Khi bố mẹ lớn tuổi mới mang thai, hội chứng down là một nguy cơ thường gặp nhất, tuy nhiên, mẹ không cần phải quá lo lắng nữa vì hội chứng này tuy không thể phòng ngừa nhưng có thể xét nghiệm chẩn đoán cho thai nhi ngay trong tử cung với độ chính xác cao.
Mang thai sau 35 tuổi dễ gặp hội chứng down
Những thập niên gần đây, nếu như tỉ lệ phụ nữ mang thai ở độ tuổi 20 – 29 có xu hướng giảm nhẹ thì tỉ lệ phụ nữ mang thai trên 35 tuổi lại tăng tận 40%. Như chúng ta đã biết, các nguy cơ trong thai kỳ sẽ tăng dần theo độ tuổi.
Nguy cơ thứ nhất cần được nhắc đến là hội chứng Down. Các nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ mắc hội chứng này tỉ lệ thuận với độ tuổi của mẹ: với mẹ 25 tuổi là 1/1,250; với mẹ 30 tuổi là 3/1,000; và với mẹ 45 tuổi là 1/35. Phụ nữ lớn tuổi mang thai được cho là có nguy cơ sinh con bị hội chứng Down hoặc các bệnh do rối loại nhiễm sắc thể khác cao hơn do trứng của mẹ bị “lão hóa”, bị tiếp xúc với tia X-quang, các loại thuốc, nhiễm trùng… nhiều hơn. Tuy nhiên, trứng không phải là “hung thủ” duy nhất gây ra các bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể. Theo ước tính, có tối thiểu 25% trường hợp hội chứng Down là do các khiếm khuyết trong tinh trùng của bố lớn tuổi.
Ngoài ra, còn một số ít nguy cơ khác cũng có xu hướng tăng nhẹ theo độ tuổi:
- Cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch: Khi mẹ đã qua hàng “băm”, và đặc biệt là hàng “tứ”, thì mẹ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp (đặc biệt nếu mẹ thừa cân), tiểu đường hoặc bệnh tim mạch cao hơn trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng bởi hầu hết người lớn tuổi nói chung đều có nguy cơ mắc phải các bệnh này và chúng hoàn toàn có thể kiểm soát được.
- Tiền sản giật, sẩy thai, sinh non: Mẹ lớn tuổi cũng có nguy cơ bị tiền sản giật, sẩy thai (do trứng bị “lão hóa”) và sinh non cao hơn bình thường.
- Sinh nở khó khăn hơn: Trung bình quá trình sinh nở của mẹ bầu lớn tuổi sẽ kéo dài và phức tạp hơn một chút, đôi khi cần phải sinh mổ hoặc sinh giác hút. Với một số mẹ bầu lớn tuổi bị giảm trương lực cơ và độ dẻo dai của xương khớp, quá trình sinh nở sẽ đau đớn hơn đôi phần, tuy nhiên, những phụ nữ khi mang thai có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ không mắc phải trường hợp này.
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, những bà mẹ 35 tuổi (hoặc hơn) không cần phải quá lo lắng nữa. Chẳng hạn như với hội chứng Down, tuy không thể phòng ngừa được nhưng mẹ có thể được xét nghiệm chẩn đoán thai nhi có bị hội chứng Down hay không trong tử cung. Ngoài ra, ngày nay mẹ bầu ở bất kỳ lứa tuổi nào đều được khuyến khích thực hiện xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn với độ chính xác rất cao. Nhờ vậy, những phụ nữ mang thai lớn tuổi nếu không cần thiết sẽ không phải thực hiện thêm các xét nghiệm xâm lấn vốn khá tốn kém và căng thẳng. Những bệnh mãn tính vốn phổ biến ở các mẹ bầu lớn tuổi cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn. Mẹ cũng sẽ được kê toa cho dùng thuốc và theo dõi tình trạng sức khỏe cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ sinh non.
Điều cuối cùng mẹ cần nhớ, đó là mẹ cần phải tự biết chăm sóc bản thân mình với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên bởi điều này rất quan trọng để giúp mẹ loại bỏ/ giảm thiểu tối đa hầu hết các nguy cơ trong thai kỳ.
Hội chứng down do bố lớn tuổi?
Trước đây, người ta cho rằng bố chỉ có mỗi trách nhiệm “giúp” mẹ thụ thai mà thôi. Đến thế kỷ 20, người ta mới phát hiện ra rằng tinh trùng của bố chính là yếu tố quyết định giới tính đứa bé trong bụng mẹ. Và mãi cho đến những thập niên gần đây, các nhà nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ rằng tinh trùng của bố lớn tuổi có thể làm gia tăng nguy cơ sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh. Tương tự như trứng của mẹ lớn tuổi, tinh bào của bố lớn tuổi cũng phải tiếp xúc với các hiểm họa từ môi trường lâu hơn và vì vậy có thể sẽ chứa gen hoặc nhiễm sắc thể biến đổi. Mẹ biết không, thậm chí các nhà nghiên cứu còn cho rằng tỉ lệ sẩy thai của một cặp vợ chồng sẽ tăng khi độ tuổi của chồng tăng (không cần biết vợ bao nhiêu tuổi); và rằng nếu bố nằm ở độ tuổi 50 – 55, nguy cơ con bị hội chứng Down sẽ tăng cao hơn nhiều so với trường hợp mẹ 50 – 55 tuổi.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về vấn đề trên vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước. Và vì vậy, bác sĩ sẽ không căn cứ vào tuổi bố để quyết định có chọc ối cho mẹ hay không. Bên cạnh đó, các xét nghiệm sàng lọc hiện nay đều được thực hiện thường xuyên cho mẹ ở bất kỳ độ tuổi nào. Vậy nên dù mẹ và bố có lớn tuổi, cũng hãy cứ thật thoải mái chuẩn bị cho việc mang thai, đừng lo lắng gì nhé.
- Heidi Murkoff Sharon Mazel, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman, New York (p.49 – 58)
- Down Syndrome: Trisomy 21, tham khảo tại: http://americanpregnancy.org/birth-defects/down-syndrome/