Giúp con trưởng thành hơn, đặc biệt là khi con đang ở độ tuổi vị thành niên, đôi khi là một điều khó khăn với các bậc cha mẹ. Bài viết sau đây cung cấp cho cha mẹ cách nuôi dạy con phù hợp để con trưởng thành, tự tin hơn.
Tâm sự của người mẹ
Con trai chị Bình nhất quyết xin mẹ cho đi xuống nhà bạn học ở miền Tây chơi một tuần. Chị khá lo lắng vì chưa bao giờ để con đi đâu lâu như vậy mà không có mình bên cạnh. Nhưng vì cu cậu năn nỉ dữ quá nên chị đồng ý dù tâm trạng khá lo lắng. Hầu như ngày nào chị cũng thường xuyên gọi điện cho con tới vài lần để hỏi han con đang làm gì, con đã ăn uống chưa. Được ba hôm thì điện thoại con tắt máy, kể cả điện thoại của cậu bạn mà con tới nhà ở, chị hốt hoảng tìm đủ mọi cách liên lạc với con bằng cách tìm số điện thoại của mấy người bạn học cùng lớp con.
“Mẹ à, con vẫn bình thường và đang chơi vui vẻ với các bạn. Nhưng con thấy phiền lắm khi suốt ngày mẹ gọi điện quản thúc, cứ như con còn học mẫu giáo vậy. Mẹ hãy để con tự quyết định một số việc và tự trải nghiệm cuộc sống mẹ nhé. Con sẽ có một món quà bất ngờ cho mẹ.”
Sau khi đọc xong tin nhắn của con, chị bần thần một lúc lâu mới lấy lại được sự bình tĩnh. Có lẽ chị đã cố tình không muốn chấp nhận rằng cậu con trai tuổi 16 muốn được sống tự lập, dù chị biết con thường làm theo ý muốn của bản thân và con là một người sống khá trách nhiệm. Tuy nhiên, người mẹ nào chắc cũng hiểu được những nỗi băn khoăn lo lắng giống như chị. Chị tự hỏi con đã đến độ tuổi muốn được tự khẳng định mình, rồi một ngày con sẽ lớn và rời xa mái ấm dưới sự bảo bọc của ba mẹ, chị nên cư xử và có thái độ như thế nào để giúp con trưởng thành đây?
Quá bao bọc con có phải là điều tốt cho trẻ?
Phần lớn các bậc cha mẹ đều có tâm trạng như chị Bình, vừa muốn con trưởng thành nhưng lại muốn bao bọc con và lo sợ con sẽ bị vấp ngã. Không có phương pháp nào tốt hơn là bạn hãy hình dung ra chính bản thân mình, tự hỏi xem bạn muốn gì khi ở độ tuổi của con bây giờ và những điều bạn muốn có lẽ là câu trả lời mà bạn đang cần.
Một đứa trẻ tự tin vào bản thân mình sẽ có tính tự lập và tự quyết cao. Nếu trẻ được cha mẹ cho phép làm theo những quyết định của mình thì sẽ làm gia tăng tính tự tin, đồng thời trẻ sẽ khám phá ra những thử thách cho bản thân và trưởng thành từ những lỗi lầm trẻ mắc phải.
Bạn có thể nhớ lại khi con tập đi, trẻ sẽ vấp ngã nhưng tự đứng dậy được dù có hay không có sự hỗ trợ của cha mẹ. Cũng như thế, ở độ tuổi vị thành niên, bạn hãy cho phép con mình được vấp ngã và chính từ sự vấp ngã đó mà trẻ sẽ rút ra được bài học và trưởng thành hơn.
Trẻ nào được gia đình che chở và bao bọc quá mức sẽ có khuynh hướng thiếu tự tin hơn và thường làm theo sự chỉ đạo của người khác. Đôi khi bạn nên tạo cơ hội cho con kiểm tra và phát hiện khả năng của bản thân để con có thể hình thành nên những phản xạ, suy luận và biết cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý.
Giành được quyền tự chủ giống như là một cuộc đấu tranh giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ lúc nào cũng nghĩ con mình còn nhỏ cần được chở che và lo lắng con có những quyết định sai lầm, nhưng con bạn lại muốn trưởng thành, độc lập và thoát khỏi sự bao bọc của cha mẹ. Vì thế, bạn nên hạn chế việc kèm cặp con một cách thái quá.
Tuy nhiên, cha mẹ để trẻ rời sự bảo bọc quá sớm hoặc bất ngờ thì chắc chắn trẻ sẽ bị tổn thương. Nhưng nếu cứ giữ trẻ quá chặt trong thời gian quá dài lại khiến trẻ nổi loạn, đi tìm những trải nghiệm giúp trẻ có được cảm giác “trưởng thành” như ma túy, rượu, thuốc lá…Đối với trẻ, điều này đại diện cho cách thức đạt đến sự tự do.
Giúp con trưởng thành bằng cách nào?
Với rất nhiều vấn đề mà trẻ phải đối mặt trong giai đoạn tuổi vị thành niên, trẻ có thể một mình xử lý chúng, nhưng vẫn tốt hơn khi có sự trợ giúp từ cha mẹ. Một số hướng dẫn sau sẽ giúp cha mẹ chuẩn bị những bước đi tốt cho con trên con đường đi đến sự trưởng thành:
Hãy cho trẻ có quyền lên tiếng
Khi con mới bắt đầu bước vào độ tuổi vị thành niên hoặc thậm chí khi còn là một thiếu nhi, hãy cho phép con có quyền đưa ra tiếng nói riêng và những quyết định có ảnh hưởng đến bản thân trẻ, nhưng ở một chừng mực nào đó. Nếu bạn thấy con có khả năng đưa ra những quyết định hợp lý, hãy giao cho con những trách nhiệm lớn lao hơn.
Chẳng hạn như khi sơn phòng cho con, hãy hỏi con thích màu gì. Nhưng nếu con bạn chọn màu không phù hợp thì bạn có thể giới hạn lại một số màu sắc mà bạn có thể chấp nhận được. Hay trường hợp mua sắm cho con, bạn đã quen với việc tự ý mua đồ cho con nhưng ở tuổi này, thay vì lựa chọn đồ bạn thích thì đã đến lúc bạn để con tự quyết định. Hãy đưa một số tiền hợp lý cho con và cùng con tới cửa hàng mua sắm và để con bạn tự lựa chọn quần áo mà con muốn.
Giúp con trưởng thành bằng cách cho con quyền lên tiếng
Nếu con cần sự giúp đỡ để đưa ra quyết định
Nếu trẻ cần phải đưa ra một quyết định và nhờ đến sự giúp đỡ của bạn, hãy hướng dẫn trẻ đưa ra sự lựa chọn phù hợp theo 6 bước sau:
- Bước 1: Hãy để trẻ nói rõ về vấn đề và trẻ cảm thấy như thế nào về vấn đề này.
- Bước 2: Trẻ có thể có sẵn đáp án trong đầu, nhưng nó chưa phù hợp, bạn hãy giúp trẻ tìm những giải pháp khác thay thế. Không phải lúc nào trẻ cũng nhận ra rằng trẻ có nhiều sự lựa chọn.
- Bước 3: Hãy giúp trẻ cân đo đong đếm ưu và nhược điểm của từng phương án. Những người khác sẽ cảm thấy như thế nào về quyết định của trẻ và trẻ sẽ giải quyết điều này như thế nào?
- Bước 4: Bàn với con về “phương án dự phòng”. Chẳng hạn như tuần tới là sinh nhật một người bạn trong lớp, hãy hỏi con sẽ phản ứng như thế nào nếu người bạn đó quyết định không mời con đến bữa tiệc ấy.
- Bước 5: Để trẻ theo đuổi và thực hiện quyết định đó.
- Bước 6: Theo dõi và hỏi trẻ những gì đang xảy ra đồng thời khuyến khích trẻ suy ngẫm về quyết định của mình.
Hãy để con trưởng thành từ những sai lầm
Những bài học trong cuộc sống để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và khó quên nhất thường là những trải nghiệm làm cho trẻ bị tổn thương do trẻ tự mình gây ra. Thông thường theo bản năng cha mẹ sẽ muốn hỗ trợ con ngay lập tức khi thấy con vấp ngã, nhưng hãy để cho con tự “trả giá” cho những điều mà bản thân trẻ gây ra, tất nhiên là trong trường hợp sự trả giá này không quá đắt.
Một đứa trẻ học lớp 6 phải học bài để làm bài kiểm tra ngày mai. Vì trước đó chưa ôn bài xong nên trẻ phải thức cả đêm để ôn, để rồi ngày hôm sau đi học với tâm trạng mệt mỏi, thiếu tập trung và hậu quả là bài kiểm tra bị điểm kém. Hãy để trẻ tự chọn lựa cách làm cho mình để rồi biết đâu là con đường tốt mà trẻ nên đi.
Thảo luận cùng nhau khi con mắc lỗi
Nếu con mắc lỗi hoặc đưa ra một quyết định thiếu sáng suốt, hãy thảo luận với con. Hãy thông cảm và giải thích với con rằng những sự thất bại là một phần của cuộc sống. Sau đó giúp con phân tích điều gì không ổn và tính toán xem con có thể xử lý tình huống khó khăn này như thế nào.
Nếu cần thiết bạn cũng đừng ngại giúp trẻ chấp nhận với thực tế rằng trẻ đã cư xử không trung thực hoặc không phù hợp. Không phải bao giờ các lỗi lầm của trẻ có thể dễ quên và dễ dàng được tha thứ.
Khi trẻ đưa ra quyết định thiếu sáng suốt, người lớn sẽ quyết định thay trẻ
Con gái bạn quyết định đi xem phim với bạn bè thay vì đi thăm bà ngoại đang bị bệnh dù trước đó con đã hứa với bà, con nên hiểu bà có thể cảm thấy bị tổn thương. Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên mà là một sự lựa chọn có ý thức và có sự ích kỷ ở đó.
Hãy cho con hiểu rằng khi bản thân đưa ra một quyết định thiếu sáng suốt thì người lớn sẽ quyết định thay cho chúng. Bạn hy vọng rằng trẻ thấy được lỗi sai và sẽ xin lỗi bà ngoại mà không cần bạn phải nhắc nhở.
Nhưng nếu trẻ không tự nhận thức được điều đó, bạn cần phải nhắc nhở trẻ để không khuyến khích những hành động như thế này, và để trẻ tự đối mặt với những hậu quả do mình gây ra. Trẻ phải hiểu rằng mọi người sẽ không thế tha thứ cho hành vi tự cho mình là trung tâm như vậy được.
- We can’t grow if you won’t let go. Please allow us to make decisions for ourselves, Even if we’re wrong sometimes.Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philip Bashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA