Rối loạn ăn uống khi mang thai (mắc chứng ăn vô độ hoặc chán ăn) kéo dài đồng nghĩa với việc cơ thể mẹ đã bị suy dinh dưỡng, mẹ cần lên kế hoạch để có chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn. Mekhonghoanhao xin chia sẻ một số cách giúp mẹ bầu khắc phục chứng rối loạn ăn uống, tham khảo bài viết ngay mẹ nhé!
Mẹ biết không, việc khắc phục chứng rối loạn ăn uống và tăng cân trong thai kỳ rất quan trọng. Dưới đây là một số thông tin mẹ cần biết khi mang thai:
- Khi mang thai, sức khỏe em bé nên được ưu tiên hàng đầu, mẹ đừng sợ mập nhé. Bởi chiếc bụng tròn lên là dấu hiệu chứng minh em bé đang phát triển trong bụng mẹ mà. Vả lại, mặc dù phải tạm thời “bye bye” những đường cong thì cơ thể mẹ vẫn có nét quyến rũ riêng ở giai đoạn này đấy.
- Số cân tăng trong thai kỳ rất quan trọng cho sự tăng trưởng của bé cũng như sức khỏe của mẹ.
- Mẹ nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng và tăng cân đều đặn có kiểm soát, việc này không chỉ giúp em bé khỏe mạnh mà mẹ cũng có thể nhanh chóng lấy lại vóc dáng ban đầu sau khi sinh.
- Mẹ nhịn đói đồng nghĩa với việc bé trong bụng mẹ cũng bị đói. Và khi chất dinh dưỡng trong cơ thể mẹ đều bị “tống khứ” ra ngoài (do nôn ói, uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu), bé sẽ không còn đủ chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh nữa.
- Tập thể dục là một cách tốt để mẹ kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, mẹ cần chọn những bài tập phù hợp nhé (mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ). Mẹ nên tránh những bài tập nặng khiến cơ thể đốt cháy quá nhiều calo và làm tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức.
Nhờ bác sĩ tư vấn để giúp mẹ khắc phục chứng rối loạn ăn uống khi mang thai
- Mẹ không thể “đánh bay” số cân nặng đã tăng ngay sau khi sinh. Với một chế độ ăn uống hợp lý, trung bình mẹ có thể trở lại gần (mẹ lưu ý là chỉ gần thôi nhé) bằng số ký ban đầu sau khoảng 6 tuần. Còn nếu mẹ muốn vóc dáng trở lại hoàn-toàn-như-ban-đầu, mẹ cần nhiều thời gian hơn và cần cả tập thể dục nữa. Chính vì lý do này, nhiều phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống có những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể, khiến họ rơi vào trạng thái ăn vô độ hoặc bỏ đói bản thân trong giai đoạn sau sinh. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hồi phục sau sinh và cả nguồn sữa của mẹ. Vì vậy, giai đoạn sau sinh, mẹ vẫn nên tiếp tục được tư vấn bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Tóm lại, điều mẹ cần nhớ ở đây là bé khỏe hay không phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ, nếu mẹ suy dinh dưỡng, bé cũng vậy. Tinh thần đóng vai trò rất quan trọng. Mẹ có thể treo ảnh những em bé xinh xắn trên cửa tủ lạnh, trong phòng ngủ hoặc trên bàn làm việc để lấy động lực mà ăn uống đầy đủ nhé.
Nếu tình trạng rối loạn ăn uống không khá hơn, mẹ vẫn không thể ngừng ăn vô độ và nôn ói, vẫn không thể ngừng sử dụng thuốc nhuận tràng hay lợi tiểu và không thể ngừng nhịn ăn trong suốt thai kỳ, mẹ nên hỏi bác sĩ xem liệu mẹ có cần nhập viện cho đến khi tình hình được kiểm soát hay không nhé!
Xem thêm: Rối loạn ăn uống khi mang thai
- Heidi Murkoff Sharon Mazel, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman, New York (p.49 – 58)
- Eating disorders in pregnancy, tham khảo tại: http://www.babycentre.co.uk/a1042906/eating-disorders-in-pregnancy