Để giảm bớt triệu chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em, cha mẹ hãy tạo ra một môi trường đầy cảm thông khi ở nhà và trường học, điều đó sẽ giúp trẻ bị rối loạn lo âu chia ly cảm thấy thoải mái và an toàn hơn.
Cha mẹ có thể giúp con chống lại rối loạn lo âu chia ly bằng cách thực hiện nhiều biện pháp để giúp con cảm thấy an toàn hơn. Ngay cả khi những nỗ lực của cha mẹ không giải quyết được toàn vẹn vấn đề này thì sự đồng cảm của cha mẹ cũng có thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Sau đây là một số câu hỏi thường gặp và cách giải quyết vấn đề cha mẹ có thể tham khảo.
Làm thế nào để giải quyết tình trạng rối loạn lo âu chia ly của con?
- Hãy tự tìm hiểu về rối loạn lo âu chia ly. Nếu cha mẹ hiểu được con đang trải qua rối loạn này như thế nào thì cha mẹ sẽ dễ dàng đồng cảm với những cuộc tranh đấu khó khăn của con hơn.
- Hãy lắng nghe và tôn trọng những cảm xúc của con mình. Trẻ có thể cảm thấy bị cô lập bởi rối loạn của mình, vì vậy, việc lắng nghe trẻ có thể đem lại hiệu quả rất mạnh mẽ. Hãy nói chuyện với con về rối loạn lo âu chia ly. Sẽ tốt hơn cho trẻ nếu cha mẹ cùng con nói về cảm xúc của trẻ thay vì cố gắng không nghĩ đến nó. Cha mẹ hãy thông cảm với con, nhưng cũng nên nhắc con một cách nhẹ nhàng rằng dù sao thì con cũng đã vượt qua được lần phải xa bạn gần đây nhất mà chẳng có vấn đề gì xảy ra cả.
- Hãy đồng cảm với con, nhưng đồng thời cha mẹ cũng nhẹ nhàng nhắc nhở con rằng con vẫn sống sót sau lần chia ly trước.
- Hãy tiên liệu trước những khó khăn của sự chia cách. Cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho các thời điểm chuyển tiếp có thể gây ra lo âu ở trẻ – như lúc đi học, gặp gỡ vui chơi bạn bè. Nếu trẻ tỏ ra ít quyến luyến hơn khi chia tay bố hoặc mẹ, hãy để người đó tiễn trẻ đi học.
Mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho các thời điểm chuyển tiếp có thể dẫn đến rối loạn lo âu chia ly ở trẻ
Làm thế nào để giúp con bị rối loạn lo âu chia ly cảm thấy an toàn và được đảm bảo?
- Hãy tạo cho con một lịch trình nhất định trong ngày. Nếu lịch trình gia đình bạn dự tính thay đổi thì hãy thảo luận về điều đó với con trước khi thay đổi.
- Hãy thiết lập các giới hạn. Điều này giúp con bạn biết rằng dù bạn rất hiểu cho những cảm xúc của trẻ nhưng vẫn có những quy tắc trong gia đình mà trẻ cần chấp hành.
- Hãy cung cấp cho con nhiều sự lựa chọn. Nếu con bạn được cho phép lựa chọn hoặc được có một số quyền kiểm soát trong một hoạt động khi tương tác với người lớn, thì điều này có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái hơn.
Làm thế nào để khuyến khích sự chia cách và độc lập ở con?
- Hãy giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chia ly. Nếu con bạn thấy bạn có thể giữ bình tĩnh thì bé cũng có nhiều khả năng cũng giữ được bình tĩnh.
- Hãy khuyến khích hỗ trợ con tham gia vào các hoạt động thể chất và xã hội lành mạnh.
- Khi con bạn nghỉ học, hãy giúp bé trở lại trường học càng nhanh càng tốt. Cả khi chỉ đi học nửa buổi, bạn cũng nên cho trẻ đến trường. Triệu chứng của trẻ sẽ giảm đi khi trẻ nhận ra rằng mình có thể xa bạn mà không có vấn đề gì xảy ra cả.
- Hãy khen ngợi những nỗ lực của con bạn. Dù chỉ là những thành tựu nhỏ nhất – như đi ngủ mà không gây ồn ào, kết quả học tập tốt – hãy khen con và dùng chúng như là lý do giúp con bạn củng cố lại một cách tích cực hơn.
Phối hợp với nhà trường
Cha mẹ có thể phối hợp với nhà trường để giúp trẻ bị rối loạn lo âu chia ly sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường:
- Giải quyết nguyên nhân khiến trẻ né tránh trường học.
- Chấp nhận và giải quyết cho trẻ đến học muộn.
- Tìm một nơi an toàn ở trường cho trẻ.
- Cho phép trẻ liên lạc về nhà mỗi khi có căng thẳng.
- Gửi mẩu ghi chú nhỏ cho con (như “Mẹ/ Ba yêu con rất nhiều”).
- Hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình tương tác với bạn cùng lứa.
- Khen thưởng cho những nỗ lực của trẻ.
Đọc thêm tại đây:
- Separation Anxiety Disorder in Children.Đọc thêm tại:<http://www.webmd.com/children/guide/separation-anxiety>. [Ngày 27 tháng 8 năm 2015].
- Separation Anxiety Disorder in Children: Easing Separation Anxiety Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.helpguide.org/articles/anxiety/separation-anxiety-in-children.htm>. [Ngày 27 tháng 8 năm 2015].