khô, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho mắt mẹ rát và khó chịu. Chưa dừng lại ở đó, một vài bà bầu có thể sẽ bị cận hoặc viễn thị do dịch mắt gia tăng làm thay đổi hình dạng của thủy tinh thể. Thị lực của mẹ sẽ tốt và mắt cũng sẽ bình thường trở lại sau khi sinh (cho nên mẹ đừng bận tâm đến việc đi cắt mắt kính mới trừ khi những thay đổi này quá nhiều và thật sự khiến mẹ không nhìn rõ nữa).
Mang thai tháng thứ 5 chưa phải là lúc để mẹ xem xét việc đi phẫu thuật bắn mắt laser. Mặc dù việc này không làm hại đến thai nhi, nhưng nó có thể dẫn đến sự điều chỉnh quá mức đến thị lực của mẹ và tốn nhiều thời gian hơn để phục hồi, một lí do nữa là rất có thể mẹ sẽ cần thêm một lần phẫu thuật thứ hai để điều chỉnh lại thị lực (ngoài ra những loại thuốc nhỏ mắt mẹ phải dùng cũng không tốt cho phụ nữ có thai). Bên cạnh đó, các bác sĩ nhãn khoa khuyên mẹ không nên thực hiện phẫu thuật chỉnh thị lực trong suốt thai kỳ, trong 6 tháng trước ý định có thai và ít nhất là 6 tháng sau khi sinh (và nếu mẹ cho con bú thì thêm 6 tháng sau cai sữa).
Giảm thị lực khi mang thai tháng thứ 5
Mặc dù thị lực giảm nhẹ khi mang thai (đặc biệt là bắt đầu từ khi mẹ mang thai tháng thứ 5) là bình thường nhưng nếu có những triệu chứng khác đi kèm sau đây thì đó chính là dấu hiệu cảnh báo mẹ nên đi khám: Mẹ có cảm giác bị lem, mờ khi nhìn gì đó; thấy những đốm nhỏ, lềnh bềnh; bị song thị (nhìn một thành hai) kéo dài hơn 2 – 3 tiếng, nếu mẹ gặp tình trạng này thì đừng chờ xem chúng có hết không mà hãy gọi cho bác sĩ ngay mẹ nhé. Khi mẹ phải đứng lâu hoặc khi đột ngột đứng dậy thì việc nhìn thấy những đốm chấm nhỏ là bình thường và không đáng lo, nhưng mẹ cũng có thể nói về vấn đề này trong lần khám thai tiếp theo. Trường hợp mẹ bị tiểu đường hoặc tăng nhãn áp cũng nên nói cho bác sĩ biết để có những lời khuyên từ họ.
Những việc mẹ có thể làm:
- Tiếp nước cho mắt. Nếu cảm thấy mắt khô nhiều, mẹ hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa để kê cho mẹ thuốc nhỏ giúp giảm tình trạng này.
- Hãy để mắt nghỉ ngơi. Nếu việc đeo kính áp tròng làm mẹ khó chịu, tại sao mẹ không chuyển sang mang kính cho đến khi sinh con xong.
- Đừng dán mắt vào màn hình. Khi mang thai tháng thứ 5 và làm việc quá lâu trước máy tính (khi nhìn màn hình có thể khiến cho mẹ ít chớp mắt hơn) có thể làm trầm trọng hơn tình trạng khô và rát mắt.
- Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. P 242-243
- Blurred Vision During Pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.whattoexpect.com/pregnancy/symptoms-and-solutions/vision.aspx>. [Ngày 06 tháng 08 năm 2015].
- Vision changes during pregnancy. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_vision-changes-during-pregnancy_1456567.bc?showAll=true