Nuôi con

Giúp con đối mặt với những thay đổi khi bước vào cấp 3

Khi bước vào cấp 3, kiến thức cũng như những kì vọng cao trong học tập cũng có thể khiến trẻ lo âu. Là cha mẹ, bạn cần lắng nghe những nỗi lo lắng của con và tránh gây cho con quá nhiều áp lực. Những mẹo bên dưới sẽ giúp trẻ đối mặt tốt hơn với những thay đổi khi bước vào cấp 3.

Khi con bước vào cấp 3

Khi bắt đầu học trường cấp 3, học sinh cần trình độ nhận thức cao hơn so với lúc trẻ học ở trường cấp 2. Cũng trong khoảng thời gian này, trẻ cần phải suy nghĩ về việc chọn lựa nghề nghiệp, học đại học, cao đẳng, học nghề hay là đi làm.

Bước vào môi trường mới, mọi thứ trở nên lạ lẫm với trẻ, làm cho các em cảm thấy lo sợ. Ngoài ra, những kì vọng cao trong học tập cũng có thể khiến trẻ lo âu.

Để quá trình chuyển tiếp từ cấp 2 lên cấp 3 tốt đẹp, trẻ cần có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý cũng như sức khỏe.

Giúp con đối mặt tốt hơn với những thay đổi khi bước vào cấp 3

Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể giúp trẻ đối mặt tốt hơn với những thay đổi khi bước vào cấp 3

Tìm hiểu những thông tin cần thiết
Cảm giác bồn chồn, lo lắng trong ngày đầu tiên đến trường có thể là do một số nguyên nhân, như tìm chuyến xe buýt mới, tìm trường, lớp học. Do đó, bạn nên cho trẻ tìm đường đến trường, tham quan trường và tìm lớp học trước khi đi học.

Nếu trường cấp 3 của trẻ có tổ chức chương trình định hướng cho học sinh mới thì nên cho con tham gia. Việc này sẽ giúp con giảm bớt những bận tâm ngay lập tức.

Ngoài ra, trẻ có thể tìm hiểu về trường thông qua internet, trong đó có cả các thông tin về các câu lạc bộ hoặc hoạt động ngoại khóa của trường.

Giúp con đối mặt với những thay đổi khi bước vào cấp 3

Tìm hiểu thông tin và các hoạt động ngoại khóa qua website trường

Khuyến khích con tham gia những hoạt động ngoại khóa
Khi con đã làm quen được môi trường học đường mới, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa mà trường cấp 3 của con có. Những trẻ tham gia vào hoạt động ngoại khóa có xu hướng trội hơn về học tập và tương tác xã hội so với những trẻ không tham gia hoặc ít tham gia đấy mẹ ạ.

Ngoài ra, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao sẽ giúp trẻ cảm thấy thân thuộc với trường học hơn, tăng khả năng làm việc nhóm và giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn.

Do đó, hãy khuyến khích con tham gia vào một hoạt động, câu lạc bộ hay chơi thể thao để trẻ có thêm nhiều bạn bè và giảm căng thẳng khi chuyển cấp.

Ôn lại kiến thức trong hè
Việc trẻ quên một vài kiến thức sau kì nghỉ hè là điều thường thấy. Tuy nhiên, nếu con bạn quá yếu trong một môn học nào đó, thì bạn hãy giúp trẻ củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ hè, điều này giúp trẻ chuẩn bị cho năm học mới tốt hơn.

Học tập nghiêm túc
Để có được thành tích cao trong học tập, trẻ cần phải nỗ lực rất nhiều. Nhiều học sinh chỉ bắt đầu tập trung học khi nhận thấy điểm số của mình thấp. Trẻ không biết rằng điểm số ở trường cấp 3 cũng ảnh hưởng lớn đến việc học đại học sau này. Khi nhìn lại chặng đường của mình, nhiều trẻ cảm thấy hối hận.

Do đó, ngay từ khi bắt đầu vào cấp 3, trẻ cần nghiêm túc học tập và bạn có thể nhắc nhở con khi thấy con có những dấu hiệu bỏ bê việc học.

Tránh gây quá nhiều áp lực cho con
Trong khi một số trẻ đã căng thẳng về việc phải đạt được điểm cao, mà cha mẹ còn cứ nhắc trẻ về những khó khăn của trường cấp 3 thì sẽ chỉ làm cho mọi thứ tệ hơn thôi.

Thay vì nói với con rằng: “Nếu con không thay đổi cách học thì con sẽ bị điểm thấp” thì hãy nói với con rằng “Mẹ biết là con sẽ biết cách giải quyết chuyện này mà”.

Lắng nghe
Cha mẹ cũng cần lắng nghe con, đặc biệt là những khi trẻ thấy căng thẳng, choáng ngợp hay sợ hãi. Cha mẹ không nên đánh giá thấp những nỗi lo sợ của con bằng cách chỉ nói là “mọi thứ sẽ ổn”. Sự thay đổi khi chuyển cấp có thể là một chuyện kinh khủng.

Cha mẹ nên trấn an rằng trẻ không đi một mình mà luôn có sự đồng hành của cha mẹ trong quá trình chuyển cấp của trẻ. Điều trẻ cần lúc này chính là sự hỗ trợ về cảm xúc, sự ủng hộ và lắng nghe từ cha mẹ đấy.

Giúp con đối mặt với những thay đổi khi bước vào cấp 3 hình ảnh 2

Luôn lắng nghe và trấn an trẻ rằng con không đi một mình mà luôn có ba/mẹ bên cạnh

Tìm sự giúp đỡ khi cần thiết
Nếu sau vài tuần học mà con bạn vẫn còn cảm thấy lo âu về trường học, cảm xúc thay đổi thất thường, giấc ngủ và ăn uống đảo lộn, hành động khác lạ,… thì cha mẹ cần tìm kiếm sự giúp đỡ và can thiệp.

Ngoài ra, điều cha mẹ cần làm nhất là yêu thương con vô điều kiện. Trong khi trẻ đang vượt qua giai đoạn này để bước vào thế giới người lớn, cha mẹ có thể hiểu rằng, sự thay đổi là khó khăn và những nỗi lo sợ của trẻ là có thật.

Cha mẹ, giáo viên, nhà tham vấn và các nhà lãnh đạo trường cấp 3 của trẻ cần phải hợp tác với nhau để có thể giải quyết tốt vấn đề.

Hãy để con tự giải quyết vấn đề của mình
Dù biết rằng những thay đổi khi bước vào cấp 3 khiến trẻ lo lắng và rất cần bạn hỗ trợ, song không phải lúc nào cũng vậy, vẫn có một số vấn trẻ cần tự giải quyết. Điều này có nghĩa là để trẻ giải quyết vấn đề mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Chẳng hạn như nếu các con than gặp bài tập khó, bạn có thể hướng dẫn trẻ nhưng tuyệt đối không làm bài hộ con. Bằng cách khen ngợi những nỗ lực của con, cha mẹ có thể giúp trẻ giúp trẻ đối phó với những vấn đề của mình.

Thiết lập thói quen tốt
Việc tạo thói quen học tập tốt sau giờ học ở trường cấp 3 cũng giúp trẻ học tốt hơn và biết cách sắp xếp cuộc sống của mình đấy cha mẹ ạ.

Xem xét việc học của con
Cần xem xét kĩ việc học của con. Nếu kết quả học tập của con sút kém, có thể do trẻ chưa biết sắp xếp thời gian, chưa lên kế hoạch học tập… Cha mẹ có thể cùng con nhìn lại việc học và lập kế hoạch học tập tốt hơn.

Không kết thúc sự đồng hành cùng với con, nhưng cần thay đổi
Sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng khi trẻ lớn lên, nhưng cần thay đổi. Nếu cha mẹ cứ tiếp tục quản lí con chặt chẽ như cũ sẽ khiến con không thoải mái và có thể vô tình gây áp lực cho con, hoặc nếu trước giờ cha mẹ quá lỏng lẻo trong việc kiểm soát thì có lẽ nên thay đổi khi con bước vào cấp 3.

Không cần đưa đón con đến trường, nhưng các bậc phụ huynh có thể thể hiện sự quan tâm bằng việc ăn tối cùng con, hỏi han những gì con làm trong ngày, cũng như giám sát việc sử dụng điện thoại và các phương tiện truyền thông của con.

Giúp con đối mặt với những thay đổi khi bước vào cấp 3 hình ảnh 3

Ăn tối cùng nhau cũng là cách để thể hiện sự quan tâm và yêu thương đấy bạn à

Để ý đến các bạn của con
Dù con học ở trường cấp 2 hay trường cấp 3 thì cha mẹ cũng cần để ý đến các bạn của con mình. Cha mẹ nên thận trọng nếu trẻ chỉ mới học lớp 9 mà lại hay đi chơi với các bạn lớp 11 hoặc 12, dù đó là hẹn hò hay chỉ là bạn bè bình thường.

Cần lưu ý rằng, đôi khi những người lớn tuổi hơn sẽ lợi dụng những người nhỏ tuổi đấy cha mẹ ạ.

Nói về mục tiêu
Cha mẹ có thể hỏi về mục tiêu học cấp 3 và sau khi ra khỏi trường cấp 3 của con. Hãy lắng nghe kĩ những điều con nói và hỗ trợ con đặt ra những mục tiêu cao và thực tế để con hướng đến. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nói về những mong đợi của bạn về tương lai của con cho trẻ nghe.

Hãy nhớ rằng trẻ cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với môi trường mới. Cái nhìn tích cực của bạn có thể giúp trẻ, đo đó hãy cho con mình biết rằng bạn tin trẻ có khả năng để làm tốt mọi việc.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. 3 Tips to Help Your Teen Transition to High School. Đọc thêm tại: <http://www.usnews.com/education/blogs/high-school-notes/2013/08/05/3-tips-to-help-your-teen-transition-to-high-school>. [Ngày 19 tháng 8 năm 2015].
  2. 7 tips to help teens successfully transition to high school. Đọc thêm tại: <http://www.foxnews.com/opinion/2012/07/29/7-tips-to-help-teens-successfully-transition-to-high-school.html>. [Ngày 15 tháng 9 năm 2015].
  3. Helping Middle School Students Make the Transition into High School. Đọc thêm tại: <http://www.education.com/reference/article/Ref_Helping_Middle>. [Ngày 15 tháng 9 năm 2015].
  4. Seven ways to prepare for middle and high school transitions. Đọc thêm tại: <http://co.chalkbeat.org/2013/08/23/seven-ways-to-prepare-for-the-transition-to-middle-and-high-school/#.VfijWBGqqkr>. [Ngày 15 tháng 9 năm 2015].
  5. Helping Your Child Make Successful Transitions: Middle to High School. Đọc thêm tại: <https://education.ohio.gov/Topics/Other-Resources/Family-and-Community-Engagement/Getting-Involved-with-your-Child-s-Learning/Your-6th-to-8th-Grader/Helping-Your-Child-Make-Successful-Transitions-Mid>. [Ngày 15 tháng 9 năm 2015].
  6. Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 124.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com