Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung, nối buồng tử cung với âm đạo. Hẹp cổ tử cung là khi đoạn nối này bị hẹp hoặc đóng hoàn toàn. Hẹp cổ tử cung có thể khiến phụ nữ bị vô sinh, hoặc tử cung sẽ chứa đầy máu và mủ. Để giảm các triệu chứng cần tiến hành nong cổ tử cung.
Gợi ý các dấu hiệu hẹp cổ tử cung
Các triệu chứng hẹp cổ tử cung phụ thuộc vào cổ tử cung bị hẹp một phần hay hẹp hoàn toàn và tình trạng mãn kinh của bạn:
Trước khi mãn kinh: Hẹp cổ tử cung có thể gây ra những bất thường kinh nguyệt, chẳng hạn như vô kinh, đau bụng kinh và chảy máu bất thường. Hẹp cổ tử cung cũng có thể gây vô sinh vì tinh trùng không thể đi qua cổ tử cung để thụ tinh cho trứng.
Sau khi mãn kinh: Hẹp cổ tử cung thường không gây ra triệu chứng sau khi mãn kinh. Nếu có khối máu ứ đọng hay mủ ứ đọng trong tử cung có thể gây đau hoặc khiến tử cung to ra. Tử cung to ra có thể làm bạn cảm thấy có một khối u ở vùng bụng dưới.
Sớm nhận biết dấu hiệu hẹp cổ tử cung để không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai
Hẹp cổ tử cung do nhiều nguyên nhân
Một số phụ nữ bị chứng hẹp cổ tử cung từ lúc mới sinh, số khác bị hẹp cổ tử cung là do một số nguyên nhân như:
- Ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung
- Phẫu thuật liên quan đến cổ tử cung
- Các thủ thuật cắt bỏ nội mạc tử cung ở những phụ nữ bị xuất huyết âm đạo dai dẳng
- Xạ trị để điều trị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung
- Mãn kinh cũng có thể gây hẹp cổ tử cung vì các mô của cổ tử cung bị teo lại
- Viêm cổ tử cung mạn tính.
Chẩn đoán hẹp cổ tử cung bằng cách nào?
Để chẩn đoán hẹp cổ tử cung, bác sĩ sẽ thăm khám và đôi khi cần làm một vài xét nghiệm để loại trừ ung thư. Bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn bị hẹp cổ tử cung dựa trên các triệu chứng như:
- Bạn bị mất kinh hoặc đột ngột bị đau sau phẫu thuật cổ tử cung
- Khi bác sĩ không thể đưa dụng cụ vào cổ tử cung để lấy mẫu mô từ cổ tử cung.
Hãy gặp bác sĩ nếu nghi ngờ mình bị hẹp cổ tử cung
Để loại trừ ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số xét nghiệm cần thiết. Nếu phụ nữ tiền mãn kinh có huyết ứ hay bọc mủ trong tử cung, các xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung và sinh thiết nội mạc tử cung.
Trước khi thực hiện các xét nghiệm này, các bác sĩ phải làm một thủ thuật gọi là nong và nạo cổ tử cung để lấy mẫu. Các trường hợp sau đây sẽ không cần phải làm thêm xét nghiệm gì:
- Phụ nữ đã mãn kinh
- Người bệnh không có triệu chứng và không có ứ đọng máu hay mủ trong tử cung
- Kết quả xét nghiệm tế bào học cổ tử cung là bình thường.
Chữa hẹp cổ tử cung như thế nào?
Hẹp cổ tử cung chỉ nên điều trị nếu bạn có triệu chứng, bị ứ đọng máu hay mủ trong tử cung. Cổ tử cung có thể được nong ra bằng cách chèn một dụng cụ nhỏ qua miệng cổ tử cung, sau đó chèn dụng cụ lớn dần.
Để cố gắng giữ cho cổ tử cung mở, bác sĩ có thể đặt một ống gọi là stent ở cổ tử cung trong 4 – 6 tuần. Tình trạng hẹp cổ tử cung có thể được cải thiện sau khi sinh thường qua ngã âm đạo. Nếu hẹp do sẹo, có thể điều trị bằng laser.
Hẹp cổ từ cung khi nào cần đến bác sĩ?
Nếu bạn bị đau bụng dữ dội nhưng lượng kinh ít đi hay mất kinh, đặc biệt nếu bạn đã trải qua một thủ thuật sinh thiết cổ tử cung gần đây hay những thủ thuật tương tự khác – bạn nên đến gặp bác sĩ để loại trừ tình trạng hẹp cổ tử cung.
1. Stenosis of the uterine cervix. Đọc thêm tại: <http://radiopaedia.org/articles/stenosis-of-the-uterine-cervix>. [Ngày 16 tháng 6 năm 2015].
2. Cervical stenosis. Đọc thêm tại: <http://www.merckmanuals.com/home/women-s-health-issues/noncancerous-gynecologic-abnormalities/cervical-stenosis>. [Ngày 16 tháng 6 năm 2015].
3. Stenosis of uterine cervix. Đọc thêm tại: <http://en.wikipedia.org/wiki/Stenosis_of_uterine_cervix>. [Ngày 16 tháng 6 năm 2015].
4. What is cervical stenosis. Đọc thêm tại: <http://www.thebump.com/a/cervical-stenosis>. [Ngày 16 tháng 6 năm 2015].
5. Dysmenorrhoea. Đọc thêm tại: <http://www.health24.com/Lifestyle/Woman/Menstruation/Dysmenorrhoea-20120721>. [Ngày 20 tháng 6 năm 2015].
6. Carbon dioxide laser treatment of cervical stenosis. Đọc thêm tại: <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/3595913>. [Ngày 20 tháng 6 năm 2015].