Mối quan hệ bạn bè là một phần quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Nhưng khi ảnh hưởng từ bạn bè đối với trẻ trở nên tiêu cực, cha mẹ cần vào cuộc để giúp trẻ giải quyết khó khăn này. Có nhiều cách dạy con và giúp đỡ con mà cha mẹ có thể áp dụng với trẻ vị thành niên.
Khi cha mẹ ngăn cấm các mối quan hệ bạn bè của trẻ
Trong giai đoạn vị thành niên, trẻ sẽ kết bạn với nhiều người. Và đương nhiên sẽ không thể tránh khỏi việc có ít nhất một hoặc hai người bạn mà cha mẹ không hài lòng vì bất kỳ lý do gì, ví dụ như: quá ồn ào, quá trẻ con, cư xử không tốt, học hành không nghiêm túc. Nhưng việc không hài lòng về bạn bè của con cái không phải là căn cứ để cha mẹ có quyền cấm cản mối quan hệ bạn bè của con. Việc chọn bạn và biết nhìn người là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống mà trẻ cần phải học, và thông thường là học qua những trải nghiệm.
Đôi khi sự cấm đoán của cha mẹ là hợp lý, như trong trường hợp bạn bè của trẻ là một người nghiện ngập và tình dục bừa bãi, hoặc có một vấn đề nào đó tương tự như thế. Vấn đề khó xử ở đây là làm thế nào để cha mẹ bày tỏ mối lo lắng này mà không nóng giận và ghét bỏ con cái. Nếu con cái hỏi ý kiến cha mẹ về bạn bè của chúng, cha mẹ hãy trả lời thật lòng, nhưng tránh công kích bạn bè của trẻ nhé. Thay vì tập trung vào bất kì người nào mà bạn không thích, bạn có thể thử trò chuyện với con về hành vi mà bạn không thích. Thảo luận những hậu quả có thể có của hành vi đó sẽ tác động tới trẻ nhiều hơn là chỉ trích bạn của trẻ.
Cha mẹ cũng cần cẩn thận khi đe dọa ngăn cấm một mối quan hệ bạn bè của con cái. Càng chỉ trích nặng nề bạn bè của con bao nhiêu, trẻ càng bị ép đến mức đứng về phía bạn mình. Một cách tiếp cận hợp lý hơn đó là bạn hãy bình tĩnh bộc lộ sự e dè của mình về mối quan hệ đó và khuyên con cũng hành xử giống mình.
Giúp con đối phó với ảnh hưởng từ bạn bè
Khi những ảnh hưởng từ bạn bè đối với trẻ trở nên tiêu cực, cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ bằng cách:
- Giữ liên lạc được thông suốt. Cha mẹ luôn luôn phải kết nối được với con cái, điều này có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với cha mẹ nếu trẻ cảm thấy mình bị đưa đẩy làm những việc khiến bản thân không dễ chịu.
- Chỉ con cách từ chối. Con cần phải biết cách nói từ chối mà không bị mất mặt khi bị chi phối làm việc gì mà bản thân không muốn. Ví dụ, khi bị bạn bè khiêu khích hút thuốc lá. Thay vì nói đơn giản “Không, cảm ơn”, trẻ có thể nói những câu như “Thôi, thuốc lá làm bệnh hen suyễn của tôi nặng hơn”, hoặc “Mình không thích cơ thể bị ám mùi”.
- Sử dụng những từ ngữ ra hiệu. Đó là những từ ngữ trẻ có thể sử dụng khi chúng cần cha mẹ giúp đỡ nhưng không muốn bạn bè biết mình đang nhờ sự giúp đỡ. Ví dụ nếu trẻ không cảm thấy thoải mái tại một bữa tiệc, trẻ có thể gọi hoặc nhắn tin cho bạn với một cụm từ đã được thỏa thuận trước giữa 2 người, như “Mẹ ơi, con lại bị đau tai. Mẹ có thể đến đón con được không?”
- Khuyến khích con xây dựng mối quan hệ xã hội rộng. Nếu thanh thiếu niên có cơ hội kết bạn từ nhiều môi trường, bao gồm các hoạt động thể thao, gia đình hoặc đội nhóm, điều đó có nghĩa trẻ có nhiều sự lựa chọn và nhiều nguồn giúp đỡ nếu một mối quan hệ đang đi chệnh hướng.
- Xây dựng lòng tự trọng ở trẻ. Việc này giúp trẻ tăng sự tự tin để tự ra quyết định và vượt qua được ảnh hưởng từ bạn bè.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phát triển một mối quan hệ tích cực và giao tiếp tốt với con của mình, điều này khuyến khích trẻ trò chuyện với bạn nếu trẻ cảm thấy có những ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè đến mình.
- Peer pressure and influence: teenagers. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/peer_pressure_teenagers.html>. [Ngày 26 tháng 7 năm 2015].
- Peer pressure. Đọc thêm tại: <http://www.cyh.com/HealthTopics/HealthTopicDetails.aspx?p=243&id=2184&np=295>. [Ngày 26 tháng 7 năm 2015].
- Helping Kids Handle Peer Pressure. Đọc thêm tại: <http://www.healthlinkbc.ca/healthtopics/content.asp?hwid=abl0972>. [Ngày 27 tháng 7 năm 2015].
- Donald E. Greydanus, M.D., FAAP, Editor-in-chief and Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 5 – 7; 65 – 6